Để gặp gỡ người nắm giữ bí kíp Miêu tẩy diện (dân làng võ gọi nôm na là Mèo rửa mặt) tôi tìm đến nhà Võ sư mèo Lý Xuân Hỷ vào một chiều thu dìu dịu. Lối vào nhà quanh co, nhỏ hẹp. Căn nhà cấp bốn có phần xưa cũ nằm trong con hẻm nhỏ của thôn Tây Phương Danh (phường Đập Đá, thị xã An Nhơn, Bình Định).
Đón tôi là võ sư Lý Xuân Vân (sinh năm 1965) con trai đầu của võ sư Lý Xuân Hỷ, hiện đang là chưởng môn của võ đường.
Đây là tuyệt chiêu gia truyền được cụ Tổ Lý gia là Lý Thế sáng tạo ra. Cụ đã dựa theo các động các tấn công, tự vệ của mèo mà tạo thành một bài võ đầy đủ các thế liên hoàn, biến hóa linh diệu, phối hợp nhịp nhàng thủ pháp, cước pháp
Các đặc tính vốn có của loài mèo đã được thể hiện trong bài võ: hết sức nhẹ nhàng mà biến hóa khôn lường, di chuyển không nghe tiếng động, khinh thân như lá vàng bay…, nhưng khi tấn công xuất ra là đòn hiểm.
Tuyệt chiêu Miêu tẩy diện sử dụng bộ tay là chủ yếu, khi ra đòn cực nhanh, mạnh và dứt khoát, ra đòn chuẩn, trúng vào các huyệt tử của đối phương), kết hợp với sự di chuyển nhẹ nhàng uyển chuyển làm cho đối phương khó có thể theo kịp để phòng thủ và trả đòn.
“Miêu tẩy diện khi tấn công thì sử dụng đòn trảo như mèo, như hổ, khi dùng đến ngón thì điểm chỉ vào tử huyệt đối phương. Để học được tuyệt chiêu này, trước đó người học cần luyện cho thân thể nhẹ nhàng, di chuyển thanh thoát trong từng bước đi và đôi tay nhanh nhẹn, lả lướt. Khi ra đòn phải nhắm thẳng vào tử huyệt rồi mới dùng nội công ra đòn chớp nhoáng” - Võ sư Lý Xuân Hỷ cho biết.
Với niềm đam mê võ thuật, Lý Xuân Hỷ thấy trong chất võ của mình vẫn còn thiếu thứ gì đó nên thời trẻ ông đã tìm đến các võ đường để thách đấu và kết bạn với nhiều võ sư để trau dồi thêm.
Nhờ đó mà võ công của ông ngày càng tiến bộ, phát huy tối đa sức mạnh của đòn thế Miêu tẩy diện và tạo ra thế đánh chỏ lợi hại dễ dàng khắc chế đối thủ khi đấu đối kháng trên võ đài.
Trong ngôi nhà đơn sơ, lão võ sư dõi ánh mắt về phía các võ sinh đang tập trên sân, nửa như vui mừng trước sự tiến bộ của học trò, nửa như đang tiếc nuối một thời trai trẻ “dọc ngang trời đất” của mình.
Võ sư Lý Xuân Hỷ (sinh năm 1940) bắt đầu học võ từ năm 10 tuổi, nhưng tới năm 12 tuổi ông mới chính thức được cha mình cho nhập môn và truyền dạy lại tất cả các môn võ bí truyền của dòng họ. Thừa hưởng tinh hoa võ học gia đình, võ sư Lý Xuân Hỷ chính thức thượng đài từ năm 18 tuổi.
Hai biệt danh Hùm xám Tây Nguyên và Võ sư mèo đã gắn liền với cả cuộc đời của ông qua từng trận đấu.
Dòng ký ức đưa Võ sư mèo về lại một thời ngang dọc…
…Những ngày cuối tháng Sáu năm 1969, người dân Pleiku và binh sĩ đóng trên địa bàn rôm rả bàn luận, đánh cược với nhau về trận đấu của võ sư Đệ tứ đẳng huyền đai Taekwondo tên Long (thuộc Quân đoàn 2) với Hùm xám Tây Nguyên Lý Xuân Hỷ.
Dù Hùm xám 29 tuổi họ Lý khi đó đã vang danh trăm trận trăm thắng”, từng giữ chức vô địch giải võ cổ truyền 4 tỉnh: Đắk Lắk, Kon Tum, Pleiku (nay là thành phố Pleiku - Gia Lai), Phú Bổn (nay là huyện Ayun Pa - Gia Lai), nhưng trước lời khiêu chiến đầy tự tin: “Đêm nay hạ Hỷ, đêm mai hạ Cảnh” (Minh Cảnh - Võ vương vô địch quyền Anh Đông Dương năm 1946) họ vẫn có chút hồi hộp, lo lắng.
