Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thay đổi phương án thi THPT, học sinh lo lắng bị gia tăng áp lực thi cử

(VTC News) -

Trước phương án thi tốt nghiệp THPT 2020, nhiều học sinh lo lắng việc học, ôn tập bị xáo trộn khiến gia tăng áp lực thi cử.

Năm 2020 kỳ thi THPT quốc gia không được tổ chức mà thay vào đó là thi tốt nghiệp THPT. Quyết định này khiến nhiều học sinh ngỡ ngàng và lo lắng không biết xoay chuyển việc ôn thi ra sao, bởi thời gian còn lại của học kỳ II không nhiều.

Lo lắng xoay chuyển kế hoạch

Nguyễn Trà My, trường THPT Bắc Thăng Long (Hà Nội) hoang mang về phương án thi tốt nghiệp THPT được áp dụng thời gian tới.

Từ cuối năm học lớp 11 nữ sinh có kế hoạch học và ôn luyện theo hướng thi THPT quốc gia để lấy điểm xét tuyển vào các trường đại học, nhưng nay mục tiêu kỳ thi đã khác. Trà My lo sẽ phải tham gia nhiều kỳ thi cùng một lúc, và kết quả đạt được sẽ không đúng như kỳ vọng.

Cùng tâm trạng, Phan Hiếu, học sinh lớp 12 (Đống Đa, Hà Nội) không hiểu việc tuyển sinh đại học sẽ diễn ra thế nào. Ngay từ đầu năm học, em cũng như các bạn học khác chuẩn bị tinh thần cho kỳ thi THPT quốc gia, việc thay đổi đột ngột của Bộ GD&ĐT khiến thí sinh hoang mang.

Học sinh nên bình tĩnh ôn tập, tìm hiểu rõ thông tin kỳ thi tốt nghiệp THPT và phương thức xét tuyển của các trường đại học. (Ảnh: T.N)

Khi nghe phương án thi tốt nghiệp THPT, Hiếu và nhiều bạn không còn tâm trí ôn tập. Theo lịch Bộ chỉ còn hơn 3 tháng nữa, Hiếu và các bạn sẽ bước vào kỳ thi quan trọng, nhưng giờ Bộ đột ngột thay đổi phương án thi, học sinh cuối cấp không biết mình sẽ đi đâu về đâu. Trong khi các trường đại học cũng chưa công bố thi thế nào.

"Một số trường đưa phương án thi riêng, nhưng mỗi trường mỗi kiểu, chúng em thực sự hoang mang. Đơn cử như Đại học Bách khoa Hà Nội chuyển sang thi môn Toán theo hình thức tự luận, trong khi chúng em lại được dạy để thi theo hình thức trắc nghiệm”, Hiếu bày tỏ.

Tương tự, em Nguyễn Hoàng Oanh, trường THPT chuyên Hùng Vương (Phú Thọ) dự kiến đăng ký xét tuyển vào Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Quốc gia Hà Nội. Tuy nhiên sau khi chốt phương án thi tốt nghiệp thì cả hai trường này đều thông báo sẽ tổ chức thi riêng và thậm chí ngày thi dự kiến cũng trùng nhau là 25/7.

"Thất vọng, mọi thứ như sụp xuống", Oanh nói. Oanh không biết sắp tới sẽ phải ôn tập ra sao và lựa chọn đăng ký trường nào để thi. Gần như mọi kế hoạch của nữ sinh đổ bể trước phương án thi mới. Oanh cũng lo ngại mình phải tham gia thi ít nhất là 3 đợt để xét tốt nghiệp và đại học, chưa kể sẽ đăng ký thêm một vài nguyện vọng vào các trường thấp hơn để an toàn.

Khi nghe thông tin thay đổi về kỳ thi, Lê Hải Hùng, trường THPT Hoài Đức A (Hà Nội) tìm ngay các bài thi đánh giá năng lực của một số trường uy tín từng thi trước đó để làm thử. Hùng cho rằng, nếu Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức bài thi đánh giá năng lực như Đại học Quốc gia TP.HCM thì em thực sự rất lo lắng, vì kiến thức đòi hỏi cao hơn thi THPT quốc gia các năm.

