Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Những người đàn bà múa roi, đi quyền nổi danh đất võ

(VTC News) -

Phải đến tận nơi, nhìn tận mắt thiếu nữ miền đất võ xuất chiêu mới thấm hết câu ca dao “Ai về Bình Định mà coi/con gái Bình Định cầm roi, đi quyền”…

Video: Nữ võ sinh biểu diễn bài binh khí Song chùy

Mỗi vùng đất đều mang trong mình những trầm tích riêng. Lần theo câu ca dao đậm chất “kiếm hiệp”, tôi rong ruổi về miền đất võ, lên Tây Sơn - rốn võ miền Trung, nơi phát tích của vị anh hùng "áo vải cờ đào" Quang Trung - Nguyễn Huệ.

Tọa lạc tại địa bàn xã Bình Thành (Tây Sơn, Bình Định), Bảo tàng Quang Trung được khởi công xây dựng từ năm 1977 và khánh thành vào năm 1979, đúng dịp 190 năm chiến thắng Đống Đa.

 

Đến đây, tôi không khỏi ngạc nhiên, thán phục khi được tận mắt chứng kiến các thục nữ luyện tập, thao diễn những bài quyền dũng mãnh, những đường roi nhuần nhuyễn. Đây là những hình ảnh hiếm thấy được ở đâu trên đất nước Việt Nam và các nữ võ sĩ ở đây đều rất kiêu hãnh khi được gọi là hậu duệ của nữ tướng Bùi Thị Xuân.

Nữ tướng Bùi Thị Xuân quê ở Phú Xuân (xã Bình Phú, Tây Sơn, Bình Định). Từ thuở nhỏ đã yêu màu áo vải, cờ đào, quyết theo con đường võ thuật, trở thành một nữ tướng tài năng, dũng mãnh của nhà Tây Sơn.

Năm 16 tuổi, tình cờ thiếu nữ họ Bùi hợp sức cùng chàng trai Trần Quang Diệu hạ gục hổ dữ giữa rừng xanh và rồi sau đó họ nên duyên chồng vợ. Cô ra mắt thủ lĩnh Nguyễn Huệ và được phong thống lĩnh đội nữ binh kiêm chỉ huy đội tượng binh.

Hình ảnh "Bà Thiếu phó" uy dũng trên thớt voi một ngà xông pha trận mạc chính là hình ảnh kiêu hùng của phụ nữ Bình Định thời trước. Ngày nay, trong chiếc nôi của võ phái Tây Sơn truyền thống, các hậu duệ của Đô đốc Bùi Thị Xuân còn giữ gìn được những gì?

 

Về Tây Sơn, đừng thấy những cô gái dáng dấp liễu yếu đào tơ mà nghĩ họ không biết gì về võ nghệ. Khi cần, "con người võ" của họ sẽ trỗi dậy, phát lộ. Đôi mắt huyền lúng liếng, hiền lành sẽ rực sáng sắc như gươm bén và đôi tay mềm mại sẽ biến thành thanh sắt.

Con gái Bình Định được cha mẹ cho đi học võ không chỉ để phòng thân mà muốn cao hơn, sâu hơn là học cái đạo trong võ và để phát huy cái đẹp của võ cổ truyền của vùng đất phát tích ra người anh hùng áo vải, ra bà nữ tướng lưu danh muôn thuở.

Bà Nguyễn Thị Nhạc (73 tuổi, ở xã Tây Vinh, Tây Sơn) cho biết, thời bà 6 - 7 tuổi, trẻ em ở đây đều được học võ. Cùng với việc học văn hóa thì mỗi chiều bà cùng bạn bè đều nai nịt chỉnh tề dắt nhau đi học “đấm đá”. Với những người con gái nơi đây, việc học võ như một thói quen không thể thiếu, nó tồn tại hàng ngày quan trọng như việc uống nước, ăn cơm.

 “Những chiều cùng bạn bè tập luyện, tập nghỉ mệt, hết mệt lại tập… là những kỷ niệm và ký ức đẹp đọng mãi trong trái tim tôi. Tôi nhớ những tiếng cười đùa trong vắt...", bà Nhạc kể.

