Theo một bài báo vào tháng 9/2020 trên tờ Guardian, những hình ảnh “xanh hóa bê tông” thu hút sự chú ý và bàn luận sôi nổi trên các diễn đàn thời gian gần đây có thể là hình ảnh ghi lại thành quả của một quá trình “sửa sai lịch sử” tại thành phố Utrecht, Hà Lan.
Hình ảnh minh họa trên một diễn đàn về quá trình đưa kênh đào lịch sử trở lại thành phố cổ tại Hà Lan. (Nguồn: reddit)
Hơn 40 năm trước, vào những năm 1970, một phần của con kênh chạy qua thành phố cổ Utrecht - Catharijnesingel được đổ bê tông để làm đường ô tô 12 làn. Con kênh trước đó đã có “tuổi đời” 900 năm.
Đoạn kênh được lấp đi để cho phép ô tô tiếp cận dễ dàng hơn với khu mua sắm Utrecht vào những năm 1970. Con kênh từng chạy dưới một trung tâm mua sắm trong nhà, cho phép tàu thuyền đi quãng đường 6 km quanh trung tâm thành phố.
Những kế hoạch đầu tiên để khôi phục lại kênh đào đã được thực hiện vào những năm 1990. Trong một cuộc trưng cầu dân ý năm 2002 về “quy hoạch tổng thể” trung tâm thành phố, người dân bỏ phiếu chọn sông nước thay vì đường xá. Nhiều nỗ lực tiếp tục được thúc đẩy trong những năm gần đây khi chính quyền thành phố có các kế hoạch rộng lớn hơn nhằm giảm dần ô tô và thúc đẩy cuộc sống lành mạnh.
Công trình xây dựng phía trên kênh đào năm 1972. (Ảnh: Utrecht Archive)
Những phần cát cuối cùng được đưa khỏi kênh đào năm 2020. (Ảnh: The Guardian)
Vào năm 2017, thành phố mở công viên xe đạp lớn nhất thế giới, có sức chứa 12.500 chiếc xe đạp bên cạnh ga xe lửa Utrecht. Và là một phần của quá trình mở cửa trở lại kênh đào, trung tâm Zocherpark được khôi phục về thiết kế ban đầu năm 1830.
Khu vực nội thành Utrecht sau quá trình phục hồi một lần nữa có kênh đào và cây xanh bao quanh thay vì nhựa đường và khí thải. Cùng với con kênh, những hoạt động như du thuyền giải trí hay việc người dân bơi lội cũng trở lại. Người bán hàng ở trung tâm Hoog Catharijne, Eelco Eerenberg, ca ngợi đây là “kết quả vĩ đại” của hàng thập kỷ làm việc.
Con kênh được khôi phục đánh dấu sự kết thúc của giai đoạn đầu tiên trong quá trình chuyển đổi Khu vực Nhà ga Utrecht. Hai đoạn riêng biệt được kết nối lại, giúp Utrecht trở thành thành phố đầu tiên ở Hà Lan có trung tâm mua sắm có mái che mà bạn có thể đi thuyền bên dưới.
Đoạn đường được đưa kênh đào trở lại, nối giữa một đường đi bộ với một nhà hát. (Nguồn: Ad.nl)
“Giao thông từng tăng lên rất nhiều”, René de Kam, người phụ trách lịch sử đô thị tại bảo tàng Centraal ở Utrecht, nói về quyết định bê tông hóa con kênh. “Con kênh bao quanh thành phố. Thật là hấp dẫn khi nghĩ: nếu chúng ta trải nhựa lên nó thì sao? Khi đó vấn đề giao thông sẽ được giải quyết. Họ nghĩ rằng điều đó sẽ giúp mọi người dễ dàng đi đến trung tâm mua sắm của Hà Lan bằng ô tô. Đó là một quyết định sai lầm”.
Eerenberg cho biết thành phố đã chọn “nước và cây xanh thay vì đường cao tốc dành cho ô tô”. Ông nói: “Việc một đường cao tốc có không gian cho 12 làn xe được chuyển đổi trở lại (như ban đầu) là điều khá độc đáo. Giờ đây, con kênh đã hoạt động trở lại, nó tạo ra một kết nối tuyệt đẹp với rất nhiều chức năng đô thị quan trọng, bao gồm nhà ga, sân khấu nhạc pop, nhà hát và cây xanh. Tất cả đã tìm thấy vị trí của chúng bên trên dòng kênh”.
Theo Ward Rauws, giáo sư về quy hoạch đô thị, các dự án làm đường từng nhằm thúc đẩy hoạt động kinh tế ở khu vực trung tâm. “Nhưng những gì chúng ta chú trọng ở trung tâm của một thành phố giờ đã thay đổi. Một con phố lớn không còn là điều được mong chờ nữa”, ông nói.
Rauws cho biết, dự án kênh đào ở Utrecht không phải là dự án “xanh hóa” duy nhất. Tại nhiều thành phố trên khắp Hà Lan, ô tô dần giảm đi. Những kênh đào từng bị bịt nay được khơi thông trở lại. “Việc đưa thêm nhiều nước vào các thành phố trở thành một xu hướng. Nước và kênh đào còn có thể làm giảm cái nóng trong thành phố”, Rauws nói.
Một số hình ảnh của dự án:
(Ảnh: OKRA)
(Ảnh: OKRA)
(Ảnh: OKRA)