Trên kênh Telegram cá nhân của mình, giữa những lời cảm ơn, biểu tượng cảm xúc trái tim và like của người ủng hộ, Pavel Durov lên tiếng bác bỏ mạnh mẽ những chỉ trích rằng nền tảng nhắn tin của ông là "thiên đường vô chính phủ" và cho rằng các cáo buộc của Pháp là "sai lầm".
"Nếu một quốc gia không hài lòng với một dịch vụ internet nào đó, thông lệ giờ đã được thiết lập là bắt đầu hành động pháp lý chống lại chính dịch vụ đó. Sử dụng luật từ thời trước khi có smartphone để buộc tội một CEO về các tội do bên thứ ba gây ra trên nền tảng mà người đó quản lý là cách tiếp cận sai lầm", ông Durov viết.
Trong khi tỷ phú công nghệ người Nga thừa nhận Telegram "không hoàn hảo", ông vẫn khẳng định công ty đã xóa hàng triệu bài đăng và đang bận rộn khắc phục các giao thức để làm cho nền tảng này "an toàn và mạnh mẽ hơn".
Telegram đã chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc kể từ khi thành lập vào năm 2013. Hiện tại, nền tảng này có 950 triệu người dùng trên toàn cầu. Durov đổ lỗi cho "những khó khăn khi phát triển khiến tội phạm dễ dàng lạm dụng nền tảng của chúng tôi hơn".
CEO Telegram Pavel Durov. (Ảnh: Reuters)
Ông Pavel Durov bị truy tố ngày 28/8 tại Paris với nhiều tội danh bao gồm phát tán hình ảnh lạm dụng trẻ em, buôn bán ma túy và thiếu kiểm duyệt nền tảng. Ông nộp khoản tiền bảo lãnh tại ngoại tương đương 5,5 triệu USD. Tuy nhiên, ông vẫn bị tòa án theo dõi và không được phép rời khỏi nước Pháp.
Trong bài đăng ngắn trên Telegram hôm 5/9, Durov tiết lộ chi tiết về những gì đã xảy ra sau khi ông bị bắt tại Paris vào cuối tháng 8.
"Tháng trước, tôi đã bị cảnh sát thẩm vấn trong 4 ngày sau khi đến Paris. Tôi được cho biết rằng tôi có thể phải chịu trách nhiệm cá nhân về việc những người khác sử dụng Telegram bất hợp pháp, vì chính quyền Pháp không nhận được phản hồi từ Telegram", ông nhấn mạnh.
Công tố viên Paris Laure Beccuau vào tuần trước nêu rõ những cáo buộc và cho rằng Telegram đã “gần như hoàn toàn không phản hồi các yêu cầu của tòa án”.
Ông Durov phản đối các cáo buộc, nói thêm: “Telegram có một đại diện chính thức tại EU chấp nhận và trả lời các yêu cầu của EU" và “Chính quyền Pháp đã có nhiều cách để liên lạc với tôi nhằm yêu cầu hỗ trợ”.
Ông Durov nhận được nhiều sự ủng hộ từ một số nhân vật nổi tiếng. Ngay sau khi có tin ông bị bắt, tỷ phú Elon Musk có loạt bài trên mạng xã hội X lên tiếng ủng hộ "tự do ngôn luận". Trong khi đó, hiện tượng mạng Andrew Tate cho rằng: "Nếu các ông khiến người phụ trách Telegram gặp rắc rối vì nó bị sử dụng sai mục đích, thì tôi đoán chúng ta cần phải bắt giữ CEO của Toyota vì xe của họ bị ISIS sử dụng, đúng không?’’.