Dự án hầm chui Giải Phóng - Kim Đồng thuộc tuyến đường Vành đai 2,5 Hà Nội, là công trình giao thông quan trọng trong chương trình phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông Thủ đô văn minh, hiện đại và đã được thành phố xác định là công trình trọng điểm giai đoạn 2021 - 2025.
Công trường hầm chui Kim Đồng đang được nhà thầu hối hả thi công.
Với mục tiêu là khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông giữa đường Vành đai 2,5 với đường Giải Phóng, vì vậy việc thi công hầm chui đang được Hà Nội tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ thi công.
Tuy nhiên, sau gần 1 năm khởi công xây dựng, chủ đầu tư và các đơn vị thi công đang phải xử lý các vấn đề về mặt bằng, việc thi công gặp nhiều khó khăn nên đến hiện tại mới triển khai được 23% kế hoạch đề ra. Nhiều "nút thắt" phát sinh khiến dự án hầm chui Giải Phóng - Kim Đồng có nguy cơ chậm tiến độ.
Theo Ban Quản lý dự án Đầu tư, xây dựng các công trình giao thông TP Hà Nội, hiện tại trên công trường có gần 100 công nhân chia làm 2 ca thi công cùng máy móc đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ phục vụ xây dựng công trình.
Nhà thầu đang đào đất, lắp đặt khung trống làm hầm chui, hoàn thiện xây rãnh nước thải nhà dân và làm nền đường xe chạy.
"Hiện tại nhà thầu bố trí 5 mũi thi công với 2 mũi thi công tường chắn, 1 mũi thi công đường và hạ tầng trên tuyến, 1 mũi ép cọc bê tông cốt thép ở các đốt hầm", đại diện Ban điều hành dự án cho biết.
Ông Hồ Đức Phúc - Giám đốc Ban điều hành dự án hầm chui Giải Phóng - Kim Đồng thuộc liên danh nhà thầu Cienco4 cho biết, hầm chui phía Đầm Hồng nhà thầu đang đào hầm chính, ở các vị trí có mặt bằng đơn vị đã triển khai 6/9 đốt hầm hở, còn lại 2 đốt hầm hở đang vướng các công trình ngầm chưa được giải phóng đường điện.
Địa chất của hầm Kim Đồng là đất sét dẻo khiến cho quá trình đào đất khi mùa mưa đến gặp bất lợi; phải đóng 250 cọc ván thép dài 350m để chống sạt lở.
Theo ông Phúc, việc thi công hầm chui Giải Phóng - Kim Đồng nằm trong khu vực có nhiều công trình ngầm nổi, nhiều đường dây điện, cáp quang là trục chính và địa chất phức tạp. Mặc dù, nhà thầu đã tự bỏ kinh phí để di chuyển công trình nổi ở phía Đầm Hồng nhưng đến nay cũng chỉ có 50% mặt bằng sạch để thi công. Nhà thầu quyết tâm đến năm 2024 hoàn thành hạng mục hầm hở.
“Đối với phía giao với đường sắt thuộc phạm vi dự án dù Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã bàn giao mặt bằng nhưng ở đó có hạ tầng đường điện 35Kv chưa được giải phóng dẫn tới khó khăn cho đơn vị nhà thầu.
Bên phía Kim Đồng nhà thầu đã thi công xong các hào kỹ thuật, lắp đặt cống tròn D300. Đơn vị đang thực hiện lắp đặt cống hộp D1.500. Đồng thời xén vỉa hè mở rộng mặt đường trước khi thi công các hạng mục hầm chính”, ông Phúc thông tin.
Theo ông Hồ Đức Phúc, Giám đốc Gói thầu số 17-Cienco 4, dự án gặp nhiều khó khăn khi đi qua các công trình ngầm nổi, đường dây điện, cáp quang, đường sắt...
Cũng theo ông Phúc, khu vực Đầm Hồng còn vướng một hộ dân tái lấn chiếm từ khoảng gần 20 năm nay chưa di dời.
Đặc biệt, theo ông Phúc, phía đường Kim Đồng nhà thầu thi công đang bị vướng mặt bằng ở hai góc cua giao cắt với đường Giải Phóng đã làm ảnh hưởng đến tiến độ và không phân luồng giao thông để triển khai được.
“Việc thi công qua đường sắt Bắc - Nam cũng gặp nhiều khó khăn. Mặc dù ngành đường sắt đã bàn giao mặt bằng nhưng quá trình thi công phải đảm bảo việc an toàn chạy tàu và hoạt động của ga Giáp Bát nên nhà thầu cũng phải tính toán và điều chỉnh lại biện pháp thi công cho phù hợp nên cũng bị ảnh hưởng đến tiến độ…”, ông Phúc nói.
