Sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT
PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, sau khi có phương án thi tốt nghiệp THPT, trường đã họp bàn, quyết định cố gắng giữ ổn định đến mức cao nhất phương thức tuyển sinh để thí sinh yên tâm học và thi.
“Kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT của thí sinh cùng mặt bằng chung, do đó vẫn đảm bảo chất lượng và công bằng. Việc các trường tổ chức thi riêng không giải quyết được nhiều vấn đề”, ông nói.
Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) từng công bố tuyển sinh theo 4 phương thức cũ. Trong đó, việc xét tuyển từ kỳ thi THPT quốc gia như các năm trước chiếm tới 40% chỉ tiêu và 60% chỉ tiêu còn lại dành cho 3 phương thức khác.
Tuy nhiên, sau khi chuyển từ thi THPT quốc gia sang thi tốt nghiệp THPT và có quy chế tuyển sinh năm 2020, trường điều chỉnh đề án tuyển sinh. Việc điều chỉnh phương thức tuyển sinh tới đây sẽ không ảnh hưởng nhiều tới học sinh, thí sinh.
Học viện Tài chính dự kiến tuyển sinh 4.200 chỉ tiêu, trong đó thực hiện các phương thức xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT; xét tuyển thẳng học sinh giỏi ở bậc THPT; xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với kết quả thi THPT. Đặc biệt trường dành ít nhất 50%, số còn lại xét tuyển theo kết quả thi THPT năm 2020.
Với phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT năm 2020, thí sinh được đăng ký xét tuyển không giới hạn số lượng nguyện vọng và phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp. Những thí sinh bằng điểm xét tuyển ở cuối danh sách thì xét tuyển theo điều kiện phụ là thí sinh có điểm môn Toán cao hơn sẽ trúng tuyển.
Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM điều chỉnh các phương thức tuyển sinh sau khi có quyết định về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 với 4 phương thức xét tuyển. Trường dành 40% chỉ tiêu với phương án xét kết quả thi tốt nghiệp THPT theo các tổ hợp môn Toán - Văn - Khoa học tự nhiên; Toán - Văn - Khoa học xã hội; Toán - Văn - Anh.
Theo kế hoạch tuyển sinh mới, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM sẽ cắt giảm còn 30% chỉ tiêu phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Ngoài xét tuyển thẳng theo quy định chung của Bộ GD&ĐT, nhà trường cũng dành chỉ tiêu xét điểm IELTS quốc tế (từ 5.0 hoặc 6.0 tùy ngành, chương trình); xét điểm SAT quốc tế (từ 800 điểm trở lên).
Nhiều trường đại học vẫn sẵn sàng sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT trong xét tuyển.
Tổ chức kỳ thi riêng
Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng để tuyển thí sinh đầu vào. Hai trường cùng đưa ra các phương án gồm: Xét tuyển thẳng các đối tượng đáp ứng tiêu chí quy định của Bộ GD&ĐT; xét tuyển dựa trên kết quả bài thi đánh giá năng lực và xét tuyển hồ sơ thí sinh.
Thời gian dự kiến tổ chức thi vào cuối tháng 7, trước kỳ thi tốt nghiệp THPT.
PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam cho biết, do là ngành đặc thù, yêu cầu thí sinh phải có học lực khá, giỏi trở lên, nên bên cạnh việc xét học bạ, xét điểm thi tốt nghiệp THPT, một số trường khối ngành sức khoẻ có mong muốn tổ chức một kỳ thi chung để lấy điểm xét tuyển đầu vào.
Dự kiến chiều 24/4, Hội đồng hiệu trưởng các trường khối ngành sức khỏe sẽ họp trực tuyến để bàn về phương án tuyển sinh, trong đó sẽ có phương án tổ chức một kỳ thi chung giữa các trường trong khối.
Về thông tin này, GS.TS Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng hiệu trưởng các trường khối ngành sức khỏe chia sẻ, tới đây các trường sẽ họp để thảo luận và bàn bạc về phương án thi tuyển đại học năm nay. Do là ngành đặc thù nên chất lượng thí sinh được ưu tiên hàng đầu.
Theo GS Văn, chủ trương của Bộ GD&ĐT là tự chủ trong tuyển sinh, nên các trường sẽ đưa các phương án lên "bàn cân" xem xét, chọn ra một giải pháp đảm bảo đầu vào. Việc tổ chức thi chung giữa các trường khối ngành sức khoẻ mới chỉ là một phương án đề xuất, còn lại sẽ tuỳ thuộc vào sự lựa chọn và đồng thuận của các trường tới đâu.
Đại học Ngoại thương đã thông qua phương án tuyển sinh. Nếu kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 được tổ chức, trường sẽ giữ nguyên 4 phương thức xét tuyển như năm ngoài. Trong trường hợp không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2020, trường sẽ phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức kỳ thi riêng với cách thức và nội dung thi tương tự như bài thi của kỳ thi THPT quốc gia.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, PGS.TS Phạm Thu Hương, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết nhà trường đang chờ văn bản từ Bộ GD&ĐT để cân nhắc việc có tổ chức kỳ thi riêng hay không.
Theo ông Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Đại học Nông lâm TP.HCM, khả năng trường sử dụng kết quả để xét tuyển đại học sẽ rất thấp vì bản chất kỳ thi này khác với kỳ thi THPT quốc gia trước đây. Hội đồng tuyển sinh nhà trường chuẩn bị họp để đưa ra phương án cụ thể cho kỳ tuyển sinh.
Video: Kỳ thi THPT 2020 chỉ để xét tốt nghiệp