 

Khi hỏi về các “nữ hào kiệt dùng roi”, người được các võ sĩ nhắc đến nhiều là nữ võ sĩ Nguyễn Thị Kim Thanh với lời khẳng định chắc nịch: “Đến bây giờ, trong các nữ võ sĩ, chẳng ai tài vượt qua được Kim Thanh đâu”.

Võ sĩ Kim Thanh sinh năm 1968, quê ở Tam Quan Bắc (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định). Nữ võ sĩ chính là em ruột của cố võ sư Kim Dũng, một tay đấm có hạng ở miền Trung và chính anh trai là người truyền dạy võ cổ truyền cho chị.

Võ sĩ Kim Thanh học rất nhanh, chẳng mấy chốc cô đã lĩnh hội đủ 18 môn binh khí, nhưng đạt đỉnh là roi với bài Ngũ môn phá trận và kiếm với Song đao phá thạch. Với ngọn roi dài trên tay chị đã tung hoành trên sân khấu, trên các khán đài trong Nam ngoài Bắc, sang tận Pháp, Nga, Hàn Quốc.

 

Chẳng ai có thể nghĩ, chính niềm say mê võ thuật ngấm vào trong máu, đã khiến cuộc đời chị Kim Thanh liên tiếp đi qua những khúc cua bất ngờ. Để rồi, nữ võ sĩ tài ba ấy bỗng biến mất khỏi làng võ.

Một anh đồng nghiệp khi biết tôi đang đi tìm những nữ võ sĩ gắn bó với nghiệp võ cổ truyền đã vỗ vai tôi bảo: “Tìm trai tráng giờ theo nghiệp võ còn khó, huống hồ phụ nữ!”.

Rồi anh dẫn chứng, nữ võ sĩ Thanh Tùng lừng danh Hổ cái miền Trung, hay võ sĩ Hồng Liên từng giành rất nhiều huy chương trong các giải đấu mà sau cũng bỏ nghề chuyển qua buôn bán.

Một nỗi buồn nhẹ len lỏi trong tôi…

 

Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định một buổi chiều nhạt nắng, nữ võ sư Phan Thị Diệu Hằng trong bộ võ phục đang chăm chút uốn nắn từng động tác cho các môn sinh. Cách chị chỉ dạy môn sinh như muốn “đem hết những gì mình lĩnh hội được” để truyền lại cho các thế hệ sau.

Võ sư Phan Thị Diệu Hằng (sinh năm 1976) quê gốc thuộc huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế). Được sinh ra và lớn lên tại vùng đất võ Bình Định, từ nhỏ ngày ngày ra vào đều nghe tiếng hò hét đồng thanh trong các võ đường gần nhà, đã gây sự tò mò thích thú của cô dành cho võ thuật.

Đến năm 11 tuổi Diệu Hằng bắt đầu theo học Taekwondo, rồi học thêm cả Boxing. 1 năm sau đó cô lại tiếp tục học thêm võ cổ truyền Bình Định chuyên về mảng đối kháng. Người thầy mà cô theo học lúc ấy cũng thuộc hàng võ sư tầm cỡ có tiếng ở Bình Định là võ sư Kim Đình.

 

Dõi ánh mắt ra khoảng sân trước mặt, không hiểu sao mắt chị Hằng đỏ hoe, giọng chùng xuống khi bắt đầu câu chuyện về tấm huy chương vàng cuối cùng của mình thời thượng đài.

Năm 30 tuổi, cái tuổi chững lại trong sự nghiệp thi đấu võ đài của nhiều võ sĩ chị vào trận đấu tranh huy chương bạc hạng 51 kg. Khi ấy, nữ võ sĩ đã bị chấn thương đứt dây chằng gối rất nặng từ trước, khiến chị khó có thể đứng vững huống hồ là thi đấu.

