Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng việc Trung Quốc mở cửa trở lại mang lại cả rủi ro lẫn cơ hội đối với nước này và thế giới. Trung Quốc mở cửa tạo động lực kinh tế lớn cho khu vực và quốc tế song sẽ có không ít thách thức mà các nước khác phải đối mặt sau quyết định mở biên của Bắc Kinh.
Trung Quốc sẽ mở cửa biên giới và dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp cách ly phòng COVID-19 từ ngày 8/1/2023. Quyết định này là bước đi cuối cùng của Bắc Kinh trong việc hủy bỏ chính sách phòng dịch “Zero COVID” được Trung Quốc áp dụng trong suốt 3 năm qua.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc hôm 25/12 cho biết cơ quan này sẽ dừng việc công bố số ca mắc COVID-19 hàng ngày và chuyển giao vai trò này cho cơ quan kiểm soát bệnh tật Trung Quốc. Theo đó, Trung Quốc sẽ công bố các dữ liệu này mỗi tháng một lần sau khi căn bệnh này được hạ cấp quản lý. Động thái này thể hiện mục đích của nước này muốn quản lý dịch COVID-19 như một căn bệnh thông thường.
Không chỉ hàng triệu người Trung Quốc bày tỏ sự phấn khích sau thời gian nước này thắt chặt biện pháp kiểm soát COVID-19, thế giới cũng chào đón trước quyết định này của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Nhiều nhà kinh tế hoan nghênh động thái này. "Điều này rất tốt cho người dân và kinh tế Trung Quốc, ngoài ra cũng tốt cho kinh tế châu Á và thế giới", Giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho hay.
CNBC dẫn lời nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Albert Park cho biết, việc Trung Quốc mở cửa trở lại có thể tạo ra cơ hội cũng như rủi ro cho nền kinh tế nước này. Vị này nhận định, việc dỡ bỏ các hạn chế do COVID-19 ở Trung Quốc sẽ thúc đẩy triển vọng tăng trưởng của nước này và các nền kinh tế khác, song cũng có thể dẫn đến sự gia tăng các ca nhiễm bệnh.
Ông Albert Park lo ngại làn sóng dịch bùng phát mạnh trong quá trình mở cửa sẽ dẫn đến thách thức lớn cho phục hồi kinh tế Trung Quốc nếu thiếu biện pháp thích ứng. Các đợt bùng phát dịch COVID-19 có thể không diễn ra đồng loạt mà ở từng địa phương, trong các thời điểm khác nhau.
Ông Ngô Tôn Hữu, chuyên gia dịch tễ học hàng đầu thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Trung Quốc, từng cảnh báo đợt bùng phát COVID-19 ở nước này sẽ đạt đỉnh trong mùa đông, chia thành ba đợt sóng trong vòng ba tháng. Theo đó, đợt đầu tiên sẽ kéo dài đến giữa tháng 1/2023. Đợt sóng thứ hai diễn ra khi hàng triệu dân Trung Quốc về quê đón Tết. Và đợt sóng thứ ba xuất hiện vào cuối tháng 2 kéo dài đến giữa tháng 3, khi người dân nước này kết thúc nghỉ lễ, trở lại làm việc.
Giáo sư Ali Mokdad - chuyên gia về khoa học đo lường sức khỏe thuộc Viện Nghiên cứu y tế Đại học Washington (Mỹ) kêu gọi Trung Quốc nhập khẩu vaccine mRNA để ngăn chặn nguy cơ tăng mạnh ca nhiễm và tử vong do COVID-19 trong làn sóng dịch bệnh sau khi mở cửa trở lại. Vị này cho rằng vaccine mRNA do Pfizer và BioNTech sản xuất, cũng như các loại thuốc kháng virus như Paxlovid của Pfizer là những công cụ hiệu quả nhất để hạn chế ca nhiễm bệnh.
Hành khách làm thủ tục tại sân bay quốc tế ở Bắc Kinh. (Ảnh: CGTN)
Trong 3 năm thực thi chính sách “Zero COVID”, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã chậm lại. Theo dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc ở mức 3,3% trong năm nay. Mức trung bình tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giai đoạn 2020 - 2022 là 4,5%. Đây là tốc độ tăng trưởng kinh tế tốt nhất trên thế giới trong cùng thời kỳ.
