Năm 1924, trong những ngôi làng nằm dọc 2 bờ sông Côn, không biết bao nhiêu ấm trà đã cạn trong các cuộc thảo luận rôm rả của người dân từ đầu làng đến cuối xóm về trận thư hùng sắp diễn ra giữa hai võ sư nổi danh miền đất võ là Đệ nhất roi Hồ Ngạnh và Đệ nhất quyền Tàu Sáu.
Đã lâu lắm làng võ mới lại có sự kiện mà nam, phụ, lão, ấu đều háo hức mong chờ đến độ quên ăn, quên ngủ. Anh tài làng võ tìm đến nhau tỉ thí thì chắc chắn không thể là khoảnh khắc tầm thường.
Võ sư Hồ Ngạnh (Hồ Nhu) sinh năm 1890 vang danh làng võ Thuận Truyền (xã Bình Thuận, Tây Sơn, Bình Định) vì nắm giữ tuyệt kỹ Roi đánh nghịch uyên thâm, cực kỳ lợi hại, có tính sát thương cao.
Danh tiếng của ông vang xa đến nỗi thường xuyên có những người trong giới võ thuật tìm đến thách đấu. Thậm chí, có nhiều cao thủ nghe những lời đồn đại về ông Hồ Ngạnh mà “nhức tai” nên tìm đến tỉ thí.
Tuy nhiên, vốn là người điềm tĩnh nên không mấy khi Hồ Ngạnh bị cuốn theo những lời khiêu chiến.
Còn Tàu Sáu (tên thật là Diệp Trường Phát, SN 1896) là người gốc Hoa, gia đình sinh sống ở làng An Thái (nay thuộc xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn, Bình Định) đã được mấy đời.
Năm 13 tuổi, Tàu Sáu được gia đình gửi về Trung Quốc để học võ Thiếu Lâm Bắc phái. Sau 15 năm thụ giáo tại cố hương, ông trở lại An Thái, tiếp tục học hỏi thêm các môn võ Bình Định, rồi san định và thiết lập thành võ phái An Thái - Bình Định.
Trận đấu sắp tới, một bên là Đệ nhất roi Thuận Truyền Hồ Ngạnh, bên còn lại là Đệ nhất quyền An Thái Diệp Trường Phát. Luận về tài năng hay sức vóc đều “kẻ tám lạng, người nửa cân”, thật khó mà đoán định thắng thua.
Cuộc tỉ thí võ thuật, giao lưu bạn bè của 2 cao thủ đệ nhất diễn ra dưới sự chứng kiến của hàng ngàn người. Không chỉ dân 2 làng Thuận Truyền - An Thái mà dường như tất cả cư dân các làng võ hai bên bờ sông Côn đều có mặt để được chứng kiến cuộc so tài ngàn năm có một.
Trận thư hùng được chia làm 2 hiệp: Hiệp một đấu quyền và hiệp hai sẽ đấu roi. Bởi đây là cuộc thí võ kết bạn, ấn chứng võ công nên hai bên giao ước không đả thương nhau, mà chỉ dùng mực ghi dấu trên võ phục đối phương để phân định thắng thua.
Ở hiệp đấu quyền, dù là các vết mực trên áo của 2 người bằng nhau, nhưng Hồ Ngạnh nhận thua Tàu Sáu một bậc. Ông lý giải rằng các vết mực trên y phục mình do Tàu Sáu đánh vào có vài phần nhạt hơn, chứng tỏ võ sư làng An Thái khống chế được công lực khi ra đòn, không làm ảnh hưởng đến đối phương. Điều đó cho thấy nội công quyền pháp của Tàu Sáu đã đạt ở cảnh giới cao siêu, thâm hậu.
Đến trận đấu roi, cây roi bọc đệm bông trắng thấm mực xanh do Hồ Ngạnh cầm, cây kia thấm mực đỏ do Tàu Sáu giữ. Tàn một nén nhang, võ phục người nào ít bị điểm mực hơn thì người đó thắng.
Võ sư Hồ Ngạnh dùng đường roi nghịch tấn công liên tiếp làm võ sư Tàu Sáu không kịp phản công mà chỉ lo chống đỡ.
Nén nhang sắp tàn, thì Tàu Sáu nhảy ra ngoài vì biết đòn roi của Hồ Ngạnh đã in hằn lên y phục quá nhiều. Tại các điểm tương ứng với huyệt đạo trong thân thể ông chi chít những chấm mực xanh.
Võ sư Tàu Sáu chắp tay bái phục: “Đoản côn Thuận Truyền duy hữu nhất” (Roi Thuận Truyền chỉ có một). Võ sư Hồ Ngạnh cũng cười mà đáp: “Thủ vũ An Thái ngã vô song” (Tay quyền An Thái cũng không hai).
