Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

'Quái kiệt' guitar: Ban ngày trồng cà phê, tối dạy đàn hút hàng nghìn người theo học

(VTC News) -

Dù sở hữu kênh Youtube với gần 40 nghìn người theo dõi, tuy nhiên guitarist Trần Tùng vẫn khiêm tốn nhận chỉ là nông dân chơi nhạc, không phải nghệ sĩ.

Từ lâu, âm nhạc đã góp phần gắn kết những con người xa lạ, những thế hệ khác khau và hơn cả là một liều thuốc quý giá giúp người bệnh thêm yêu đời. Có những nghệ sĩ đã dùng âm nhạc để khiến cho những ngày tăm tối trở nên tươi đẹp hơn, trong số đó phải kể đến guitarist Trần Tùng - người được mệnh danh là "quái kiệt" guitar. 

Trong cuộc trò chuyện với VTC News, Trần Tùng tiết lộ thời điểm dịch COVID-19 khiến anh nảy ra ý tưởng mang âm nhạc đến xoa dịu nỗi đau cho mọi người. Có thể bởi chính những điều bình dị này nên anh được nhiều khán giả đón nhận, với một tình cảm đặc biệt mà ngay cả chính bản thân anh cũng chưa bao giờ nghĩ tới. 

 

Trần Tùng người gốc Nghệ An, lang bạt kỳ hồ khắp Sài Gòn, từng làm trong lực lượng thanh niên xung phong, hát rong, chơi đàn harmonica, chơi đàn guitar cực hay. Dù chỉ là dân tay ngang, chưa một ngày được học nhạc một cách chính thống, nhưng lại hiểu nhạc lý sâu sắc.

 

Thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát dữ dội, Trần Tùng lập một kênh Youtube, ở đó, anh chia sẻ những kinh nghiệm chơi nhạc của mình. Trần Tùng tâm sự, khoảng thời gian khó khăn đó, anh cũng như rất nhiều người khác có những lúc rơi vào tuyệt vọng. Anh muốn làm một cái gì đó, trước tiên là để tìm thấy niềm vui cho chính bản thân mình và hơn cả, là muốn dùng âm nhạc, để góp phần xua đi nỗi đau, đem lại sự tích cực đến với mọi người. 

“Với một chiếc điện thoại rẻ tiền cùng cây đàn cũ được tặng, tôi bắt đầu thực hiện những clip đầu tiên để chia sẻ những thứ mình biết. Những clip của tôi rất đơn giản, mộc mạc khi chỉ có cây đàn. Tôi cũng không chỉnh sửa hay cắt ghép gì vì quay xong sẽ đăng thẳng lên Youtube. Tuy vậy, những kiến thức của tôi không nằm trong bất cứ giáo trình nào. Khi chia sẻ nều khán giả thắc mắc điều gì, tôi sẽ giải đáp.

Tôi làm clip với mục đích để chia sẻ những kiến thức âm nhạc của mình chứ không phải dạy hay ép buộc mọi người phải đăng kí học guitar. Tôi cũng mong những chia sẻ của mình mang lại niềm vui, giúp mọi người tìm đến một sở thích lành mạnh trên mạng xã hội” – Trần Tùng chia sẻ.

Để lập được một kênh youtube có nhiều người xem, các youtuber thậm chí phải đầu tư máy móc, lên kịch bản, biên tập công phu thế nhưng các clip “quay xong đăng luôn” của Trần Tùng lại thu hút một lượng lớn người xem. Đó là điều khá bất ngờ.

Anh tâm sự: "Tôi nghĩ khán giả cảm nhận được sự chân thành của tôi. Tôi chia sẻ tất cả những gì mình biết mà không giấu diếm. Khi khán giả yêu cầu, tôi cũng sẵn sàng chia sẻ.

Một lý do nữa có thể là do tôi làm video không cầu lợi nhuận. Có thể nhiều người muốn bán nốt nhạc, bán chất xám nhưng tôi thì không. Tôi chỉ là một người nông dân chia sẻ những kiến thức âm nhạc tới mọi người theo mộc cách gần gũi, mộc mạc nhất có thể. Có thể điều này khiến khán giả cảm thấy dễ mến nên yêu thích".

Nhiều khán giả cho hay, họ đến với kênh youtube của Trần Tùng, bên cạnh niềm đam mê dành cho âm nhạc còn là để tìm kiếm nguồn năng lượng tích cực, thú vui, sở thích lành mạnh – thứ vốn dĩ ngày càng trở nên khan hiếm trên mạng xã hội. Đặc biệt, trong khoảng thời gian giãn cách xã hội vì COVID-19, các clip của Trần Tùng khiến họ vơi bớt đi nỗi buồn, sự cô đơn và xoa dịu đi những mất mát, tổn thương.

 

Trần Tùng cho hay, anh hạnh phúc với những phải hồi đó của khán giả. Và đó là động lực lớn nhất khiến anh tiếp tục cho ra những clip khác. 