Năm 2020, Trung Quốc sớm ngăn chặn thành công sự bùng phát dịch COVID-19 giúp nước này khôi phục năng lực sản xuất, khiến nước này trở thành nền kinh tế lớn duy nhất có mức tăng trưởng dương. Bất chấp các biện pháp kiểm soát COVID-19 nghiêm ngặt làm giảm nhu cầu tiêu dùng và sử dụng dịch vụ ở một số thành phố trong 2 năm sau đó, song sản xuất công nghiệp và xuất khẩu của Trung Quốc vẫn mạnh.
"Sự phụ thuộc toàn cầu vào sản xuất của Trung Quốc đã tăng lên. Đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc khá tích cực ngay cả trong thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch COVID-19", ông Dan Wang, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng Hang Seng Bank China cho hay.
Để bù đắp tác động của COVID-19 đối với nền kinh tế ở giai đoạn đầu, hầu hết các nền kinh tế lớn đã bơm vốn để hỗ trợ thị trường. "Mỹ và châu Âu đã rất hào phóng trong việc phát tiền mặt cho các hộ gia đình, điều cần thiết để giảm bớt những tác động tiêu cực đối với các gia đình dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, đó cũng là nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát cao", ông Dan Wang nói.
Đầu năm nay, Mỹ và các nền kinh tế lớn ở châu Âu đã chứng kiến lạm phát mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, khiến các ngân hàng trung ương của họ phải tăng lãi suất với tốc độ trên mức bình thường để kiềm chế giá cả tăng cao. Trong bối cảnh lạm phát tiếp diễn, người tiêu dùng đã bắt đầu “thắt lưng buộc bụng”.
Trong khi đó, Trung Quốc thực thi chính sách mở rộng tiền tệ ở mức vừa phải để đối phó với đại dịch, tập trung vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp để họ có thể tiếp tục cung cấp việc làm và thu nhập ổn định cho các hộ gia đình.
Dong Yu, Phó Chủ tịch điều hành của Viện Kế hoạch Phát triển Trung Quốc, Đại học Thanh Hoa, cho biết Trung Quốc đã sớm thực thi chính sách điều tiết thị trường tiền tệ trong năm nay. Điều đó phân nào cho thấy sự tính linh hoạt và phù hợp của các chính sách kiểm soát vĩ mô của nước này.
Chuyên gia Dan Wang cho biết, các biện pháp mới sẽ giúp Trung Quốc khôi phục lĩnh vực dịch vụ, song kinh tế nước này “sẽ bị suy giảm trước khi trở nên tốt hơn". Bởi khi virus lây lan sau khi mở cửa sẽ đồng nghĩa có nhiều ca bệnh hơn, cũng như sẽ có nhiều người chọn ở nhà để tránh đám đông. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kinh tế, khi đó hoạt động kinh doanh phục hồi diễn ra chậm.
Theo ông Dan Wang, các biện pháp mới sẽ mở đường cho sự phục hồi hoàn toàn, và sự phục hồi kinh tế sẽ tăng tốc trong suốt năm 2023, trong đó nhu cầu tiêu dùng tăng đóng vai trò quan trọng. "Chúng tôi hy vọng doanh số bán lẻ sẽ trở lại mức năm 2019 vào cuối năm 2023 và dần dần đạt cột mốc lịch sử sau năm 2024”, ông Dan Wang cho hay.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mới đây dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm 2023 kỳ vọng đạt 4,3%, còn đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương là 4,6%.
Nền kinh tế Trung Quốc được cho sẽ khởi sắc sau khi mở cửa trở lại, bỏ biện pháp chống dịch COVID-19. (Ảnh: newsclick.in)
Với việc nền kinh tế số 2 thế giới dần quay lại với vai trò nhà sản xuất giá rẻ, các nút thắt cổ chai trong chuỗi cung ứng sẽ được tháo gỡ. Tuy nhiên, khi tăng trưởng tăng tốc, nhu cầu đối với nguyên liệu thô và năng lượng của Trung Quốc sẽ đẩy giá các mặt hàng này lên cao. Điều đó làm tăng thêm áp lực lạm phát đối với khu vực đồng euro vốn đang thiếu khí đốt.