Trong suốt quá trình diễn ra trận tỉ thí, ngoài tiếng động của binh khí, cả võ đài đều im phăng phắc, đến nỗi tiếng những đường quyền xé gió cũng nghe rõ mồn một. Chỉ đến khi hiệp đấu kết thúc, tiếng vỗ tay tán thưởng, tiếng trầm trồ thán phục mới vang lên.
Người làng An Thái không tiếc lời khen võ sư Hồ Ngạnh, dân làng Thuận Truyền cũng chẳng ngại ngần buông lời thán phục đối với tài năng của võ sư đến từ làng An Thái. Đối với những người dân làng võ, tinh thần thượng võ luôn chảy trong huyết quản.
Nằm sâu trong con ngõ nhỏ ngoằn ngoèo ở làng Thuận Truyền là võ đường Hồ Gia của võ sư Hồ Sừng (SN 1938). Đây cũng là ngôi nhà xưa của cố võ sư Hồ Ngạnh (mất năm 1976), ông nội của võ sư Hồ Sừng.
Hiện nay, võ đường Hồ Gia do võ sư cao cấp Hồ Sỹ (SN 1979) con trai thứ 10 của võ sư Hồ Sừng làm Chưởng môn đời thứ 5.
Từ nhỏ Hồ Ngạnh được mẹ cho theo học các danh sư nổi tiếng bấy giờ ở Tây Sơn, như các ông: Ba Đề, Đội Sẻ và Hồ Khiêm. Khi thấy con đã thạo ngũ hành, thất bộ, bà mới bắt đầu dạy roi.
Những đêm trăng sáng, bà dẫn con ra khu đất vắng, chọn một khoảnh đất bằng, chỉ dẫn từng chiêu thức. Người mẹ dùng than vẽ một vòng tròn trên mặt đất, chỉ cho phép con di chuyển trong phạm vi vòng tròn đó.
Bà xem con đánh roi rồi chỉ ra những điểm mạnh, yếu trong các chiêu thức và chỉnh sưa các chiêu thức cho con hiệu quả nhất. Bà có yêu cầu rất cao về sự chuẩn xác trong đường nét, thân pháp và rèn tính cẩn trọng.
Để thử uy lực trong đường roi của Hồ Ngạnh, xung quanh vòng tròn, bà lấy 4 cái đĩa lớn đựng dầu phụng, cắt miếng vải nhỏ làm thành ngọn bấc, rồi châm lửa vào đầu bấc. Hồ Ngạnh đứng trong vòng tròn đánh roi, khi nào ngọn gió từ đường roi phát ra làm cả bốn đầu bấc tắt phụt cùng lúc là đạt.
Trong võ thuật, vũ khí không chỉ để công mà còn là để thủ. Công hay thủ đều đòi hỏi sự tinh nhạy của người đánh. Lúc Hồ Ngạnh đã tiến bộ, mỗi khi cậu múa roi, bà Hà di chuyển xung quanh, dùng sỏi ném vào.
Ban đầu Hồ Ngạnh còn vụng về, sỏi trúng vào roi, trúng cả vào người kêu cắc cắc, bụp bụp. Sau cậu phản ứng nhạy bén dần, đường roi vun vút, chỉ còn tiếng sỏi va vào roi kêu cắc cắc mỗi lúc một giòn.
Bà luyện cho con đến khi ném cả vốc sỏi vào mà đường roi của Hồ Ngạnh gạt rụng rào rào, không viên nào động được đến người.
Roi là một loại binh khí tiêu biểu của võ thuật cổ truyền Bình Định, là một trong thập bát ban binh khí. Roi thường được làm bằng gỗ dẻo, tre đặc, to nhỏ tùy theo người sử dụng.
Roi đánh nghịch là bài roi rất khó luyện. Thông thường các võ đường khác dùng bài roi thuận, nhưng bài roi này là lấy đòn nghịch chế đòn thuận, mượn đối phương để đánh đối phương.
Trong thi đấu, có những chiêu thức đối phương đánh thì ta đỡ, nhưng với Roi đánh nghịch thì khác, đối phương ra đòn, mình lấy đó để đánh lại đối phương, đối phương càng lao vô đánh mạnh ắt sẽ nhận lại đòn đánh mạnh tương tự.
Người luyện được bài roi này, phải tinh thông tất cả các bài roi khác, nhận ra được từng chiêu thức, từng điểm yếu, điểm mạnh mà đối phương sử dụng, lấy đó làm tâm, để khắc chế từng chiêu thức. Phải thật kiên trì trong khi luyện và sự tư duy về chiêu thức.
