Video: Nghệ sỹ khiếm thị Thanh Điền đàn bài "Tàu anh qua núi"
Những ngày cuối năm, PV VTC News gặp nghệ sỹ Lê Thanh Điền (56 tuổi, quê Cần Thơ), người được mệnh danh là thiên tài trong giới guitar khi những nốt nhạc ông cất lên lại khiến lòng người xao xuyến.
Dù khiếm khuyết về đôi mắt ngay lúc lọt lòng mẹ, nhưng nhờ sự nỗ lực và khả năng thiên phú, tiếng đàn của ông hiện được những người rành nhạc đánh giá có thể cảm hóa được những tâm hồn khô khan nhất.
Chúng tôi gặp nghệ sỹ Thanh Điền tại nhà một người bà con của ông ở quận 7 (TP.HCM). Đến đây chưa lâu, chưa thạo các lối đi trong nhà, ông vẫn cần có người dắt đi từng bước. Nghe người đối diện cất giọng chào, ông bẽn lẽn khoanh hai tay rồi gập người cúi chào lại, khiến chúng tôi có chút ngại ngùng. Qua giọng nói, ông biết rõ chúng tôi chỉ đáng tuổi mấy đứa cháu trong nhà nhưng ông vẫn cư xử thế.
Hiểu được sự ái ngại của chúng tôi, người bà con của ông lập tức chen lời: “Đấy, ông ấy cứ mãi thế đấy. Ai nói gì cũng dạ vâng, bẽn lẽn như đứa trẻ”.
Xuyên suốt buổi trò chuyện với nghệ sỹ Thanh Điền, ông luôn dùng cách xưng hô thật gần, thật chân chất và thật khiêm nhường đúng chất thôn quê vùng Tây Nam Bộ. Chúng tôi xin trích lại cuộc trò chuyện với ông.
- Thưa ông, sinh ra không được may mắn khi gặp khiếm khuyết ở đôi mắt, ông đã vượt qua những tháng ngày trong bóng tối ra sao để tìm đến ánh sáng của âm nhạc?
Hồi mới ra khỏi bụng má thì Thanh Điền đã không thấy gì rồi. Thanh Điền chỉ nhớ là ngày đó, thấy mình thui thủi một góc, chẳng nói chằng rằng, luôn buồn bã thì má mua cho một cây đàn nhỏ 8 dây, là loại đàn mandolin để Thanh Điền có thứ mà bầu bạn. Có cây mandolin, thú thật thì cũng chẳng vui gì đâu, vì thấy đường để học đâu mà vui. Nhưng mình mù mà, mình biết và buộc chấp nhận điều đó nên cũng đành nuốt nước mắt vào trong mà mày mò dây đàn, như để giết thời gian.
Đến 7 tuổi, thấy cây mandolin bé quá nên má mua cho Thanh Điền cây guitar cũ cho dễ học. Từ lúc có cây guitar thì Thanh Điền mới thực sự học để chơi đàn thật sự.
Hồi đó nhà cũng đâu ai biết đàn, nên không ai chỉ cho. Thanh Điền nhớ là hồi đó nhà có cái đài radio nhỏ, loại mà lúc bắt được sóng lúc không ấy, cứ kêu rè rè ấy. Nhỏ mà có võ à nhen, chính cái radio đó dẫn đường cho Thanh Điền đến âm nhạc đó.
Ngày đó, Thanh Điền cứ mở radio và lắng nghe tiếng nhạc, nghe thuộc thì lấy đàn ra tập theo. Đầu tưởng không vui, thế mà khi say sưa học đàn thì lại quên được nỗi buồn. Không vui, nhưng quên được buồn thì là cũng được lắm rồi mà, đúng không chị? Khà khà!
- Đối với một người bình thường, để thông thạo nhạc lý, chơi đàn điêu luyện, mất rất nhiều thời gian, công sức và cần qua trường lớp bài bản, vậy với ông việc học đàn gặp khó khăn ra sao?
Khó gấp đôi, gấp ba, gấp bốn lần! Cái này Thanh Điền không nói xạo đâu.
Người ta bình thường, không khiếm thị thì học đã khó. Người ta khó chỉ một, còn Thanh Điền khi học thì khó gấp ba, gấp bốn lần. Nói chung nó khó không có gì mà diễn tả được nữa hết. Giờ nghĩ lại, Thanh Điền vẫn thấy sợ.
Thanh Điền học để mà đến được lúc đàn như bây giờ là cả một quá trình kinh khủng. Ròng rã những tháng ngày tay rướm máu, bong móng tay, rớt cái móng tay ra… kinh khủng thật sự. Người ta kêu Thanh Điền thoa muối, nhưng Thanh Điền nói không, không thoa gì hết. Càng khó thì mình càng phải nỗ lực chinh phục hơn, mình không bằng người ta thì sự nỗ lực của mình phải gấp nhiều lần. Đau để mà cố gắng. Nhiều lần vừa học, Thanh Điền vừa khóc, khóc hết nước mắt.
Nhưng mà cũng lạ à nhen, hay là quy luật nữa không biết, vì Thanh Điền thấy hình như ông trời lấy của mình cái này, thì cho mình cái khác. Ông trời công bằng lắm. Ông lấy đi của Thanh Điền đôi mắt, thì cho lại đôi tai thật thính, thêm cả bộ óc biết cảm âm nữa. Cái này là nhờ trời.
Thật sự thì lúc đó Thanh Điền chỉ đàn vậy thôi, không có nhiều cảm xúc đặc biệt. Đến nỗi, mình đàn thành thục rồi mới giật mình là đã đàn được rồi. Cả thảy là 15 năm, cho cả quá trình đi đến đoạn chỉ nghe qua là đàn theo được.
- Gia đình, người thân đã đồng hành, động viên và chia sẻ với ông trong khoảng thời gian đó như thế nào, ông có thể chia sẻ chứ?
Như Thanh Điền có nói hồi nãy, từ lúc lọt lòng, biết Thanh Điền có khiếm khuyết, ba má đã không bỏ mặc mà tìm mua cho Thanh Điền cây mandolin. Đó, đó chính là sự quan tâm đặc biệt.
Đối với Thanh Điền, gia đình có một ý nghĩa vô cùng đặc biệt và thiêng liêng. Ba má luôn động viên, hỗ trợ từng bữa ăn, giấc ngủ và luôn ai ủi tâm hồn Thanh Điền. Giờ ba má đã về cõi vĩnh hằng hết rồi, nhưng ngày trước động viên và thương Thanh Điền nhiều lắm. Nếu không có ba má động viên thì không thể nào có được Thanh Điền như bây giờ.
- Xin phép được hỏi một câu khá riêng tư, được biết hiện tại ông vẫn chưa lập gia đình, vậy ông có ý định sẽ tìm một người cùng đồng hành những tháng năm sau này hay không?
Ý là hỏi Thanh Điền có tính lấy vợ không hả? – cười lớn. Không! Thanh Điền không nghĩ là sẽ lấy vợ đâu, ai đời lại đi làm khổ người ta vậy chứ.
Tuổi này rồi, sống như hiện tại là được rồi, Thanh Điền không đòi hỏi nhiều đâu mà mơ đến việc có vợ, có con nữa. Không phải Thanh Điền tự ti đâu, mà Thanh Điền sợ mình làm khổ người ta. Phụ nữ người ta lấy chồng để được chăm sóc, đó là lẽ dĩ nhiên. Vậy mà thử nghĩ xem, lấy Thanh Điền về, tới bước đi mà còn phải dắt thì cực quá. Thôi thì cứ sống như hiện tại thôi.
- Tại sao ông lại chọn guitar mà không phải là một nhạc cụ khác?
Từ thuở nhỏ thì mình không được chọn, vì cũng có biết hết các loại nhạc đâu mà chọn, được ba má cho làm quen với guitar là may mắn lắm rồi. Nhưng mà lớn lên, khi đàn guitar thạo rồi, Thanh Điền có thử mội vài nhạc cụ khác nhưng cảm thấy không ổn, vì ngón tay mình ngắn, không được dài như người ta nên chỉ đàn được mỗi guitar. Các nhạc cụ khác, thường thì đòi hỏi ngón tay dài để lướt. Với cả, Thanh Điền cũng có thích guitar hơn một chút.
- Để có được nghệ sỹ guitar Thanh Điền như hôm nay, ông là người có khả năng thiên phú, hay đó là kết quả của quá trình của rèn luyện và đam mê không từ bỏ?
Thiên phú! Cái này hỏi là trả lời luôn chứ không phải nghĩ. Với Thanh Điền, có đam mê hay cố gắng thế nào đi nữa thì hơn hết cũng là nhờ trời cho. Với Thanh Điền thì càng đúng hơn, không thấy đường mà vẫn đàn được, không trời cho thì là gì.
Chị nói cái từ “đam mê không từ bỏ” làm Thanh Điền thấy hơi thẹn thẹn, vì thật ra không đến mức đó đâu.
Quyết định đi theo âm nhạc, tại vì cái đó cũng giống như mình nghĩ là cùng đường rồi. Cùng đường rồi! Đừng có cắt đoạn này đi nha. Tại vì mình có tật, nên mình đâu còn làm được cái gì nữa đâu, thành ra mình phải đàn chứ làm gì giờ. Ai thương mình thì nghe, rồi cho mình gì thì cho.
Thích thì có thích, chỉ dừng ở thích chứ chưa đến mức gọi là đam mê. Chính xác là cùng đường rồi, thật sự là cùng đường rồi!
Video: Nghệ sỹ Thanh Điền: "Quyết định theo âm nhạc cũng vì... cùng đường rồi"
- Người ta vẫn thường hay nói về sức mạnh của âm nhạc như giúp xoa dịu, hàn gắn những vết thương tâm hồn, vậy với ông, âm nhạc có ý nghĩa ra sao?
Đối với ai không biết, nhưng đối với Thanh Điền thì cũng vậy. Nếu có xoa dịu thì Thanh Điền đâu có khóc đêm, về đêm Thanh Điền đâu có buồn.
Nói thì nghe có vẻ không đúng lắm, nhưng mà âm nhạc đối với Thanh Điền chỉ thế thôi. Âm nhạc, thứ để nghe, hay thì nghe lâu, bình dị, đơn giản như thế. Hay là Thanh Điền khác người, chứ Thanh Điền không thấy được sức mạnh huyền diệu của âm nhạc như các nghệ sỹ khác hay nói đâu.
Quả thật tiếng đàn có đưa Thanh Điền ra khỏi bóng tối, nhưng chỉ lúc Thanh Điền đàn và có người hát thì mới thoát được. Tại lúc đó mình tập trung, và khi có người hát thì mình cảm thấy tiếng đàn của mình hỗ trợ được ca khúc của người khác, là mình có ích. Những lúc đó Thanh Điền mới vui một chút, còn đàn một mình thì cũng vậy thôi.
Xưa giờ Thanh Điền không có nổi cây đàn tươm tất, gần đây Thanh Điền được một anh kia tặng cây đàn này (Martin) nên sung sướng lắm. Có cây đàn mới, Thanh Điền thấy vui lắm, đây là cây đàn hay nhất thế giới - thế giới riêng của Thanh Điền - cười.
Thanh Điền nói là nói thật lòng, vì mình ăn chay mà, có gì nói đó chứ không tô vẽ. Cảm xúc, nghĩ sao Thanh Điền nói vậy thôi.
- Vượt lên những khiếm khuyết của bản thân, để sống một cuộc đời lạc quan, để có một tài năng guitar như bây giờ, suốt chặng hành trình dài ấy, liệu có lúc nào ông muốn bỏ cuộc? Và điều gì đã giúp ông vượt qua?
Từ bỏ đâu được, có chết mới từ bỏ thôi.
Nghe thì thấy hơi khập khiễng nhỉ, vì ở trên Thanh Điền vừa nói là không đam mê, không yêu thích, vậy mà giờ lại nói nhất quyết không từ bỏ. Là thế này, vì đàn, là kế sinh nhai, từ bỏ thì mình lấy gì mà sống, chẳng nhẽ ở không làm gánh nặng cho mọi người.