“Chấn thương của tôi rất nặng, bác sĩ khuyên tôi nên bỏ trận đấu vì cứ tiếp tục thi đấu, chấn thương sẽ nặng thêm sẽ rất dễ bị tật, ảnh hưởng tương lai. Nhưng khi ấy tôi không toan tính gì nhiều, chỉ nghĩ đây là giải đấu cuối cùng của cuộc đời võ sĩ, bằng mọi quyết tâm tôi phải đấu cho hết giải, kệ cho chấn thương có ra sao” - chị Diệu Hằng chia sẻ.

Bước lên sàn đài với đôi chân bước lệch, chị nén đi cái đau thấu xương. Với kinh nghiệm thượng đài 14 năm và chính bằng tinh thần thượng võ, chị chiến thắng đối thủ chủ nhà Bình Thuận với tỉ số 5-0, giành tấm vé bước vào trận tranh huy chương vàng đầy thuyết phục.

Sau 3 ngày nghỉ ngơi với sự chăm sóc đặc biệt của đội ngũ bác sĩ, chị lại một lần nữa bước lên sàn. Bước vào trận đấu, với những bước di chuyển nhịp nhàng của bộ pháp Taekwondo, đòn tay uy lực nhanh nhẹn của võ cổ truyền và gương mặt cố giấu đi nỗi đau thấu xương từ bên chân đứt dây chằng, Diệu Hằng tiếp tục giành chiến thắng tuyệt đối 5-0 trước đối thủ được xem là bất bại của Quân khu 7.

 

Kết thúc 14 năm thi đấu đỉnh cao, nữ võ sư chính thức treo găng vào năm 2006, lùi về sau tiếp tục làm công tác chuyên môn về võ thuật.

Hiện nay, võ sư Phan Thị Diệu Hằng đang công tác tại Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Đình và là HLV của câu lạc bộ võ thuật Quy Nhơn Kickfit. Câu lạc bộ của chị đang có gần 50 môn sinh theo học và cũng cung cấp nhiều vận động viên cho đội tuyển võ Bình Định.

 

Phần vì tò mò, phần vì ngưỡng mộ, tôi tìm về làng võ An Thái (xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn, Bình Định) để được trò chuyện cùng nữ võ sư vẫn nặng lòng với việc truyền thụ võ cổ truyền cho lớp trẻ.

Về tới đầu làng An Thái, hỏi thăm nhà cô Năm, từ người già đến trẻ nhỏ ai cũng biết và hướng dẫn tận tình.

Căn nhà nhỏ của cô hiện lên với vẻ tĩnh mịch chứ không giống như những gì tôi tưởng tượng về một “võ đường”. Căn nhà được bức tường bằng đá ong đã nhuốm màu thời gian bao xung quanh.

Nụ cười nhẹ trên môi, cô Năm mở rộng cửa mời tôi vào nhà. Căn nhà sạch sẽ với những vật dụng được bố trí gọn gàng. Giữa nhà là tấm bảng chiêu sinh bằng gỗ khắc dòng chữ: “Võ đường Bình - Sơn: Võ sư Lâm Ngọc Phú đảm trách huấn luyện các bộ môn quyền Anh, quyền tự do, võ Bình Định” được đặt trang trọng.

Ngồi cùng nữ võ sư trong chiều nắng nhạt, từng mảng ký ức của người có nhiều trăn trở với võ thuật cổ truyền lại trở về.

 

Cô Năm cùng các anh em là Lâm Ngọc Ánh, Lâm Ngọc Oanh, Lâm Oanh Liệt được cha dạy võ từ thuở bé. Dù biết con gái học võ sẽ có nhiều hạn chế, nhất là về thể lực, nhưng vì yêu thích nên cô cố gắng theo học.

Cha mất, cô và người anh là Lâm Ngọc Ánh tiếp bước ông cha, mở trường dạy võ ngay trên mảnh đất quê hương. Nhưng rồi cuộc sống áo cơm đã đưa cô lang bạt nhiều nơi. Có giai đoạn, cô vào TP.HCM sinh sống và làm nghề may gần chục năm mới trở về quê cũ.

