Nữ chủ tịch bị bắt, cổ phiếu Vimedimex giảm sàn
Cổ phiếu VMD của Công ty cổ phần Y Dược phẩm Vimedimex đã lao dốc 6,9% xuống mức giá sàn 43.050 đồng/cổ phiếu sau khi chủ tịch HĐQT các công ty này bị bắt giam.
Cuộc tháo chạy của nhà đầu tư khỏi Vimedimex diễn ra ngay sau thông tin chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Loan bị khởi tố và bắt giam về tội Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản đất.
Trước thông tin này, nhà đầu tư nước ngoài cũng kê lệnh bán sàn. Một số nhà đầu tư may mắn đặt lệnh sớm đã bán được cổ phiếu với tổng khối lượng khớp lệnh khiêm tốn 93.800 cổ phiếu. Tuy nhiên sau đó, tình trạng trắng bên mua được duy trì suốt phiên giao dịch với lượng dư bán sàn rất lớn.
Xăng xác lập đỉnh lần thứ 5 liên tiếp, doanh nghiệp vận tải kiệt quệ
Sau đợt điều chỉnh giá ngày 10/10, mỗi lít xăng RON 95 đã đắt thêm gần 3.900 đồng so với cách đây 2 tháng và đang ở mức 24.996 đồng/lít, còn E5 RON 92 thêm gần 3.800 đồng với mức giá hiện tại 23.669 đồng/lít.
Từ mức 17.000 đồng/lít hồi đầu năm, giá xăng dầu hiện đã tăng lên gần 25.000 đồng/lít, gây áp lực khủng khiếp lên người dân, doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp vận tải cho biết họ gần như “cá nằm trên thớt” vì cú bồi từ giá nhiên liệu đầu vào tăng cao sau khi đã chịu thiệt hại nặng nề vì dịch bệnh.
Giá vàng lên cao nhất năm nhưng giao dịch trầm lắng
Giá vàng SJC bật tăng mạnh qua mốc 60 triệu đồng/lượng vào sáng ngày 12/11. Đây là mức giá cao nhất trong năm. Mức giá này chỉ cách 2,2 triệu đồng so với giá kỷ lục 62,2 triệu đồng/lượng được thiết lập vào tháng 8/2020.
Giá vàng tăng vọt, trụ vững trên đỉnh cao 5 tháng qua bất chấp đồng USD cũng tăng do giới đầu tư kỳ vọng vào Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khi lạm phát lên mức cao nhất 31 năm.
So với thời điểm đầu tháng 3/2021, giá vàng đã tăng thêm khoảng 5 triệu đồng/lượng song người dân không có tâm lý bán tháo để kiếm lời, tại các tiệm vàng tại Hà Nội, rất vắng người đến giao dịch mua - bán.
Hơn 2 tỷ USD vốn nước ngoài đổ vào thị trường bất động sản
Sau 10 tháng đầu năm, lĩnh vực bất động sản thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với số tiền 2,12 tỷ USD, tương đương gần 9% tổng vốn đầu tư nước ngoài.
Trong đó, số dự án được cấp mới là 44 với giá trị vốn đăng ký gần 1,1 tỷ USD. Số lượt dự án điều chỉnh từ đầu năm là 17 với giá trị điều chỉnh tăng gần 116 triệu USD. Số lượt góp vốn mua cổ phần là 94, đạt gần 912 triệu USD.
Hơn 2 tỷ USD vốn nước ngoài đổ vào thị trường bất động sản.
Tính lũy kế đến nay, số dự án bất động sản còn hiệu lực là 978 với giá trị lên đến 61,3 tỷ USD. Đây là lĩnh vực có vốn FDI đăng ký lũy kế lớn thứ 2 cho đến nay (chỉ xếp sau lĩnh vực chế biến chế tạo với con số 239 tỷ USD).
VN-Index lại lập đỉnh mới
Ngày 8/11, VN-Index đạt mốc kỷ lục mới: 1.467,57 điểm, cao nhất trong vòng 21 năm kể từ ngày thị trường chứng khoán Việt Nam đi vào hoạt động.
