Bác sĩ Phan Nhân Hiển, khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, ngày 12/10 cho biết bệnh nhân có tiền sử mắc nang ống mật, một dị tật đường mật bẩm sinh khá hiếm. Cô được mổ nối mật ruột từ năm 4 tuổi, năm 2008 mổ lại lấy sỏi.
Đầu tháng 10, cô đau bụng, sốt, sút cân, đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khám. Các bác sĩ phát hiện rất nhiều sỏi trong gan bệnh nhân, viên to nhất kích thước 5 cm, lấp đầy đường mật trong gan, nhu mô gan có dấu hiệu xơ hóa nhẹ. Bình thường, sỏi đường mật trong gan kích thước 1-2 cm.
Bác sĩ Hiển nói: "Đây là trường hợp sỏi đường mật trong gan lớn nhất các bác sĩ từng thấy".
Sỏi mật sau khi được tán nhỏ và lấy ra khỏi gan bệnh nhân. (Ảnh: Bác sĩ cung cấp)
Các bác sĩ sử dụng laser tán sỏi, lấy sỏi, làm sạch đường mật, hai ngày sau bệnh nhân sức khỏe ổn định.
Sỏi đường mật là bệnh lý khá phổ biến, sau sỏi thận. Biểu hiện đầu tiên là đau bụng. Nếu bệnh nhân bị tắc mật thì xuất hiện vàng da, sốt, chán ăn do không có mật xuống ruột.
Nguyên nhân gây sỏi đường mật trong gan là do ký sinh trùng đường ruột đi vào đường mật. Ngoài ra, rối loạn chức năng gan, xơ gan, viêm gan... cũng khiến các thành phần trong dịch mật rối loạn. Những người béo phì, lười vận động cũng có thể gặp bệnh này do giảm vận động đường mật.
Theo bác sĩ Hiển, sỏi đường mật nếu không được phát hiện, điều trị sớm có thể để lại hậu quả như thành đường mật bị viêm mạn tính lâu ngày, xơ hẹp. Khi đó, việc điều trị phục hồi khó, bệnh nhân hay tái phát sỏi, xơ gan mật, nguy cơ hình thành ung thư.
Bác sĩ khuyên ăn chín uống sôi, tập thể dục đều để dịch mật lưu thông tốt xuống ruột. Khám định kỳ, siêu âm gan mật giúp phát hiện sớm bệnh lý này.