Làng nghề 300 tuổi nón ngựa Phú Gia (Bình Định).
Bắt đầu ngày mới dưới những tán tre, phụ nữ tại làng nghề nón ngựa Phú Gia (xã Cát Tường, Phù Cát, Bình Định) tiếp tục công việc sản xuất nón truyền thống đã qua gần 300 năm.
Những người phụ nữ cùng đôi bàn tay thoăn thoắt trò chuyện rôm rả dưới bóng vườn tre, chỉ một góc nhỏ cũng đủ rộn lên sinh khí của một làng nghề nón lá đặc trưng.
Mỗi người mỗi việc, mỗi người mỗi công đoạn từ vuốt nan, ốp lá, chằm (khâu) nón, thêu hoa văn bằng những cuộn chỉ đầy sắc màu…
Để có chiếc nón ngựa Phú Gia dày công và tỉ mẩn, nón phải được kết bằng những vành từ cây giang, cây tre cật, cây lồ ô... chuốt nhỏ như tăm, đan thành 3 lớp mê sườn và vành nón.
Tiếp theo người thợ phải vuốt thẳng lá kè non (lá cọ) được mang từ trên núi về. Đây là công đoạn khó và cực nhất trong 10 công đoạn làm nón ngựa Phú Gia. Muốn vuốt thẳng lá kè non, người thợ làng nón phải dùng một bọc vải chứa cát bên trong, xòe lá kè trên miếng gang nóng rồi vuốt nhẹ để “ủi” cho lá trắng, thẳng, láng, đều. Sau đó từng lớp lá sẽ được lợp lên sườn nón, từng đường kim mũi chỉ sẽ khâu lại cho chắc, cho căng và phẳng.
Lá kè sẽ được gộp lại một đầu thành từng phần. Mỗi nón được lợp từ 18 - 19 phần lá gộp. Nón ngựa có 12 vành là loại nón nhỏ, loại ngày xưa làm cho nghĩa quân Tây Sơn. Ngày nay người ta chuộng loại nón lớn 16 vành, có độ che phủ lớn.
Điểm đặc trưng của nón ngựa là được khâu bằng những mũi chỉ tàu (loại chỉ được lấy từ các sợi gân của vỏ cây trên núi) trắng muốt, đều đặn. Mê sườn được thêu hoa văn bởi những sợi chỉ ngũ sắc.
Trên đỉnh nón được gắn chụp bạc hoặc đồi mồi có chạm trổ long, ly, qui, phụng. Quai nón được làm bằng những dải lụa đỏ hoặc xanh, chỗ dưới cằm có chỏm tua.
Để làm được 10 chiếc nón trong ngày, phụ nữ Làng nghề nón ngựa Phú Gia phải ngồi liên tục trong 14 - 15 giờ đồng hồ không nghỉ ngơi.
Đôi bàn tay người phụ nữ cầm kim chằm nón phải dùng lực của ngón cái và ngón trỏ để cắm, rút kim liên tục, ê ẩm nặng nhọc. Qua năm tháng bàn tay cũng chẳng thể giữ sự mềm mại vốn có.
Làm một chiếc nón ngựa Phú Gia từ đầu đến cuối hoàn toàn là thủ công, không có máy móc thay thế. Vì vậy, công làm một sản phẩm bỏ ra nhiều nên giá thành không thể bán thấp. Một chiếc nón ngựa bây giờ tùy theo chiếc được bán với giá dao động từ 100.000 – 500.000 đồng.
Nghệ nhân Đỗ Văn Lan (75 tuổi) có hơn 60 năm làm nghề, truyền nghề và giữ nghề. Hiện ông là đời thứ 5 của làng nón ngựa Phú Gia đến thời điểm hiện tại.
"Qua năm tháng nghề nón ngựa Phú Gia đã bị mai một đi rất nhiều, hiện làng nghề chỉ còn khoảng 100 hộ vẫn đang theo nghề cha ông để lại", nghệ nhân Lan chia sẻ.
Trong nhà nghệ nhân Đỗ Văn Lan vẫn còn giữ được vật gia bảo là chiếc nón ngựa có trên 170 năm tuổi. Chiếc nón này chính tổ tiên của ông đã đội khi làm quan tri phủ.
Ngày 9/4/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 956, công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghề thủ công truyền thống - Nghề chằm nón ngựa Phú Gia.