Video: Rao bán súng tự chế tràn lan trên mạng xã hội
Pháp luật đã có quy định mức xử phạt từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi sản xuất, chế tạo, sửa chữa vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, súng săn trái phép và sẽ bị phạt tù nếu tái phạm. Tuy vậy, người dùng mạng xã hội không khó để tìm ra những trang web, tài khoản Facebook hay YouTube rao bán súng tự chế.
Trên nhóm “Mua Bán Súng Bi Sắt, Súng Cao Su - Đồ Tự Vệ Giá Rẻ”, tài khoản Facebook “Hiếu Ngọc” rao bán “Đủ loại súng, giá thành đa dạng”.
“Đây là hàng tự ráp, dễ xài lắm. Em xài tự vệ hay sao để anh tư vấn? Mấy dòng này dễ xài. Có thể dùng loại đạn chì hoặc đạn cao su”, người bán nói.
Khi ngỏ ý xin số điện thoại để liên lạc, người bán từ chối và cho biết mọi giao dịch thực hiện qua Facebook hoặc Zalo.
Giá cả các loại súng tuỳ thuộc chủng loại và độ mới của “hàng”. Cụ thể, súng lục bán tự động Colt M1911 có giá 5 triệu đồng (hàng mới), 1,5 - 3,5 triệu đồng (hàng cũ). Súng hơi Rulo 773 bắn đạn bi sắt giá 6,2 triệu đồng (hàng mới), 2,5 - 3,5 triệu đồng (hàng cũ). Súng hơi Rulo 773 bắn đạn cao su giá 12,5 triệu đồng (hàng mới), 3,5 - 6 triệu đồng (hàng cũ).
Khách hàng đồng ý mua sẽ phải gửi tiền cọc và hàng sẽ được vận chuyển theo xe khách hoặc các đơn vị giao hàng.
Súng tự chế được giao bán công khai trên Facebook và thường sử dụng đạn chì hoặc đạn cao su.
Khi người mua tỏ ý ái ngại về mức độ an toàn của phương thức giao hàng, người bán nói: “Anh gửi từ miền Tây. Anh bán từ đó đến giờ, em không phải lo”.
Không chỉ quảng bá trong các hội nhóm Facebook, tài khoản Zalo của người đàn ông này cũng công khai rao bán súng và đăng tải những phản hồi từ phía khách hàng.
Tài khoản Facebook khác có tên "Yuri Yuri", cho biết, đang cung cấp loại súng được chế từ súng đồ chơi Zp5. “Mất một ngày để chế hoàn thiện một cây súng. Bắn đạn chì, nếu muốn an toàn, không gây sát thương thì tháo đầu chì ra, nhét cao su vào. Nổ doạ thôi”, người này nói.
Về cách thức giao dịch, người này cho hay, có thể chuyển hàng theo hình thức "ship-cod". Sau khi kiểm tra súng, khách thanh toán tiền cho người giao hàng.
Đáng chú ý, để tránh việc bị cơ quan chức năng kiểm tra, người bán sẽ chia nhỏ khẩu súng thành 2-3 đơn hàng, chứa các bộ phận, linh kiện khác nhau. Người mua, sau khi nhận được hàng, sẽ được hướng dẫn xem lại video để tự lắp hoàn chỉnh.
Nhằm tránh bị kiểm tra, người bán sẽ tháo rời các bộ phận súng, khi người mua nhận hàng sẽ có hướng dẫn lắp lại.
Trao đổi qua Zalo với một người đàn ông tên Tam Long, người này quảng cáo: “Mình đang có cây Zp5 full kim loại, nặng khoảng 1 kg, giá 8 triệu đồng, tặng kèm 15 viên đạn chì. Gọi là súng thể thao nhưng sát thương cao, gây chết người đấy nhé”.
Người bán cho biết có thể gặp mặt trực tiếp tại khu vực Bắc Ninh để xem súng và mua bán trực tiếp hoặc gửi hàng qua xe khách.
“Nếu không, bác gửi tiền em trước, em đóng hàng vào bao tải to, đảm bảo an toàn. Nhiều khẩu dài hơn 1 m người ta còn gửi xe được, huống chi súng ngắn. Trước khi lấy, em sẽ gọi video đóng hàng”, người bán nói.
Không chỉ trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo… tại nhiều website cũng công khai bán các loại súng hơi, súng thể thao với mẫu mã đa dạng, bắt mắt, có giá tới cả chục triệu đồng. Theo thông tin quảng cáo, các mẫu súng này có xuất xứ phần lớn từ nước ngoài... nhưng rẻ, dễ kiếm.
Ngoài ra, nền tảng YouTube cũng có rất nhiều video hướng dẫn tự chế súng, làm súng hơi.
Kênh YouTube với tài khoản có tên "MỘC NHÂN DIY", đăng tải 35 video vào danh mục súng tự chế, thu hút nhiều lượt xem và bình luận.
Cụ thể trong video "Súng bắn bi - Hướng dẫn làm súng bắn bi, đá, mũi tên", nội dung chia sẻ cách tạo ra một khẩu súng có thể bắn đa năng từ đạn bi, đạn đá cho đến mũi tên, có 186.468 lượt xem và hơn 100 lượt bình luận.
Một số người còn xin liên hệ của chủ kênh: "Anh có thể cho em xin Zalo để tìm hiểu thêm không?".
Tài khoản YouTube khác có tên "Nam Anh Shop Phụ Kiện PCP", thường xuyên quay các clip giới thiệu súng và quảng cáo nhận "ship-cod" trên toàn quốc, người bán công khai số điện thoại để người mua liên hệ.
Theo luật sư Trần Văn Huy - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Bảo Tín - khoản 5, Điều 3, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định, vũ khí thể thao là vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, được sử dụng để luyện tập, thi đấu thể thao, bao gồm:
- Súng trường hơi, súng trường bắn đạn nổ, súng ngắn hơi, súng ngắn bắn đạn nổ, súng thể thao bắn đạn sơn, súng bắn đĩa bay và đạn sử dụng cho các loại súng này.
- Vũ khí thô sơ là vũ khí có cấu tạo, nguyên lý hoạt động đơn giản và được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, bao gồm: dao găm, kiếm, giáo, mác, thương, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu.
Điều 306 Bộ luật Hình sự quy định về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ và các vũ khí khác có tính năng tác dụng tương tự.
Theo đó, người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ và các loại vũ khí khác có tính năng tác dụng tương tự như súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, bị phạt từ từ 3 tháng đến 2 năm.
“Súng thể thao là vũ khí thể thao, được xem là công cụ sử dụng trong luyện tập và thi đấu thể thao. Loại vũ khí này được trang bị cho các đơn vị, câu lạc bộ, trường hoặc trung tâm huấn luyện thi đấu thể thao của Nhà nước. Việc sản xuất, sửa chữa, sử dụng vũ khí thể thao thực hiện theo quy định đối với vũ khí dân dụng. Như vậy, hành vi mua bán súng thể thao là trái quy định và bị xử lý theo quy định của pháp luật”, luật sư Huy cho biết.