“Cha tôi từng dạy, luyện võ nên luyện những gì chưa ai làm được và phải luyện cho đến khi thuần thục. Luyện cái nào người khác không luyện được, thì khi đó mới thành tài. Cũng giống như Roi đánh nghịch, phải luyện làm sao đòn Roi đánh nghịch thành đòn “roi đánh thuận” của riêng mình thì khi đó mới thành công” - Võ sư Hồ Sỹ chia sẻ.
Thời ấy, quê võ sư Hồ Ngạnh có tướng cướp Dư Đành tác oai tác quái nổi tiếng khắp vùng. Dư Đành dáng người lực sĩ, võ nghệ rất cao cường. chính quyền đương thời không sao bắt được.
Có lần, để diễu võ dương oai, một tay y cắp cả một con nghé hệt như người ta nhẹ nhàng bồng trên tay đứa trẻ. Vì vậy, thời ấy nhiều người khi nghe thấy tên của Dư Đành là hồn xiêu phách tán.
Tung hoành khắp vùng không có đối thủ, bỗng dưng cái tên Hồ Ngạnh nổi lên làm Dư Đành như bị “vả vào mặt”.
Tuy nhiên, rất có lợi nếu chiêu mộ được ông vào băng đảng của mình, nên Dư Đành ngỏ lời mời mọc. Bị từ chối, y tức khí, nhắn tin khiêu chiến, ra điều kiện nếu thua ông Hồ Ngạnh phải gia nhập đảng cướp của y.
Từ chối mãi không được, cuối cùng võ sư Hồ Ngạnh phải nhận lời thách đấu. Đến ngày hẹn, ông một mình một roi đến điểm đấu.
Trận quyết đấu nảy lửa diễn ra vào một đêm trăng, tại bãi đất trống cạnh thôn Thuận Truyền.
Dưới ánh trăng vằng vặc, những đường roi nghịch của võ sư Hồ Ngạnh loang loáng như rồng bay phượng múa giữa đám lâu la của Dư Đành. Những đòn roi vun vút uy hiếp cả toán cướp, tiếng gió phần phật nghe lạnh người. 11 tên cướp võ nghệ cao cường bậc nhất trong băng đảng của Dư Đành chỉ biết yếu ớt chống đỡ và bại trận.
Nhìn đám đệ tử ruột lần lượt ngã sóng soài dưới đường roi của võ sư Hồ Ngạnh, Dư Đành nộ khí xung thiên nhảy vào trận, lia thanh đao sáng loáng tới tấp tấn công.
Tuy nhiên, ngọn roi múa tít như thành trì bất khả xâm phạm, lưỡi đao của Dư Đành không tài nào động đến người đối thủ. Đánh mãi mà vẫn không tìm được chút kẽ hở để “triệt hạ” đối phương khiến Dư Đành ngày càng nao núng.
Biết đã đến lúc cần phải xuất chiêu tuyệt kỹ để kết thúc trận đấu, sau khi dùng cước đá văng lưỡi đao của Dư Đành, võ sư Hồ Ngạnh lia những đòn roi nghịch áp đảo đối phương.
Sau nhiều đòn đánh hiểm vô phương chống đỡ, Dư Đành ngỡ là mình đã phải mất mạng, thế nhưng ngọn roi của ông Hồ Ngạnh vừa chạm áo đối thủ đã thu về. Trong trận này, Dư Đành nợ ông Hồ Ngạnh một mạng sống.
Không biết ơn thì chớ, tướng cướp còn ôm hận, rắp tâm trả thù. Vốn dĩ có bụng dạ tiểu nhân, nên lần này Dư Đành nghĩ cách đánh lén. Hắn áp dụng kế “điệu hổ ly sơn”, bằng cách nhổ sạch đám khoai mì của nhà họ Hồ, nhưng không lấy mang đi mà để lại trên rẫy.
Nghe người nhà báo tin, võ sư Hồ Ngạnh biết đó là trò của Dư Đành, ông chỉ mỉm cười và ra gánh khoai mì về nhà.
Vừa gánh đi được một đoạn thì Dư Đành tay cầm bắp cày từ bụi rậm nhảy ra vung một đòn đánh chí mạng về phía võ sư Hồ Ngạnh. Nghe tiếng gió, võ sư né kịp, đường cày vụt qua đầu, văng vào cây bời lời làm thân cây gẫy gập.
Tận dụng luôn cú đánh hụt ấy, Hồ Ngạnh tức tốc áp sát, nhanh như chớp, chụp luôn tay Dư Đành rồi sử dụng thế lạc côn, không những hóa giải mà còn biến sức đối phương thành lực của mình, dùng chiếc đòn gánh làm roi hất thẳng Dư Đành vào bụi tre gần đó.
Lần này, Dư Đành chắp tay xin tha mạng và thề độc không khiêu chiến, không về làng Thuận Truyền quậy phá nữa.