Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thí sinh đăng ký nhầm tổ hợp, sai phương thức: Bộ GD&ĐT xử lý thế nào?

(VTC News) -

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học nêu hướng xử lý với trường hợp thí sinh bị sai sót, sai logic khi nhập nguyện vọng vào hệ thống.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, trong những ngày đầu tiên khi các trường tải dữ liệu về và chạy thử điểm chuẩn đã phát hiện một số sai sót của thí sinh. Cụ thể, nhiều em đăng ký vào hệ thống nhưng đăng ký nhầm tổ hợp hoặc sai phương thức xét tuyển.

Do vậy, Vụ Giáo dục Đại học đề xuất với lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho phép các trường đại học chủ động làm việc, trao đổi với thí sinh bị sai sót. Các trường sẽ giúp thí sinh sửa lại thông tin cho chính xác và đưa vào danh sách tiếp tục lọc ảo như thí sinh bình thường khác. Từ đó, giảm thiểu được mọi sai sót về sau.

Thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT 2022.

"Giả sử nếu vẫn dùng số liệu sai sót đó để tiếp tục xét tuyển, chúng ta vẫn phải giải quyết cho thí sinh nhằm đảm bảo nguyên tắc lợi ích của người học. Rất mong có sự chỉ đạo để các trường để thực hiện thống nhất", PGS Thủy chia sẻ thêm.

Về nhóm thí sinh chưa thanh toán được lệ phí xét tuyển, Vụ Giáo dục Đại học đề xuất lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho phép các em này xét tuyển bình thường, các em sẽ thực hiện nộp lệ phí sau. Việc nộp lệ phí vẫn thực hiện trực tuyến, đảm bảo nguyên tắc thống nhất trong toàn hệ thống, không gây khó khăn cho thí sinh.

"Năm nay, chúng ta để quyền chủ động cho thí sinh chịu trách nhiệm về đăng ký. Do đó, chắc chắn sẽ còn sai sót ít nhiều. Chúng ta sẽ cùng xem xét xử lý sau khi hệ thống công bố kết quả xét tuyển chung. Chúng tôi cũng đề xuất các trường được toàn quyền chủ động trong việc xử lý với những trường hợp có sai sót, để sau khi giải quyết sai sót thí sinh có cơ hội trúng tuyển vào cơ sở đào tạo.

Với những trường hợp thí sinh đã trúng tuyển sớm nhưng không đăng ký trên hệ thống, nếu các em có sai sót, không thể đưa vào danh sách lọc ảo bây giờ thì các trường cũng có thể xem xét cụ thể sau khi đã có kết quả xét tuyển đợt 1", PGS Thủy nói.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đồng tình với đề xuất của lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học. Trong năm đầu Bộ triển khai cách thức mới đăng ký xét tuyển, thanh toán nguyện vọng, các em có thể bỡ ngỡ, chưa tiếp cận đầy đủ thông tin.

"Vì vậy, cùng với sự tự chủ của các trường, chúng ta tạo điều kiện tối đa cho thí sinh. Vụ Giáo dục Đại học có thể biên soạn hướng dẫn trên từng trường hợp sai sót cụ thể để các trường giải quyết, tránh để các em mất quyền lợi vì nhầm lẫn hay sai sót", ông Sơn nói.

Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, sau 3 lần lọc ảo, trên hệ thống tuyển sinh của Bộ ghi nhận gần 400.000 thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển. Tuy nhiên, thống kê cho thấy chỉ 35% trong số này đặt ngành đã trúng tuyển sớm ở nguyện vọng 1; 30% đặt ở các nguyện vọng khác (từ nguyện vọng hai trở đi) và 35% không dùng quyền lợi trúng tuyển sớm hoặc không đỗ tốt nghiệp.

Năm 2022, số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non chiếm 64,07% so với số đăng ký dự thi (năm 2021 là 77,78%). Tổng số nguyện vọng đăng ký của thí sinh năm nay là hơn 3 triệu, trung bình mỗi thí sinh 2 - 3 nguyện vọng.

Hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT bắt đầu chạy lọc ảo từ ngày 10/9 đến ngày 15/9. Sau 6 lần lọc ảo, Bộ GD&ĐT sẽ trả kết quả để các trường công bố.

Trước 17h ngày 17/9, các trường nhập mức điểm trúng tuyển và kết quả xét tuyển lên hệ thống; rà soát và công bố kết quả trúng tuyển đợt 1.

Trước 17h ngày 30/9, thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống.

Hà Cường

Tin mới