Năm 2022, Bộ GD&ĐT đưa ra quy trình xét tuyển đại học hoàn toàn mới và kéo dài hơn mọi năm. Hiện các thí sinh đang chờ kết quả xét tuyển đại học chính thức. Tuy nhiên, nhiều địa phương đã yêu cầu thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ (từ 18 trở lên) phải nộp giấy chứng nhận học sinh, sinh viên để xem xét giải quyết tạm hoãn nghĩa vụ quân sự năm 2023.
Do đó, Bộ GD&ĐT gửi công văn tới Bộ Quốc phòng nhằm giải quyết những lúng túng của thí sinh khi được địa phương yêu cầu nộp giấy xác nhận là sinh viên để được tạm hoãn tham gia xét tuyển nghĩa vụ quân sự.
Thanh niên các địa phương lên đường nhập ngũ. (Ảnh minh hoạ: Đ.H)
Trong công văn Bộ GD&ĐT nêu rõ: "Ngày 17/6, Bộ GD&ĐT ban hành quyết định về việc phê duyệt kế hoạch triển khai công tác tuyển sinh đại học; tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2022. Theo kế hoạch này, từ ngày 18/9 đến trước 17h ngày 30/9, thí sinh trúng tuyển phải xác nhận nhập học trên hệ thống.
Như vậy, để các cơ sở đào tạo có thể cấp được giấy chứng là sinh viên thì thí sinh phải thực hiện các thủ tục nhập học tại cơ sở đào tạo và việc này không thể thực hiện trước ngày 18/9 (thí sinh chưa phải là sinh viên)".
Bộ GD&ĐT đề nghị Bộ Quốc phòng chỉ đạo các địa phương, với những thí sinh đến làm thủ tục đăng ký nghĩa vụ quân sự trước ngày 15/10 sẽ không bắt buộc phải nộp giấy chứng nhận học sinh, sinh viên để xem xét giải quyết tạm hoãn nghĩa vụ quân sự năm 2023.
Theo kế hoạch được Bộ GD&ĐT công bố, từ 4/9 đến 17h ngày 15/9, cơ sở đào tạo (các trường đại học và các trường cao đẳng có đào tạo ngành Giáo dục Mầm non) tải dữ liệu, thông tin xét tuyển trên hệ thống, tổ chức xét tuyển, xử lý nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống. Đồng thời, trong thời gian này, Bộ GD&ĐT tổ chức lọc ảo giúp các trường.
Trước 17h ngày 17/9, các cơ sở đào tạo công bố điểm chuẩn trúng tuyển và kết quả xét tuyển năm 2022.
Trước 17h ngày 30/9, tất cả thí sinh trúng tuyển phải xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống.