Video: Trường nằm vắt vẻo bên sông, cô trò khăn gói về nhà rông học tạm
Điểm trường mầm non thôn Kon Pao Kơ La (xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) có 71 em theo học, tuổi từ 3 đến 5. Hơn 5 năm nay, giáo viên nơi này không biết bao nhiêu lần đưa học sinh đi nơi khác để tránh sạt lở, lần gần đây nhất là khi cơn bão kép hoành hành.
Ngôi trường vắt vẻo bên bờ sông khiến cô trò của trường lúc nào cũng lo sợ. (Ảnh: Hiền Mai)
Miệng vực sâu hoắm cách ngôi trường mầm non ngót nghét vài bước chân. Đất nứt toác, ngoạm sát vào chân tường, chỉ một trận mưa lớn là có thể nuốt chửng ngôi trường bất cứ lúc nào. Để an toàn, cô trò đành khăn gói dắt nhau về nhà rông ở làng Kon Pao Kơ La dựng lớp học tạm.
Khoảng không gian chừng 30 mét vuông được tận dụng chia thành 2 lớp giảng dạy, lớp 3-4 tuổi và lớp 4-5 tuổi. Thi thoảng mấy nhỏ lớp 3-4 tuổi lại dán mắt nhìn vào bảng học số, học chữ cái của mấy anh chị lớn hơn rồi lí nhí đọc theo.
Cô Đỗ Thị Nguyệt, Hiệu trưởng trường Mầm non xã Đăk Pxi (huyện Đăk Hà) chia sẻ, cơn bão qua đi, trường có nguy cơ sạt lở cao nên phải về mượn tạm nhà rông của làng để tiếp tục dạy các em. Nếu có kinh phí sửa chữa thì điểm trường cũ vẫn không đảm bảo an toàn.
Mưa rừng dai dẳng, đất có thể tiếp tục sạt trượt bất cứ lúc nào. Cô trò không thể yên tâm dạy học khi bên ngoài cửa sổ là bờ vực. Cô Nguyệt mong sớm có điểm trường mới để cả trò và cô đỡ vất vả, an tâm học tập.
Sau nhiều cơn mưa bão, đất nứt toác, ngoạm sát vào bờ, cách vài bước chân là chạm tới bức tường sau của ngôi trường mầm non. (Ảnh: Hiền Mai)
Khó khăn là vậy, nhưng giáo viên ở Đăk Pxi chưa hôm nào bỏ lớp, có người còn vượt hàng chục cây số đến trường "níu chữ" cho trẻ. Như cô Hoàng Thị Hoa (38 tuổi) – giáo viên lớp 3-4 tuổi, mỗi ngày đều đặn vượt hơn 20 cây số đến trường. Đường sá mấy năm nay dù được đầu tư, đi lại dễ hơn mọi năm, nhưng có đoạn hai bên vách núi vẫn cheo leo trên đầu, taluy hai bên đường tiềm ẩn nhiều nguy sạt lở.
Chưa kể, vì học tạm ở nhà rông nên hàng ngày, giáo viên phải tới sớm chừng 20-30 phút để sắp xếp lại bàn ghế, che chắn các vách hở để các em không bị lạnh. Ngoài ra, không có nước sạch, ngày nào các cô cũng phải chạy xe mang nước về.
Nhiều ngày mưa tầm tã, đi đường nước mưa hắt vào cay xè không rõ lối đi, nhưng thương trò, cô Hoa lại tự động viên bản thân cố gắng hơn.
Mong mấy đứa trẻ vùng cao không vì hoàn cảnh mà trễ con chữ, con số, cô Hoa và đồng nghiệp thường xuyên phải vận động, tới tận nhà để đón các em đi học, vận động quần áo sách vở cho trẻ.
Cô trò cứ thế từng ngày bao bọc nhau, cố gắng khắc phục. Họ luôn hy vọng sớm có được những lớp học bao tường kiên cố, đủ an toàn cho trò nếu như mưa bão lại kéo tới.
Các cô xin áo ấm về cho trẻ. (Ảnh: Hiền Mai)
Theo ông Nguyễn Phúc Đoan, Chủ tịch xã Đăk Pxi (huyện Đăk Hà), điểm trường sạt lở nằm ở thôn 7, nằm cạnh sông Đăk Pxi. Thời gian qua, do mưa bão nên điểm trường mầm non bị ảnh hưởng, nguy cơ sạt lở cao, phải di chuyển sang nhà rông của làng để dạy học.
"Chúng tôi kiên quyết không để học sinh quay lại điểm trường cũ, sẽ duy trì học ở nhà rông cho đến khi nào có điểm trường mới”, ông Đoan nói.
Bà Lê Thị Nhung - Trưởng phòng G&ĐT huyện Đăk Hà cho biết, do ảnh hưởng của mưa bão nên học sinh ở điểm trường thôn Kon Pao Kơ La (trường mẫu giáo Đăk Psi) phải học tạm ở nhà rông. Việc học tập ở đây gặp nhiều khó khăn vì khuôn viên nhỏ, giáo viên không thể sắp xếp và bố trí đầy đủ trang thiết bị cũng như dụng cụ học tập.
Việc học tại nhà rông rất lạnh, nhất là hôm mưa gió, ảnh hưởng đến sức khỏe của giáo viên và học sinh.