Không giống với mạng LAN chỉ bị ảnh hưởng bởi độ dài của dây kết nối (không đáng kể trong phạm vi gia đình), tín hiệu Wi-Fi rất dễ bị cản trở bởi các vật dụng trong nhà, kể cả con người. Thực tế, người dùng không bao giờ có một ngôi nhà hoàn hảo tới mức không có gì cản trở sóng Wi-Fi. Do vậy, điều quan trọng là hiểu được nơi nào trong nhà sóng Wi-Fi khỏe nhất, nên đặt bộ phát ra sao và tránh các món đồ dễ chắn hoặc làm giảm chất lượng kết nối.
Một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn tới chất lượng sóng Wi-Fi trong gia đình mà nhiều người ít ngờ tới chính là các vật dụng dùng để trang trí. Thông thường, chúng ta luôn đổ lỗi cho tường bê tông, những món đồ có kích thước lớn, nặng khi sóng Wi-Fi yếu hơn kỳ vọng. Nhưng các vật dụng tưởng như vô tội, đang góp phần làm đẹp cho căn nhà lại là "thủ phạm giấu mặt".
Kính, nước trong bể cá là những chất liệu cản bước sóng Wi-Fi vô cùng hữu hiệu. Việc đặt bộ định tuyến (router) gần bể cá không khác gì lắp Wi-Fi rồi "tặng kèm" bộ giảm chấn bên cạnh, hoặc dễ tưởng tượng hơn là đào con kênh cho nước chảy nhưng lại làm một cái đập chắn dòng. Ở mặt bên này của bể cá, nơi cùng phía có router, chất lượng Wi-Fi rất ổn nhưng khi qua phía bên kia bể sẽ nhận thấy sự suy giảm rõ rệt.
Sách khá dày và nếu xếp chúng lại với nhau san sát, người dùng sẽ tạo ra một "bức tường" với giá kê và sách - công cụ hữu hiệu để làm yếu sóng Wi-Fi. Do vậy, bạn không nên đặt router hay các node trong mạng mesh ở nhà trên (trong) giá sách.
Gương và kính đều cùng chất liệu, nhưng gương có thêm lớp tráng giúp phản xạ ánh sáng kiêm luôn các tín hiệu sóng không dây va vào bề mặt này. Nhiều gia đình có thói quen để tấm lương lớn trên tường mà không hay biết rằng mình đang làm giảm khả năng truyền Wi-Fi từ bộ định tuyến tới các khu vực khác trong nhà. Thêm vào đó, các loại gương cũ sản xuất bằng công nghệ lâu đời có khả năng cản sóng tốt hơn gương sản xuất mới.
TV hiện đại trông giống một tấm gương đen khi không bật màn hình, nhưng đó không phải là nguyên nhân chính gây cản sóng. "Hung thủ" thực sự chính là tấm kim loại khổng lồ nằm bên trong. Cách quan sát rõ nhất bộ phận này là tách phần màn hình phẳng của TV ra sẽ thấy tấm kim loại phủ gần như toàn bộ mặt lưng. Tấm phủ này vừa đóng vai trò lá chắn điện từ, vừa tăng cường và bảo vệ cấu trúc của TV. Tất nhiên, một "công dụng" không nhà sản xuất nào nhắc tới là cản trở sóng Wi-Fi.
Kim loại nói chung đều có tác động tới độ mạnh yếu của Wi-Fi trong nhà. Những vật trang trí bằng kim loại treo hoặc bài trí trong nhà luôn ảnh hưởng tới sóng không dây, vậy nên hãy chắc chắn bạn không đặt router ở gần, trên hoặc trong bất kỳ vật dụng nào làm từ chất liệu này.
Có bao giờ bạn thắc mắc tại sao khi vào bếp điện thoại luôn bắt sóng kém hơn, không chỉ kết nối mạng di động mà cả Wi-Fi? Nguyên nhân không hoàn toàn bởi căn bếp nằm ở vị trí nào trong nhà, mà chính các đồ dùng trong nhà bếp gây ra. Tủ lạnh (đặc biệt là các loại kích thước lớn, mặt tủ kim loại/gương), máy rửa bát, lò vi sóng, lò nướng đều cấu thành từ rất nhiều kim loại nên khu vực nhà bếp luôn có hiệu quả chắn sóng cực kỳ cao.
Tường hay sàn bê tông đặc (đối với nhà nhiều tầng, số lượng sàn nhà càng nhiều thì khả năng cản sóng càng lớn), dày đều là "kẻ thù" của sóng Wi-Fi nhưng lại mang đến kết cấu vững chắc cho ngôi nhà. Tương tự, các loại tường xây từ gạch cũng không khá hơn trong việc cải thiện mạng không dây ở nhà. Tuy nhiên, tường thạch cao lại hoàn toàn khác khi vật liệu này "vô hình" trước bước sóng, gần như không gây cản trở sóng Wi-Fi.