Nền kinh tế Việt Nam nói chung và doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực được dự báo sẽ hưởng lợi từ việc Trung Quốc tái mở cửa nền kinh tế sau khi Bắc Kinh thực hiện chính sách Zero-COVID kéo dài trong nhiều tháng.
Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), kinh tế thế giới đang đối mặt với 3 cơn gió ngược. Đó là các quyết định phong tỏa của Trung Quốc vì đại dịch COVID; là cuộc chạy đua thắt chặt chính sách tiền tệ chống lạm phát của ngân hàng trung ương nhiều nước; và cuộc xung đột kéo dài giữa Nga-Ukraine.
Việc Trung Quốc có kế hoạch tái mở nền kinh tế và những tín hiệu nhẹ tay hơn trong chính sách tiền tệ ở một số nước châu Á là các điểm sáng có thể thúc đẩy sự hồi phục của nhiều nền kinh tế trong khu vực.
Trên thực tế, Trung Quốc bắt đầu nới lỏng các biện pháp phòng dịch trong nước từ đầu tháng 12/2022. Dự kiến, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ mở cửa hoàn toàn vào quý II/2023. Đây là một thông tin tích cực với thế giới bởi thương mại hàng hóa và dịch vụ của Trung Quốc với các nước khác lên tới gần 7.000 tỷ USD trong năm 2021.
Các doanh nghiệp có hàng hóa xuất khẩu vào Trung Quốc nhiều sẽ hưởng lợi.
Với Việt Nam, ông Vũ Mạnh Hùng, chuyên gia Chứng khoán VnDirect nhận định nhóm cổ phiếu sẽ hưởng lợi từ lộ trình mở cửa kinh tế Trung Quốc bao gồm hàng không, thuỷ sản, xi măng, cao su, thép, dệt may, bán lẻ, gạo.
Bên cạnh các ngành hưởng lợi, một số ngành chịu tác động tiêu cực, theo VnDirect, như trường hợp ngành phân bón.
Trung Quốc nới dần các biện pháp phòng chống dịch. (Ảnh: CNBC)
Theo Savills Việt Nam, việc Trung Quốc cân nhắc nới lỏng các yêu cầu kiểm soát, nhiều hãng hàng không đã thông báo khôi phục các đường bay giữa Trung Quốc và Việt Nam. Đây được xem là một tín hiệu tích cực, giúp đẩy nhanh quá trình khôi phục của ngành nghỉ dưỡng Việt Nam.
Theo báo cáo của VinaCapital, việc mở cửa của Trung Quốc sẽ kích thích tăng trưởng cho Việt Nam năm 2023. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và có lượng khách du lịch tới Việt Nam lớn.
Còn Chứng khoán TPS cho rằng, Trung Quốc nới lỏng Zero-COVID được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến giao thương toàn cầu, nối lại các chuỗi cung ứng đã bị gián đoạn.
Hiện, Bắc Kinh đã chấp thuận mở cửa hoàn toàn biên giới với Hong Kong từ giữa tháng 1/2023, ngay trước Tết Nguyên đán.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc mở cửa cũng có thể khiến giá cả hàng hóa tăng mạnh. Hiện tại, nhiều nền kinh tế trên thế giới vẫn đang vật lộn với lạm phát cao, trong đó có đa số các nước Âu, Mỹ và nhiều nước châu Á.
Giá dầu thô gần đây cũng tăng khá mạnh, với giá dầu WTI đã thêm hơn 11% trong vòng 3 tuần qua lên ngưỡng 80 USD/thùng.
Bên cạnh đó, chính quyền Trung Quốc gần đây đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho bất động sản và đầu tư cơ sở hạ tầng. Giá nhiều loại hàng hóa như xi măng, sắt thép… có thể tăng nhanh trở lại.
Dù vậy, việc đoán định tác động của việc Trung Quốc mở cửa lên nền kinh tế thế giới còn chưa thực sự rõ ràng. Hiện, chưa rõ các chính sách của Trung Quốc sau giai đoạn Zero-COVID sẽ như thế nào.
Gần đây, số ca nhiễm COVID ở Trung Quốc tăng mạnh. Tỉnh Chiết Giang - trung tâm sản xuất của Trung Quốc - công bố một triệu ca mắc COVID-19 mới mỗi ngày và con số này có thể tăng gấp đôi vào khoảng ngày đầu năm mới Dương lịch, có thể ở mức 2 triệu ca. Nhiều khả năng, Bắc kinh sẽ phải cân nhắc các chính sách mở cửa khi hệ thống y tế có thể quá tải.
Như vậy, việc mở cửa của Trung Quốc cũng cần có thêm thời gian.
Gần đây, Ngân hàng Thế giới (WB) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2022 xuống 2,7% (so với mức 4,3% đưa ra hồi tháng 6. Tuy nhiên, WB cho rằng, kinh tế Trung Quốc sẽ trở lại 4,3% năm 2023 nhờ việc mở cửa trở lại.
ADB trong khi đó hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2022 từ 3,3% xuống 3% và cũng dự báo mức tăng trong năm 2023 là 4,3%. Morgan Stanley lạc quan hơn với mức dự báo tăng 5,4% trong năm 2023.