Trong phiên giao dịch xác lập kỷ lục mới này, nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ tiếp tục dẫn dắt quá trình đi lên của chỉ số trong khi nhóm vốn hóa lớn vẫn đang giằng co mạnh quanh tham chiếu. Trong đó VNMID tăng gần 34 điểm (1,77%) và VNSML tăng hơn 22 điểm (1,13%) hôm nay.
Trong khi đó nhóm cổ phiếu VN30 chỉ tăng nhẹ gần 4 điểm (0,25%) do sự phân hóa lớn, cán cân giao dịch nghiêng nhẹ về bên mua khi có 17/30 mã tăng giá. Các cổ phiếu đóng góp tích cực nhất là MSN, VNM và VCB, ngược lại VPB, TCB và VIB làm khó thị trường.
Nhóm cổ phiếu ngành thực phẩm trở thành tâm điểm với cổ phiếu MSN của Masan tăng mạnh 2,8% và VNM của Vinamilk tăng 1,5% để trở thành 2 mã dẫn dắt chính cho thị trường chung.
Bên cạnh đó DBC của Dabaco tiếp tục tăng mạnh 3,8% lên mức đỉnh lịch sử 66.200 đồng mỗi đơn vị, đà tăng của đại gia chăn nuôi và cung cấp thịt lợn này đến sau thông tin đang thử nghiệm vắc xin dịch tả lợn châu Phi.
Đề xuất mở lại chuyến bay quốc tế thường lệ từ đầu năm 2022
Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất Thủ tướng cho phép mở lại các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách đi, đến Việt Nam theo 3 giai đoạn, thực hiện từ quý I/2022.
Đối với các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam, thực hiện theo 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 dự kiến từ quý I/2022, giai đoạn 2, từ quý II/2022 và giai đoạn 3, từ quý III/2022.
Trong mỗi giai đoạn, khách hàng, điểm đi, đến và tần suất các chuyến bay được thực hiện an toàn theo diễn biến thực trạng dịch bệnh COVID-19. Các chuyến bay đều thực hiện phòng chống dịch theo quy định về dịch tễ của cơ quan có thẩm quyền.
SK Group tiếp tục đổ 340 triệu USD vào công ty con của Masan
Công ty cổ phần Tập đoàn Masan và SK Group (Hàn Quốc) vừa công bố ký kết thỏa thuận mua lại cổ phần của The CrownX (TCX - công ty con của Masan) với tổng giá trị tiền mặt là 345 triệu USD, trong đó SK Group đầu tư 340 triệu USD.
Sau giao dịch, tỉ lệ sở hữu của Masan và SK tại The CrownX lần lượt là 85,0% và 4,9%. Masan đặt mục tiêu sẽ khép lại vòng huy động vốn với giá trị từ 200 triệu USD lên 300 triệu USD vào TCX trước cuối năm nay.
Hồi tháng 4/2021, SK Group đã mua 16,26% cổ phần của VinCommerce tại Masan với tổng giá trị tiền mặt là 410 triệu USD. Với giao dịch này, VinCommerce được định giá 2,5 tỷ USD cho 100% vốn chủ sở hữu.
VinFast đầu tư 200 triệu USD vào California
Hãng xe VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng sẽ đầu tư hơn 200 triệu USD trong giai đoạn đầu và tạo ra ít nhất 1.065 việc làm toàn thời gian tại California (Mỹ).
Thông tin được Văn phòng Thống đốc kinh doanh và phát triển kinh tế (California Competes) công bố trong gói hỗ trợ trị giá 150 triệu USD, giúp bang California tạo ra 7.600 việc làm mới.
VinFast lập kế hoạch mang những mẫu SUV điện sang Mỹ vào năm tới, mong muốn hãng sẽ chọn California làm nơi đặt trụ sở chính cho các hoạt động kinh doanh tại Mỹ.
Theo kế hoạch, VinFast sẽ chính thức ra mắt thương hiệu xe điện toàn cầu và giới thiệu hai mẫu ôtô điện VF e35, VF e36 tại triển lãm Los Angeles Auto Show 2021 từ ngày 19 đến 28/11.