Thắc mắc trước việc không cầu lợi nhuận khi làm kênh Youtube, Trần Tùng thừa nhận dù cuộc sống vẫn khó khăn, ở nhà thuê nhưng anh cảm thấy thoải mái với những gì đang có. Điều anh muốn là cho đi nhưng cái nhận lại không phải đồng tiền, mà chính là tình cảm của khán giả - thứ không thể bỏ tiền ra mua được. 

Anh thổ lộ: "Kênh Youtube của tôi hiện mới được bật chế độ kiếm tiền thôi. Đây là điều tôi rất bất ngờ khi trước đây, tôi chỉ lập kênh với mục đích chia sẻ cho vui. Tôi hoàn toàn không nghĩ mình sẽ có thêm một khoản thu nhập. Lần đầu tiên nhận được tiền từ Youtube, tôi đã rớt nước mắt vì không tin đây là sự thật.

Nhiều người cũng nói sao tôi không dùng tài năng của mình để thu thêm lợi nhuận, thậm chí có thể mở lớp dạy đàn online. Tuy nhiên tôi nghĩ mình không hợp với việc này. Ngoài những công việc chính làm hằng ngày, tôi sẽ cố gắng thực hiện ít nhất 2 clip/tuần. Mọi người đón nhận các clip của tôi, tìm thấy niềm vui bên cây đàn guitar là tôi hạnh phúc lắm rồi”.

Tính cách thật thà, chân chất của Trần Tùng thể hiện rõ qua từng lời nói. Anh nói mình là một ông nông dân đúng nghĩa khi công việc chính hiện tại vẫn là trồng cà phê. Kể từ khi kênh Youtube được chú ý, Trần Tùng nhận được nhiều lời đi diễn show cho các phòng trà, tiệc cưới. 

Kể về kỷ niệm với những khán giả của mình, Trần Tùng tiết lộ anh không chỉ được khán giả trong nước quan tâm mà còn được nhiều người Việt ở nước ngoài đón nhận. Hiện tại số khán giả này đã lên tới 5000 người. Có nhiều người hâm mộ bay từ nước ngoài về chỉ muốn gặp Trần Tùng trực tiếp ở ngoài đời. Họ còn mang theo những cây đàn về tặng cho thần tượng của mình. 

Trần Tùng đặc biệt xúc động, khi có người vì mến mộ nên chủ động mời anh ly café hay bát phở. Thậm chí từng có những người đạp xích lô nghỉ làm một ngày chỉ để được gặp anh.

"Tôi rất bất ngờ khi được mọi người chào đón như một người nổi tiếng. Khi đọc bình luận, khán giả gọi tôi bằng nhiều danh xưng như "nhân tài Việt", hay "người chơi guitar đẳng cấp số một"... Tôi rất ngại vì biết còn nhiều người giỏi hơn mình rất nhiều. Họ không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn được ăn học, đào tạo đàng hoàng.

Còn tôi chỉ là người ẩn dật và nổi tiếng lên nhờ những đoạn video trên Youtube. Vậy nên đừng gọi tôi là nghệ sĩ hay quái kiệt gì cả, tôi thực chất chỉ là ông nông dân thích chơi đàn thôi (cười)", anh thật thà nói. 

 

Dù có tới 40 nghìn người theo dõi trên mạng, tuy nhiên anh lại là một người sống kín tiếng. Chính vì thế nên thông tin về anh dường như chưa từng xuất hiện ở bất cứ đâu.

"Tôi là một người chỉ thích sống trong bóng tối" - đó là lời chia sẻ hài hước của Trần Tùng khi mở đầu phần giới thiệu bản thân mình.

Theo chia sẻ, Trần Tùng tên đầy đủ là Trần Thanh Tùng, 53 tuổi, quê gốc ở Nghệ An. Cuộc sống của Trần Tùng khá vất vả khi mẹ mất sớm và phải rời xa quê hương đi lập nghiệp từ năm 15 tuổi. Đến nay, anh đã vào miền Nam được hơn 30 năm.

Trần Tùng kể anh từng phải làm đủ nghề để tự kiếm tiền đi học cho tới hết năm lớp 12. Thời gian này ngoài đi học văn hoá, anh đi làm thêm kiếm tiền mà không được học gì liên quan đến âm nhạc. Sau một thời gian lập nghiệp ở Sài Gòn, anh chuyển tới Lâm Đồng vì có người quen ở đây. Hiện tại, Trần Tùng sinh sống và làm việc ở Lâm Đồng, Đà Lạt.

 

Có một tuổi thơ bươn chải, nhưng bù lại Trần Tùng lại may mắn được thừa hưởng gen nghệ thuật từ bố để lại. Có bố làm nhạc công ở đoàn văn công Quân đội, Trần Tùng được tiếp xúc với âm nhạc từ nhỏ nên máu nghệ thuật đã ngấm vào người từ lúc nào không hay. 

