Theo Russia Beyond, trong suốt ba thập kỷ qua, sau khi Liên Xô tan rã, Nga và Mỹ luôn duy trì sự cân bằng về số lượng các loại vũ khí hạt nhân chiến lược kể cả khi lực lượng hai bên có cơ cấu tổ chức khác nhau.
Dù vậy giới lãnh đạo Mỹ vẫn cảm thấy lo lắng trước việc nước này thua kém Nga trong phát triển các hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến, điều này sẽ khiến Washington mất đi lợi thế nếu xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Lo ngại trên hoàn toàn có cơ sở, trong quá khứ Mỹ đã đánh giá quá thấp tiềm lực quân sự của Nga, trong khi đó họ lại bị cuốn vào các cuộc chiến hao tiền tốn của ở Afghanistan và Iraq. Nhìn chung quân đội Mỹ khó có thể phát triển hoặc đưa vào trang bị các loại vũ khí mới như Nga nếu tiếp tục theo đuổi những cuộc xung đột vô nghĩa ở Trung Đông.
Cùng với việc rút quân khỏi Afghanistan, Lầu Năm Góc đang từng bước điều chỉnh lại ngân sách của mình, nhằm bổ sung thêm tài chính cho các quỹ phát triển hoặc tăng cường mua sắm vũ khí mới trong tương lai, bao gồm cả các loại vũ khí chiến lược.
Nước Mỹ đã bỏ qua việc phát triển các hệ thống vũ khí hạt nhân mới khi mãi chạy theo những cuộc chiến không có hồi kết ở Trung Đông. (Ảnh: Congressional Budget Office)
Những bước tiến của người Nga
Trong khi Mỹ đang loay hoay dọn dẹp mớ hỗn độn họ tạo nên Trung Đông thì người Nga đã bắt tay vào phát triển một loạt các loại vũ khí chiến lược mới, trong số đó có thể nhắc đến tên lửa đạn đạo chiến lược tầm xa (ICBM) - RS-28 Sarmat.
RS-28 là mẫu ICBM mới nhất của quân đội Nga, được giới thiệu chính thức lần đầu tiên vào năm 2018, nó sẽ thay thế cho các hệ thống ICBM R-36M hiện tại. Giống như “người tiện nhiệm” RS-28 có thể được triển khai từ bệ phóng di động hoặc từ hầm phóng tên lửa ngầm dưới lòng đất.
Một trong những tính năng giúp RS-28 trở nên đặc biệt so với các mẫu ICBM cùng loại của Nga hiện tại là việc nó có thể tấn công vào lãnh thổ kẻ thù theo đường bay cận quỹ đạo qua Nam Cực. Giả sử, nếu nước Mỹ là mục tiêu thì điều này sẽ cho phép Moskva thực hiện một cuộc tấn công từ phía vịnh Mexico nơi Washington không triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa.
Theo dự kiến, các đơn vị RS-28 Sarmat đầu tiên sẽ được lực lượng tên lửa chiến lược Nga triển khai ở thị trấn Uzhur thuộc vùng lãnh thổ Krasnoyarsk vào năm 2022. Từ khu vực này nếu RS-28 được triển khai, người Mỹ gần như không có cơ hội ngăn chặn cuộc tấn công.
Tên lửa RS-28 Sarmat trong một cuộc thử nghiệm gần đây. (Ảnh: Sputnik)
Đó là trên đất liền, còn dưới biển, lực lượng hạt nhân chiến lược Nga cũng được trang bị một mẫu vũ khí chiến lược mới có thể làm thay đổi cán cân quân sự - Hệ thống đa nhiệm đại dương Status-6. Về cơ bản Status-6 là một phương tiện lặn tự hành chạy bằng năng lượng hạt nhân và có khả năng thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân với quy mô nhỏ.
Tầm hoạt động không giới hạn của Status-6 mang đến cho nó một lợi thế vô cùng lớn cho phép Nga tấn công nhóm tàu sân bay hoặc hạm đội đối phương từ bất kỳ hướng nào, ngoài ra còn có cả các mục tiêu ven biển như căn cứ hải quân, cơ sở hạ tầng chiến lược.
Hiện tại, hải quân Nga đang từng bước hoàn thiện Status-6 trước khi đưa vào trang bị loại vũ khí này, kèm với đó là cả tàu ngầm hạt nhân chuyên dụng K-329 Belgorod (phương tiện triển khai Status-6).