Việc theo đuổi mục tiêu “Zero COVID” của Trung Quốc khiến tăng trưởng kinh tế nước này giảm. Trong tháng 11, giá trị xuất khẩu của Trung Quốc cũng đã giảm 8,7% so với năm trước, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/2020. Trong khi đó, xuất khẩu sang Mỹ giảm 25%.
Do đó, việc nối lại sản xuất và tiêu dùng của Trung Quốc sẽ có tác động đến việc giảm lạm phát đối với phần còn lại của thế giới. Giá tiêu dùng của Trung Quốc đang tăng chậm hơn so với các nền kinh tế lớn khác: Lạm phát trong tháng 11 của Trung Quốc chỉ ở mức 1,6%, so với 7,1% ở Mỹ và 10% ở khu vực đồng euro. Hầu hết ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế phát triển sẽ hoan nghênh việc Trung Quốc mở cửa trở lại.
Tuy nhiên, nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc với hàng hóa sau thời gian phong tỏa dịch bệnh được cho là mối lo đối với toàn cầu, nhất là về năng lượng. Trước đại dịch, Trung Quốc là nước nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) hàng đầu thế giới. Năm nay, nhu cầu LNG của Trung Quốc sẽ giảm lần đầu tiên kể từ năm 2002.
Theo báo cáo của S&P Global Commodity Insights về triển vọng năng lượng trong năm tới, hoạt động kinh tế mới có thể đẩy tổng nhu cầu năng lượng của Trung Quốc tăng 3,3 triệu thùng dầu mỗi ngày vào năm 2023. Theo Dan Klein, chuyên gia phụ trách mảng năng lượng tại S&P Global Commodity, điều này sẽ thúc đẩy giá hàng hóa lên cao hơn.
“Chính sách COVID của Trung Quốc là yếu tố ảnh hưởng đến nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa và năng lượng trong năm 2023", Dan Klein nói, cho rằng "nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch của nước này sẽ tăng trở lại”.
Sự vắng mặt của Trung Quốc trên thị trường khí đốt làm giảm sự cạnh tranh, tạo điều kiện cho các nhà nhập khẩu lớn như khu vực đồng euro có thể mua hàng với giá thấp hơn. Sự đảo ngược của xu hướng đó, mặc dù diễn ra từ từ, song sẽ đẩy lạm phát lên cao, đặc biệt là ở châu Âu. Theo Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ), khoảng 43% lạm phát khu vực đồng euro là do giá năng lượng, con số này ở Mỹ chỉ 18%.
Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley (Mỹ) nhận định, xuất khẩu của khu vực đồng euro sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi nhu cầu của Trung Quốc, nhưng chúng chỉ chiếm khoảng 1,5% GDP của khối. Theo Morgan Stanley, Trung Quốc “nóng” hơn có thể khiến châu Âu chìm trong “giá lạnh”.
Gary Ng, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Natixis, dự báo số lượng khách du lịch quốc tế và nội địa sẽ tăng đột biến khi Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn. Ông cho rằng sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ có thể đẩy giá dầu trong quý 2 năm 2023 lên 100 USD/thùng, so với khoảng 80 USD hiện nay.
"Trung Quốc chắc chắn sẽ tác động đến lạm phát toàn cầu khi nước này mở cửa. Trung Quốc luôn là bên mua lớn trên thị trường hàng hoá”, chuyên gia Gary Ng nói với Nikkei Asia.
Điều đó sẽ làm phức tạp thêm cuộc chiến chống lạm phát của các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) mới đây báo hiệu sẽ tiếp tục tăng lãi suất vào năm tới vì cho rằng lạm phát vẫn chưa được kiểm soát. Chủ tịch FED Jerome Powell cho rằng việc Trung Quốc mở cửa "có thể tác động tới chuỗi cung ứng và điều đó có thể đẩy lạm phát ở phương Tây lên cao".