Vào trận, trong khi Tứ đẳng huyền đai liên tục tung ra những đòn đá sở trường sấm sét thì Võ sư mèo hết sức nhẹ nhàng, uyển chuyển dùng các chiêu thức trong Miêu tẩy diện để hóa giải đòn hiểm của đối phương.
Cả hiệp đấu đầu tiên, rồi tới tận giữa hiệp thứ hai vẫn không thấy võ sư Lý Xuân Hỷ tung được đòn đánh nào đáng kể về phía võ sư Long, cả ngàn người dân dưới khán đài tối đó càng thêm phấp phỏng.
Trên võ đài, Long võ sư nheo đuôi mắt với ý nghĩ: “Cái gọi là tuyệt chiêu bí truyền của dòng họ Lý chỉ đến thế thôi sao?”.
Gần cuối hiệp hai, khi võ sư Long tung cước, thay vì hóa giải như những lần trước, Lý Xuân Hỷ lần này thoái lui vài bước. Tưởng đối phương rơi vào thế yếu, võ sư Long liền lao tới, đánh thẳng vào mặt võ sư Hỷ với ý định kết thúc trận đấu.
Không khí dưới khán đài bỗng im lặng như tờ, tất cả như nín thở, có người đưa tay lên che miệng vì sợ tiếng thét thất thanh sẽ bung ra khi đòn hiểm kia rơi xuống đánh gục Hùm xám của họ.
“Ba mươi chưa phải là Tết”, Võ sư mèo thoắt cái đổi ngược tình thế, chuyển thủ thành công, ánh mắt sáng quắc, dựa thế vào dây rin võ đài, lanh lẹ như một chú mèo luồn người áp sát chặn đòn rồi thuận thế tung 2 chỏ vào chấn thủy khiến võ sư Long máu miệng tuôn trào, hàm răng cũng mất đi vài chiếc.
Tứ đẳng huyền đai gục ngay tại chỗ trước con mắt ngỡ ngàng của đồng đạo. Cả võ đài như nổ tung bởi tiếng hò reo cùng những tràng pháo tay của người dân Gia Lai.
Từ đó, tuyệt kỹ Miêu tẩy diện và Võ sư mèo Lý Xuân Hỷ luôn có chỗ đứng nhất định trong hàng ngũ võ thuật cổ truyền Việt Nam, hơn thế nữa còn lan rộng ra các nước trên thế giới.
Ở tuổi bát thập, với một vài thứ bệnh của người già, câu chuyện ông kể đôi ba lần phải ngắt nghỉ giữa chừng. Ký ức của ông lần này đưa tôi về năm 1990 tại nước Nga xa xôi…
Trên võ đài Festival Võ thuật cổ truyền quốc tế là trận so tài giữa một võ sư Việt dáng người nhỏ thó, trạc ngũ tuần với võ sư cao lớn người Ba Lan. Trận đấu khiến nhiều người chú ý cũng bởi sự chênh lệch về dáng vóc.
Ai cũng tò mò không biết người võ sư nhỏ bé, đại diện cho Liên đoàn Võ thuật Việt Nam có “ngón đòn” gì mà “lớn mật” đấu với người cao hơn mình một cái đầu và nặng hơn cả chục cân.
Trận đấu đã bắt đầu mà người xem chỉ thấy võ sư người Việt “đứng yên cũng không nghiêm túc” chứ chẳng hề thủ thế hay có thái độ gì là đang thi đấu, trong khi võ sư Ba Lan ra bộ thế hẳn hoi.
Đã vậy, cái mặt võ sư Việt Nam còn nghênh lên và ánh mắt láo liêng như muốn trêu đùa với đối thủ. Thái độ “đáng ghét” đó khiến võ sư Ba Lan nổi nóng, hầm hầm xông tới tung cú đá “quỷ khóc thần sầu” về phía đối phương.
Không nghe tiếng động, tựa như chú mèo lách ra vồ chuột, võ sư Việt Nam lách tránh cú đá rồi đánh trả khiến đối thủ ngã nhào xuống sàn đấu.
Hăng máu, võ sư Ba Lan bật dậy, lấy đà phóng tiếp một đòn chí mạng thẳng vào đại diện của Việt Nam. Hết sức nhẹ nhàng, võ sư người Việt hệt như một chú mèo tinh nghịch nghênh mặt để tiếp chiêu, di thân lách nhẹ qua người đối thủ để hóa giải, rồi đảo tay lại thành thế chỏ, ra đòn quyết đoán khiến võ sư Ba Lan ngã xuội lơ.