"Mặc dù vậy tôi chẳng được bố dạy một chút nào mà chỉ bắt chước học theo. Cứ như vậy tôi biết chơi nhạc từ lúc nào cũng không hay. Nhạc cụ đầu tiên tôi biết chơi đàn mandolin, sau đó là kèn harmonica", anh kể.

Không được bố dạy nhạc, tất cả chỉ tự mày mò thế nhưng nhờ có năng khiếu đặc biệt, năm 12 tuổi, anh được đại diện cho tỉnh Nghệ An, đi thi vào Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia). Dù thi đỗ, nhưng anh lại bị gia đình cấm cản vì còn quá nhỏ và quan niệm "xướng ca vô loài" của những người xưa để lại. 

Sau đó gia đình xảy ra nhiều biến cố, mẹ cũng qua đời nên Trần Tùng đành gác lại đam mê. Vì cuộc sống mưu sinh, Trần Tùng cũng chỉ lo cơm áo gạo tiền mà chẳng còn thời gian nghĩ tới âm nhạc. Mặc dù vậy, máu nghệ thuật lúc nào cũng chảy trong người anh khi đi tới đâu có âm nhạc là trái tim lại rạo rực.

Vì điều kiện khó khăn nên quá trình học nhạc của Trần Tùng cũng rất đặc biệt. Anh bắt đầu nghiên cứu về guitar khi đã bước qua tuổi 30. Không chỉ guitar, anh được trời phú cho năng khiếu có thể chơi được rất nhiều các loại nhạc cụ khác.

Trần Tùng kể: “Có được ngày hôm nay, tôi đã phải lăn lộn qua nhiều nơi. Ngày xưa kiếm đồng nào là tôi dành để tự đi mua sách vở để tự học. Tôi cũng từng phải lăn lộn ở nhiều gầm sân khấu, phòng trà để thu thập thêm nhiều kiến thức. Giờ đây khi nhìn lại, tôi cảm thấy con đường âm nhạc của mình quá vất vả.

"Có thể mọi người không tin nhưng tôi chưa từng học ở một người thầy nào. Tôi tự học bằng cách thấy người ta đánh như thế nào thì sẽ tự bắt chước theo. Ngoài ra tôi cũng đọc sách và tự tìm hiểu trên mạng.

Trước đây, vì không có đủ tiền để mua đàn piano, tôi tự kẻ hình mô phỏng phím đàn ra giấy rồi tưởng tượng từng âm sắc trong đầu. Tôi phải tự nghĩ trong đầu từng nốt nhạc và cảm nhận để đánh. Nhờ đó, khi có cơ hội ngồi bên đàn, tôi có thể tự đánh được từng âm. Sau đó tôi tiết kiệm tiền để mua được một cây đàn keyboard để được sống với nghề".

Sau một thời gian chơi nhạc, Trần Tùng có cơ hội được công tác ở lực lượng thanh niên xung phong trong 7 năm. Trong thời gian này, anh gặp được những người chơi đàn rất giỏi và học hỏi thêm được nhiều kiến thức. Tuy nhiên anh vẫn tự nghiên cứu để đi theo một lối riêng của mình.

 

Sau những clip đăng tải trên mạng xã hội, Trần Tùng được nhiều người biết đến nhiều hơn. Hiện nay cũng có nhiều người tìm đến gặp anh để học hỏi. Tuy nhiên Trần Tùng chỉ dám nhận mình là một người nông dân chơi nhạc, không phải là một nghệ sĩ guitar.

Trần Tùng nói âm nhạc cũng chính là thứ giúp anh trẻ ra và tâm hồn lúc nào cũng bay bổng. Có lẽ chính bởi điều đó nên anh dí dỏm thừa nhận dù đã gần 60 tuổi nhưng đi ra đường mọi người cứ nghĩ chỉ khoảng 40 tuổi.

 

Khi được hỏi về những dự định âm nhạc trong tương lai, anh nói sẽ vẫn để khán giả tự tìm đến mình bằng cách tự nhiên nhất. "Hữu xạ tự nhiên hương" - đó cũng chính là điều Trần Tùng luôn quan niệm. 

Ngoài ra, Trần Tùng muốn thành lập một cộng đồng guitar ở 2 thành phố Hà Nội và Sài Gòn. Anh muốn thành lập nhóm để có thể giao lưu với khán giả một cách gần gũi nhất. Đây cũng chính là nguyện vọng anh muốn thực hiện để có gì đó đặc biệt cho bản thân mình.

"Với tôi, âm nhạc cũng không có đúng sai vì chỉ hay hoặc không hay, có người thích hoặc không thích. Một khi khán giả vẫn ủng hộ một Trần Tùng mộc mạc, giản dị như thế này thì tôi sẽ vẫn là chính mình", anh khẳng định.

Trần Tùng tập luyện cho nhóm guitar Hà Nội.

Tùng Thanh, Thiết kế: Huy Mạnh

Tin mới