Theo PGS.TS Phạm Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Đại học Ngoại thương, do thay đổi về phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2020, trường đã họp và dự kiến đưa ra 5 cách thức tuyển sinh đầu vào năm nay để tăng cơ hội đỗ cho thí sinh, cũng như đảm bảo được chất lượng tuyển chọn.
Thứ nhất, phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT dành cho thí sinh tham gia thi, đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố lớp 12 và hệ chuyên của trường THPT chuyên (dự kiến xét tuyển trong tháng 6).
Thứ hai, phương thức xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ quốc tế và kết quả học tập dành cho thí sinh hệ chuyên và hệ không chuyên áp dụng cho các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh và Ngôn ngữ thương mại
Thứ ba, phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi riêng do Đại học Ngoại thương tổ chức phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội.
Thứ tư, phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 (dự kiến 20% chỉ tiêu).
Thứ năm, phương thức xét tuyển thẳng được thực hiện theo quy định của Bộ GD&ĐT và nhà trường.
Đại học Thương mại thực hiện xét tuyển theo 2 phương thức: Xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.
Năm nay trường dự kiến ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn xét tuyển) là 18, mức điểm này bao gồm điểm thi theo tổ hợp xét tuyển, điểm ưu tiên đối tượng, khu vực.
Đối với thí sinh có chứng chỉ quốc tế về tiếng Anh (IELTS, TOEFL) đang trong thời hạn có giá trị tính đến thời điểm xét tuyển và có nộp bản photo về trường trong thời hạn quy định.
Điểm tiếng Anh dùng để xét tuyển là điểm quy đổi theo thang điểm 10 tương đương với từng loại/mức điểm của từng chứng chỉ tiếng Anh theo quy định của trường (nếu thí sinh được miễn thi Ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020); hoặc là điểm cao hơn giữa điểm bài thi tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 với điểm tiếng Anh quy đổi theo thang điểm 10 tương đương với từng loại/mức điểm của từng chứng chỉ tiếng Anh (nếu thí sinh có dự thi môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT).
Các trường đại học khối ngành kinh tế có nhiều điều chỉnh trong tuyển sinh 2020.
Năm nay, Đại học Kinh tế quốc dân có 3 phương thức tuyển sinh: Dựa trên kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển; xét tuyển kết hợp.
Đối với phương thức xét tuyển kết hợp, trường dựa trên kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT và kết hợp cùng các tiêu chí khác như: chứng chỉ ngoại ngữ; kết quả học tập của 3 năm THPT nhưng chỉ lấy điểm 5 kỳ học, không kể kỳ cuối lớp 12 đối với thí sinh là học sinh giỏi trường chuyên; Giải nhất nhì ba trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh ở 3 năm học THPT…
Phương thức cuối cùng là tuyển thẳng áp dụng đúng quy chế của Bộ GD&ĐT.
Đại học Kinh tế TP.HCM vừa công bố đề án tuyển sinh với nhiều thay đổi phương thức xét tuyển và tăng chỉ tiêu. 5 phương thức xét tuyển gồm:
Phương thức 1, xét tuyển thẳng đối tượng theo quy định của Bộ GD&ĐT. Phương thức 2, xét tuyển học sinh giỏi với 30% đến 40% chỉ tiêu theo ngành. Đối tượng xét tuyển là học sinh giỏi năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12, tốt nghiệp THPT năm 2020. Phương thức 3, xét tuyển quá trình học tập theo tổ hợp môn với 20% đến 30% chỉ tiêu theo ngành.
Phương thức 4, xét tuyển kết quả thi đánh giá năng lực với 20% chỉ tiêu theo ngành. Phương thức này dành cho đối tượng học sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức năm 2020 và tốt nghiệp THPT.
Phương thức 5, xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 với 20% đến 30% chỉ tiêu theo ngành. Xét tuyển học sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, trong đó có kết quả các bài thi/môn thi theo tổ hợp xét tuyển của trường, tốt nghiệp THPT hoặc tương đương theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Tương tự, TS Trần Đình Khôi Quốc, Trưởng ban đào tạo Đại học Đà Nẵng cho biết trường quyết định thay đổi phương án tuyển sinh năm 2020 trước việc thay đổi về kỳ thi THPT từ Bộ GD&ĐT.
Đại học Đà Nẵng và các đơn vị thành viên thống nhất lựa chọn 4 phương thức tuyển sinh áp dụng cho năm nay. Các trường, đơn vị thành viên của Đại học Đà Nẵng tùy vào đặc điểm đào tạo của trường, của ngành sẽ lựa chọn phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển phù hợp và điều chỉnh phân bố chỉ tiêu giữa các phương thức đã công bố.
Bốn phương thức tuyển sinh mới của Đại học Đà Nẵng gồm: Xét tuyển thẳng, xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2020 do Đại học Quốc gia TP.HCM phối hợp với Đại học Đà Nẵng tổ chức; xét tuyển dựa trên học bạ THPT 5 kỳ; xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT năm 2020.
Năm nay, tổng chỉ tiêu tuyển sinh đại học của Đại học Đà Nẵng là hơn 15.000 sinh viên. Thông tin chi tiết về mỗi phương thức xét tuyển, chỉ tiêu từng ngành dự kiến sẽ được cập nhật và công bố trong tháng 5/2020.
Đại học Tài chính - Marketing vừa điều chỉnh đề án tuyển sinh cho phù hợp với tình hình thi THPT. Đề án tuyển sinh mới của trường được điều chỉnh theo hướng giảm mạnh chỉ tiêu xét dựa trên điểm thi THPT trong tổng số 4.500 chỉ tiêu bậc đại học.
Đặc biệt, năm nay ngoài việc sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM, nhà trường còn sử dụng thêm kết quả kỳ thi năng lực năm 2020 do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.
Các phương thức xét tuyển cụ thể: Xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT tối đa 60% chỉ tiêu; xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi của Đại học Quốc gia Hà Nội và kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM tối đa 15%; xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tối đa 25% chỉ tiêu; xét tuyển thẳng.
Riêng thí sinh xét tuyển dựa trên điểm thi của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM chỉ áp dụng trong năm 2020.
Video: Thi THPT 2020 chỉ để xét tốt nghiệp