Từ năm 2019, chính quyền thành phố Jakarta (Indonesia) triển khai hàng chục km làn đường dành riêng cho người đi xe đạp. Biện pháp này nhằm khuyến khích người dân sử dụng xe đạp đi lại, góp phần giảm tình trạng tắc nghẽn giao thông cũng như ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng tại khu vực thủ đô của Indonesia.
Được triển khai thử nghiệm từ tháng 9/2019, dự án nằm trong kế hoạch tổng thể được Thống đốc Jakarta Anies Baswedan thúc đẩy nhằm cải thiện tình trạng giao thông tại thủ đô lớn nhất Đông Nam Á. Đến nay, dự án đã hoàn thành xây dựng khoảng 100 km đường dành riêng cho người đi xe đạp nằm dọc nhiều tuyến phố ở nội đô Jakarta.
Theo ông Baswedan, mục đích của việc phát triển làn đường dành cho xe đạp là để thay đổi mô hình chính sách giao thông định hướng từ ô tô sang phương tiện công cộng.
Jakarta hướng tới mục tiêu xây dựng 500 km tuyến đường dành riêng cho xe đạp từ nay tới năm 2030, kết nối thành phố này với các khu vực xung quanh.
Làn đường dành riêng cho xe đạp ở Jakarta. (Ảnh: Itdp)
Thành phố Copenhagen của Đan Mạch năm 2016 cũng đưa vào sử dụng làn đường thông suốt dành cho xe đạp, kéo dài 13 km quanh bến cảng thành phố.
Cùng việc đưa vào làn đường này, chính quyền Copenhagen thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ và khuyến khích văn hóa xe đạp bằng những luật lệ ưu tiên. Ngoài ra, thành phố còn cho thuê xe đạp ở những khu vực gần trung tâm, chủ yếu phục vụ khách tham quan du lịch, đồng thời cam kết đầu tư khoảng 40 USD/người vào cơ sở hạ tầng cho xe đạp.
Các thống kê cho thấy, 97% người dân Copenhagen hài lòng với điều kiện đạp xe trong thành phố.
"Copenhagen đã chứng minh rằng với mạng lưới cơ sở hạ tầng đơn giản, an toàn và kết nối, xe đạp có thể trở thành phương tiện giao thông cạnh tranh cho mọi người ở mọi lứa tuổi", cây viết James Thoem của chuyên trang du lịch Visitcopenhagen đánh giá.
Với 17 triệu dân và 23 triệu chiếc xe đạp, Hà Lan là đất nước hiếm hoi có số lượng xe đạp nhiều hơn người.
Đi xe đạp ở Hà Lan được đánh giá là an toàn nhất trên thế giới nhờ mạng lưới đường rộng khắp và lối xe đạp được tách khỏi các tuyến đường khác.
Mạng lưới đường xe đạp của Hà Lan trải dài gần 35.000 km, chi phí cho cơ sở hạ tầng xe đạp khoảng 400 triệu USD. Tỉnh Noord-Brabant đứng số một về số km đường xe đạp, tiếp đó là tỉnh Gelderland. Công đoàn xe đạp Hà Lan còn thiết kế cả ứng dụng Lộ trình xe đạp để người đi xe có thể tận dụng tối đa các tuyến đường.
Các trường hợp đạp xe có uống rượu ở Hà Lan bị khép vào hành vi phạm tội và bị xử phạt. Giới hạn nồng độ cồn trong máu đối với người đi xe đạp ở quốc gia này là dưới 0,5 mg/l - như đối với lái xe cơ giới.
Xe đạp là phương tiện được ưa chuộng tại nhiều thành phố của Đức.
Uống rượu và đi xe đạp ở Hà Lan bị khép vào hành vi phạm tội và bị xử phạt. (Ảnh: Arstechnica).
Ở thành phố Berlin, đường dành cho xe đạp có chiều dài lên tới hơn 620 km. Thành phố này có dịch vụ đi chung xe đạp mang tên "Call a Bike" - gọi xe. Xe đạp chiếm khoảng 13% lưu lượng giao thông ở Berlin, với hơn 500.000 người đi xe đạp mỗi ngày.
Giới chức Berlin cũng đang trong triển khai xây dựng "xa lộ" dành cho xe đạp, vốn nằm trong nỗ lực của Berlin nhằm tạo ra một môi trường đi lại không rủi ro bằng cách tăng số lượng xe đạp trên đường cho 2,4 triệu người vào năm 2025.
Ở Trung Quốc, một số thành phố thiết kế làn đường trên cao xe đạp để giúp giảm tắc đường.
Hạ Môn là thành phố đầu tiên ở quốc gia tỷ dân đưa vào triển khai dự án này. Nằm ở độ cao 5 m so với mặt đất, ngay dưới đường xe bus BRT trên cao, tuyến đường xe đạp trên cao ở Hạ Môn trải dài gần 8 km và đủ chỗ cho 2.023 xe đạp hoạt động cùng lúc. Các làn đường độc đáo này xuất hiện khắp thành phố, được thiết kế theo dạng xoắn ốc lớn để tăng dần độ dốc.
Bắc Kinh cũng mở làn đường riêng cho xe đạp từ năm 2019. Làn đường này dài 6,5 km, trong đó có 2,7 km là cầu vượt, chỉ phục vụ xe đạp thô sơ, đồng nghĩa người đi bộ, ô tô và xe đạp điện đều bị cấm. Người đi xe đạp sẽ phải đi về bên phải làn đường, phải dắt bộ nếu xe bị hỏng và chỉ được ra khỏi làn đường ở lối ra gần nhất. Việc đỗ xe trên đường và đi ngược chiều cũng sẽ bị cấm.
Ngoài ra, tốc độ tối đa được phép là 15 km/h. Trong trường hợp chở hàng, món hàng đó không được cao quá 1,5 m so với mặt đất và phải có kích thước dưới 15x30 cm. Bất kỳ trường hợp vi phạm nào cũng sẽ bị xử phạt theo luật định.
Làn đường trên cao dành riêng cho xe đạp ở Hạ Môn, Trung Quốc. (Ảnh: China Daily)
Tại Mỹ, vấn đề làn đường dành cho xe đạp gây khá nhiều tranh cãi.
Để giảm thiểu tai nạn liên quan tới xe đạp, nhiều thành phố Mỹ triển khai xây dựng các tuyến đường bảo vệ với phương tiện này.
Ở San Francisco, mặt đường ở một phần của khu chợ Market Street được xây cao hơn so với làn dành cho xe cơ giới với mục đích tạo tuyến đường riêng cho xe đạp. Tuy nhiên, do thói quen, nhiều người vẫn thích sử dụng phần làn đường "nâng cao" này làm chỗ đậu xe.
Tại Washington D.C, các làn đường xe đạp dọc theo đại lộ Pennsylvania giữa Đồi Capitol và Nhà Trắng được phổ biến từ năm 2010. Tuy nhiên, một số người ủng hộ đi xe đạp không hài lòng về thiết kế của chúng. Họ cho rằng việc các làn đường cho xe đạp nằm ở trung tâm của các đại lộ rộng là không thực tế và không an toàn.
Để khắc phục nhược điểm này, giới chức Washington phải lắp đặt thêm các rào chắn cao su để ngăn ô tô băng ngang qua đường dành cho xe đạp để quay đầu vô tội vạ.