Cả khán đài ngỡ ngàng. Sau những phút “đứng hình”, tiếng hò reo, huýt sáo vang lên khắp nhà thi đấu. Những người chứng kiến nhắc đi nhắc lại cái tên Lý Xuân Hỷ.
Lẫn trong đám đông chứng kiến trận đấu, có một ánh mắt không giây phút nào rời khỏi người Lý Xuân Hỷ. Trận đấu kết thúc, nhận thấy sự bí hiểm trong ngón đòn của võ sư Việt, người này nung nấu ý định thách đấu với Võ sư mèo.
Video: Võ sinh nước ngoài biểu diễn tuyệt kỹ Miêu tẩy diện
Năm 2007, vùng đất An Nhơn vốn bình lặng bỗng xôn xao bởi sự xuất hiện của một võ sư người Ý. Người này đến Bình Định và nhờ các ngành chức năng dẫn đến tìm võ sư Lý Xuân Hỷ để giao đấu.
Vị võ sư ngoại quốc này chính là nhân vật 17 năm trước, tại Festival Võ thuật cổ truyền quốc tế tổ chức ở Nga đã nung nấu ý định thách đấu với võ sư Lý Xuân Hỷ.
Sau 17 năm tăng cường tập luyện và học thêm đòn thế Thiếu Lâm, cảm thấy đã đủ tự tin nên ông tìm đến võ đường Lý Xuân Hỷ tìm Võ sư mèo để giao đấu.
Ở tuổi 67 với cân nặng khoảng 60 kg, võ sư Lý Xuân Hỷ không ngần ngại gật đầu tiếp chiêu, dù đối thủ nặng gấp đôi và mới 42 tuổi.
Trận giao đấu diễn ra trong ánh mắt lo lắng của người dân An Nhơn. Trận đấu có yếu tố nước ngoài nên có các ban ngành chức năng đến để bảo đảm an ninh. Một chiến sĩ công an ái ngại khuyên võ sư Hỷ “từ chối phắt đi”, ông lắc đầu bảo: “Thể diện quốc gia, thể diện dòng họ đâu thể đùa. Tui không dễ gì mà thua!”.
Người dân xứ Nẫu chứng kiến trận đấu hôm đó không thể nào quên khoảnh khắc Võ sư mèo bước ra tiếp chiêu. Đứng trước võ sư người Ý cao to lực lưỡng, võ sư già thấp bé nhẹ cân họ Lý như bị nuốt chửng, nhưng khuôn mặt ông vẫn điềm tĩnh lạ thường.
Ông giao kèo trước trận đấu rằng, dù thắng dù thua thì cuộc đấu cũng chỉ diễn ra trong 30 phút, kể cả thời gian trao đổi võ học. Võ sư người Ý vui vẻ đồng ý.
Ngay từ những phút đầu của trận giao đấu, võ sư nước ngoài dựa vào lợi thế có đôi chân dài liên tục dùng cước pháp đá vào người võ sư Lý Xuân Hỷ, nhưng ông đều uyển chuyển né đòn.
Đến khi võ sư 42 tuổi tung cú đá thật mạnh về phía mặt Lý Xuân Hỷ, với thân pháp vừa mềm mại vừa linh hoạt, tấn pháp vững vàng, phòng thủ kín đáo, kiên nhẫn và tập trung, võ sư 67 tuổi dùng thế Miêu tẩy diện quét vào chân trụ của đối thủ một cách bất ngờ, chớp nhoáng nhưng đầy dứt khoát và chính xác khiến võ sư Ý ngã gục ở phút thứ 3 của trận so tài.
Thua tâm phục khẩu phục, võ sư nước ngoài dành thời gian còn lại để trò chuyện cùng Võ sư mèo. Trong cuộc trao đổi võ thuật, điều khiến võ sư người Ý tò mò nhất là võ sư Lý Xuân Hỷ đã dùng bí quyết nào để đánh thắng ông. Võ sư Lý Xuân Hỷ thủng thẳng đáp: “Người Việt chúng tôi học võ không phải để đấu”.
Dù nổi danh trong giới võ thuật nhưng võ sư Lý Xuân Hỷ trong mắt của các võ sinh là người thầy khiêm nhường, sống giản dị. Trong căn nhà nhỏ, kho báu của ông chính là những tấm bằng khen, huy chương của một thời oanh liệt.