Trở về, nhìn khoảnh sân nhỏ ngày xưa thường vang lên tiếng cha dạy võ cho môn đồ, rồi văng vẳng lời dặn của cha: “Muốn trở thành người tốt, con phải thực hành những gì con học được. Phải giữ chữ Nhân trong cuộc đời và dùng nó làm việc có ích”, cô lại dâng lên ước muốn được truyền lại những đường võ mà cha đã dạy có trẻ con trong làng.

Vậy là mỗi chiều, bên căn nhà nhỏ, ngay khoảng sân trống lại rào rào những động tác tay chân theo đòn thế, giòn giã tiếng hô một, hai của bọn trẻ làm rộn cả một góc làng bên cạnh dòng sông quê..

Ngày đó, học trò khi đông nhất là khoảng 30 người, đa số là những đứa trẻ từ 6 - 14 tuổi. Cô cứ túc tắc dạy. Thời gian còn lại, cô bán hàng tạp hóa, làm vài sào ruộng. Thời gian cứ thế trôi… cho đến khi dịch Covid-19 xuất hiện.

 

Hỏi chuyện về pho bí kíp điểm huyệt độc nhất vô nhị của dòng họ Lâm, nữ võ sư cho biết, đó là một cuốn sách về võ y do Linh Không Thiền Sư ở Ngũ Đài Sơn (Trung Quốc) nghiên cứu, truyền lại hậu thế. Tổ tiên nhà họ Lâm may mắn được sở hữu pho bí kíp này, đến nay đã trên 300 năm.

Trong sách ghi rõ trên người có bao nhiêu tử huyệt và tiểu huyệt, ghi chú cặn kẽ thước tấc trên đồ hình. Những tử huyệt ghi trong bí kíp thật ra là để người chữa thương biết vùng chấn thương thuộc huyệt nào và biết phải dùng thuốc gì để điều trị. Tuy nhiên, nếu người luyện võ đạo đức kém nhưng lại biết rõ những tử huyệt trên thân người, trong lúc tức giận hay vì trả thù riêng mà đánh ngay tử huyệt đối thủ thì đó là giết người.

Vì vậy, bí kíp này chỉ được truyền dạy cho người trong nhà, mà phải là trai trưởng hoặc người con trai dày đức độ, chứ nữ nhi không được học vì sợ lan truyền ra ngoại tộc. Hiện, bí kíp này được võ sư Lâm Ngọc Ánh, anh trai cô Năm nắm giữ và được ông áp dụng để chữa bệnh cứu người miễn phí.

Câu chuyện của chúng tôi kết thúc khi tách trà đã cạn, bóng chiều ngả bóng. Tôi ngỏ ý muốn được xem cô Năm múa võ một lần, cô nhẹ gật đầu rồi đi vào phòng thay võ phục.

Trong bóng chiều nhập nhoạng, hình ảnh người phụ nữ khuôn mặt sáng ngời đi những đường quyền dứt khoát, thân pháp uyển chuyển, đường công nước thủ khá linh lợi, tung hoành chém bên tả, xả bên hữu với thanh đao sáng loáng. Nhãn pháp sáng đẹp một cách hùng tráng. Cả con người cô Năm lúc này tỏa ra thứ ánh sáng rất kỳ lạ, rất thu hút khiến tôi không thể rời mắt.

Cô Năm nay cũng đã gần 60 tuổi, vẫn ở một mình, dù tóc đã hai màu nhưng vẫn đẹp, nét đẹp rắn rỏi, mạnh mẽ của người tập võ. Nhìn bức hình có lẽ được chụp nhiều năm về trước, “cô Năm” mặc áo dài, đôi mắt sáng, thông minh, đẹp sắc sảo tôi chắc rằng, khi còn trẻ hẳn cô cũng là “bóng hồng thương nhớ” trong lòng nhiều chàng trai, phải chăng vì muốn đợi chờ một người “anh hùng”, mà quên rằng, tuổi xuân đã đi ngang cửa.

 

Nguồn:

Tin mới