Nhưng mà vẫn phải nhắc lại, Thanh Điền nói chưa đến mức đam mê, nhưng Thanh Điền có thích đàn nha! Một nửa là kế sinh nhai, nửa kia là thích, nên sẽ mãi không từ bỏ. Bởi hai cái này, nên có chết mới từ bỏ đàn.
Mà dại gì, Thanh Điền đã vượt qua được những ngày rướm máu rồi, đã vượt qua được phân nửa sự mặc cảm vì sự khiếm khuyết rồi, chẳng nhẽ giờ lại từ bỏ để lùi về vạch xuất phát. Lùi về rồi sao, tuổi này rồi, chẳng nhẽ lại thui thủi với bốn bức tường. Nói gì thì nói, khi đàn xong, nghe mọi người vỗ tay rồi khen, lòng cũng vui sướng và hân hoan lắm.
- Là một nghệ sỹ guitar đặc biệt, trong cuộc sống đời thường và âm nhạc, ông có triết lý sống nào đặc biệt cho bản thân mình không thưa ông?
Cười lớn - Ôi triết lý gì được chứ, Thanh Điền không dám đâu, Thanh Điền có là gì đâu mà đưa ra triết lý.
Nhưng mà nói chia sẻ, tâm sự thì chắc được. Thanh Điền đến nay là 56 tuổi rồi, cũng gần cả đời người ôm đàn theo người chỉ dẫn đi khắp nơi, có lẽ cũng đàn cho hàng nghìn người nghe rồi. Thanh Điền muốn nói với những bạn trẻ đang có ý định gắn bó với cây guitar là nếu cảm thấy vui thì hẵng học, nghe tiếng đàn mà lòng rộn ràng thì hẵng học. Còn, khi nghe mà không thấy thích thú thì nên dừng. Âm nhạc là một sự cảm thụ, phải có đam mê và yêu thích thì mới thành công được.
Còn với những bạn không may có khiếm khuyết, thì lời chia sẻ duy nhất là cố gắng hết khả năng.
- Tôi từng đọc được câu nói “giàu đôi con mắt, khó đôi bàn tay”, nhưng qua cuộc trò chuyện dường như nghệ sỹ Thanh Điền quả thật “giàu có”, dù “khó ở đôi mắt”. Vậy ông có thể chia sẻ về “sự giàu có” của mình khi gắn bó âm nhạc?
Thanh Điền cũng không biết mình có thật sự giàu có hay không nữa. Nãy giờ nghe Thanh Điền nói, chắc mọi người sẽ hơi cảm thấy Thanh Điền tiêu cực nhỉ, nhưng không có chuyện đó đâu.
Thanh Điền chỉ nói sự thật, có thể là lời Thanh Điền nói không được hoa mỹ nhưng lòng đã cảm thấy đủ rồi. Thanh Điền nói mình vẫn khóc đêm, đấy là chuyện của Thanh Điền, vì lặng lòng mà khóc đêm. Nhưng Thanh Điền biết chắc rằng, mỗi một người, dù lành lặn hay khiếm khuyết đều sẽ có những góc tối của riêng mình, quan trọng là họ có phơi bày ra hay không thôi.
Còn giờ nói đến sự giàu có, thôi thì cứ nghĩ đơn giản thế này đi, nãy giờ chị trò chuyện với Thanh Điền mà chị cười suốt, đó là sự giàu có của Thanh Điền rồi, vì mang lại tiếng cười cho chị.
Rồi là, những lần Thanh Điền đàn, nhiều người vỗ tay khen ngợi, cũng không ít người khóc vì xúc động. Đó cũng là sự giàu có của Thanh Điền, vì cảm được trái tim của người nghe…
Chung quy lại, sự giàu có của Thanh Điền tất thảy đều nhờ âm nhạc, nhờ cây mandolin 8 dây má mua cho năm nào, nhờ tình cảm của mọi người, Thanh Điền trân trọng và biết ơn lắm!
Xin cảm ơn ông, chúc ông thật nhiều sức khỏe!