Nam sinh lo lắng thời gian năm học không còn nhiều mà vẫn phải phân chia ôn luyện cho bằng các trường. Vừa ôn tốt nghiệp, vừa tìm hiểu quy chế tuyển sinh của các trường đại học và ôn theo hướng của từng trường ấy, em nghĩ mình sẽ không 'chạy 'kịp.

Học sinh cần bình tĩnh ôn tập

Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho rằng, phương án thi THPT vừa đưa ra quá gấp gáp, đột ngột với cả học sinh và các trường THPT.

“Trong thời điểm dịch bệnh, chúng ta đang tính đến kỳ thi giúp giảm áp lực cho học sinh, nhưng thực chất lại không hề giảm, mà dường như tạo thêm áp lực cho các em. Nếu kỳ thi này phục vụ mục đích chính là xét tốt nghiệp, việc tuyển sinh do các trường đại học tự chủ, học sinh sẽ phải trải qua 2 kỳ thi thay vì 1 kỳ thi như trước kia.

Dù dễ hay khó, đây cũng là kỳ thi, yêu cầu có khác nhau, các môn thi khác nhau, nhưng áp lực của học sinh không hề giảm mà còn tăng”, thầy Bình lo ngại.

 Học sinh, giáo viên đang đợi quy chế thi cụ thể từ Bộ GD&ĐT (Ảnh H.C)

Thầy Trần Mạnh Tùng, trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh, học sinh có rất ít thời gian học trực tiếp trên lớp, việc Bộ GD&ĐT thay đổi phương án mới là bất lợi rất lớn cho học sinh.

Tất cả các kịch bản chuẩn bị của học sinh và các trường từ đầu năm đến nay đều theo tinh thần thi THPT quốc gia được công bố từ trước. Vì vậy thay đổi phương án thi khiến các trường và học sinh lớp 12 rơi vào thế bị động. Một số trường đại học tự tuyển sinh, học sinh sẽ phải trải qua nhiều lần thi với nhiều hình thức tuyển sinh khác nhau đúng kiểu trăm hoa đua nở, các em sẽ khó khăn hơn nữa.

Gần đây có tổng kết sơ bộ có hơn 60% các trường đại học chưa có phương án thi riêng, cho thấy chính các trường cũng gặp khó khăn. Như vậy kỳ thi mới có thể sẽ căng thẳng, tốn kém hơn rất nhiều.

Thầy Trần Mạnh Tùng khuyên các học sinh lớp 12 nên ổn định tâm lý, tập trung ôn tập kiến thức, tận dụng thời gian nghỉ dịch COVID-19 để học online hiệu quả. Học sinh và phụ huynh nên chủ động tìm hiểu thông tin tuyển sinh bao gồm chỉ tiêu, phương án tuyển sinh của các trường để có định hướng rõ ràng.

Cô Lê Hoài Nga, giáo viên trường THPT Chu Văn An cho rằng, nhìn ở góc độ khác, kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn cơ bản giữ ổn định cách thức thi cử như các năm trước. Đồng thời, các trường đại học tự chủ tuyển sinh có nghĩa các trường vẫn sẽ sử dụng kết quả thi này để xét tuyển, học sinh nên bình tĩnh, không vội hoang mang.

Với những thí sinh có nguyện vọng đăng ký vào các trường tổ chức thi riêng thì thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin, các trường sẽ công bố đề minh hoạ để các em sớm có hướng ôn tập.

Còn lại phần lớn các trường đại học vẫn sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh thì các em vẫn thực hiện đăng ký như các năm trước. Tránh hoang mang, đánh mất tâm lý ôn thi để ảnh hưởng đến kế hoạch vào đại học của bản thân, cô Nga khuyên học sinh.

Mời độc giả chia sẻ quan điểm trong box bình luận bên dưới.

Video: Họp bàn phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2020

Hà Cường

Tin mới