Thiết kế tàu ngầm hạt nhân K-329 Belgorod phương tiện sẽ triển khai Status-6. (Ảnh: hisutton)
Còn với không quân, Moskva đặt kỳ vọng vào mẫu tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân 9M730 Burevestnik, nó có tầm bay không giới hạn và được trang bị đầu đạn nhiệt hạch. Mặc dù 9M730 chỉ bay với vận tốc cận âm nhưng nó vẫn có thể né tránh được các hệ thống radar cảnh giới và phòng thủ tên lửa của đối phương nhờ vào thiết kế đặc biệt.
Từ ba hệ thống vũ khí nói trên, các chuyên gia quân sự của Russia Beyond cho rằng Nga đang sở hữu các hệ thống vũ khí chiến lược độc nhất vô nhị, đồng thời tạo ra sức ép lên người Mỹ. Dù nhận thức được mối đe dọa hiện hữu nhưng Washington có thể lấp đầy khoảng cách giữa lực lượng hạt nhân hai bên bởi để chế tạo các hệ thống vũ khí như Nga không chỉ cần đến nguồn tài chình dồi dào mà còn cả thời gian.
Lực lượng hạt nhân của Mỹ đang lỗi thời
Nếu so sánh tình trạng hiện tại của các lực lượng hạt nhân chiến lược Nga và Mỹ về tổng thể cả hai đều ngang bằng với số lượng đầu đạn hạt nhân đang được triển khai, vốn được phản ánh rõ trong Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (New START).
Khác với Nga, Mỹ đặt toàn bộ trọng trách răn đe hạt nhân lên các tàu ngầm, đây cũng là lực lượng hạt nhân chiến lược mạnh nhất của Washington tính tới thời điểm hiện tại. Các tàu ngầm tấn công hạt nhân (SSBN) hoặc tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SLBM) của hải quân Mỹ có thể triển khai cùng lúc hàng trăm tên lửa.
Điển hình như lớp tàu ngầm hạt nhân Ohio, nó có thể mang theo 24 tên lửa đạn đạo tầm xa Trident II, con số này đối với tàu ngầm hạt nhân lớp Borei của Nga chỉ 16 tên lửa.
Nói một cách dễ hiểu, Nga có nhiều sự lựa chọn hơn cho đòn tấn công hạt nhân của họ với các hầm phóng tên lửa dưới lòng đất, các bệ phóng di động, từ tàu ngầm, từ máy bay ném bom. Trong khi đó Mỹ chỉ tập trung sức mạnh vào lực lượng tàu ngầm hạt nhân, dĩ nhiên họ vẫn có một số phương án triển khai vũ khí khác nhưng chúng không thể đóng vai trò quyết định.
Năng lực răn đe hạt nhân của Mỹ đặt hết lên vai lực lượng tàu ngầm. (Ảnh: atomicarchive)
Theo một báo cáo của Bộ Ngoại giao Nga, tính đến tháng 5/2021, nước Mỹ có trong biên chế 56 tàu ngầm hạt nhân có thể triển khai các tên lửa đạn đạo Trident-II và 41 máy bay ném bom chiến lược tầm xa B-52N, còn số hầm phóng tên lửa đạn đạo chưa được thống kê.
Về lực lượng hạt nhân của Nga, các số liệu cho thấy Moskva đang sở hữu 768 bệ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (cố định và di động), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng đã được triển khai và không triển khai, còn của Mỹ là 800 đơn vị.
Tuy nhiên, dữ liệu từ phía Mỹ không liệt kê chi tiết các loại vũ khí như Nga, điều này cho thấy khả năng số phương tiện triển khai vũ khí hạt nhân của nước này có thể đã vượt qua trần quy định
Đồng thời, theo dữ liệu của Bộ Ngoại giao Nga, Moskva sở hữu 517 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng đã triển khai, trong khi Mỹ sở hữu 651 đơn vị.
Các điều khoản của hiệp ước liên quan đến số đầu đạn hạt nhân trên các tên lửa ICBM và SLBM đã triển khai (Nga 1.456, Mỹ 1.357) đang được hai bên thực hiện giới hạn mỗi quốc gia chỉ được triển khai tối đa 1.550 đầu đạn, 700 quả tên lửa đạn đạo liên lục địa và 800 bệ phóng.