Mặt bằng thi công hai bên vỉa hè đường Kim Đồng cũng đang vướng đường điện, cáp thông tin, nước sạch.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại công trường hầm chui Kim Đồng - Giải Phóng, nhiều phương tiện máy móc và thiết bị được huy động, công nhân tích cực làm việc.
Hiện quá trình thi công đã đào được đường dẫn và hầm hở bên phía đường Giải Phóng (khu vực phường Định Công). Theo kế hoạch tiếp đó, công nhân sẽ khoan, đào hầm chính qua đường Giải Phóng.
Công nhân gia công cốt thép, ván khuôn để phục vụ cho công trường.
Hiện quá trình thi công đã đào được đường dẫn và hầm hở bên phía đường Giải Phóng (khu vực phường Định Công). Theo kế hoạch tiếp đó, công nhân sẽ khoan, đào hầm chính qua đường Giải Phóng.
Ông Nguyễn Thành Luân - Đơn vị thi công hầm phạm vi đường sắt khẳng định, trước sẽ khẩn trương thi công trong phạm vi rất nhỏ. Muốn thi công được đơn vị phải chia làm 3 đốt hầm nhỏ để thi công và để đảm bảo hoạt động tuyến đường sắt Bắc - Nam bên trên.
Hiện tại nhà thầu bố trí 5 mũi thi công với 2 mũi thi công tường chắn, 1 mũi thi công đường và hạ tầng trên tuyến, 1 mũi ép cọc bê tông cốt thép ở các đốt hầm.
“Hiện tại, mũi thi công tường chắn phía Đầm Hồng đã hoàn thành 2,5/6 đốt. Dự kiến đến ngày 30/5, nhà thầu sẽ hoàn thành 4/6 đốt trên phạm vi đã có mặt bằng. Tại mũi thi công đường, nhà thầu đã đào và lắp đặt được 180m cống D1.500; ép cọc bê tông đã hoàn thành 1 đốt hầm kín, 3 đốt hầm hở. Các đốt hầm này nhà thầu thi công trong 12 tháng và rút ngắn 10 tháng so với biện pháp thi công cũ…”, ông Luân nói.
Công nhân kiểm tra thiết bị điện chuẩn bị việc thi công hầm chui.
Ban Quản lý dự án Đầu tư, xây dựng các công trình giao thông TP Hà Nội thừa nhận, một trong những khó khăn khi thực hiện dự án này so với các hầm chui khác là việc thi công, đào hầm bên dưới nhưng không được phong tỏa mặt bằng bên trên.
Lý do là bởi, bên trên khu vực đào hầm là hệ thống đường sắt chạy tàu Bắc - Nam và ga Giáp Bát vẫn đang hoạt động.
Dự án hầm chui Giải Phóng - Kim Đồng có tổng mức đầu tư là 778 tỷ đồng sử dụng ngân sách TP Hà Nội. Hầm chui có quy mô 4 làn xe, tổng chiều dài hầm và đường dẫn khoảng 890m theo hướng đường Vành đai 2,5. Vị trí xây hầm ở ngã 3 Giải Phóng - Kim Đồng.
Điểm đầu của hầm chui kết nối với dự án đường Vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng - Quốc lộ 1A, cách điểm giao cắt với Quốc lộ 1A khoảng 460m, địa phận quận Hoàng Mai; điểm cuối kết nối với đường Kim Đồng hiện hữu, cách vị trí giao cắt với quốc lộ 1A khoảng 460m. Dự án xây dựng trong 3 năm 2022-2025.
Dự án hầm chui Kim Đồng là công trình giao thông quan trọng trong chương trình phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông Thủ đô văn minh, hiện đại và đã được thành phố xác định là công trình trọng điểm trong Chương trình 03 của thành phố giai đoạn 2021-2025.
Với mục tiêu là khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông giữa đường Vành đai 2,5 với đường Giải Phóng. Cùng đó, từng bước hoàn chỉnh tuyến đường Vành đai 2,5 theo quy hoạch được duyệt, bảo đảm giao thông thuận lợi, thông suốt của đường Vành đai 2,5 qua khu vực ga đường sắt Giáp Bát.
Sau khi hoàn thiện, dự án sẽ là một trong những mối nối trọng yếu của toàn tuyến Vành đai 2,5. Đồng thời, trở thành một thành phần của nút giao phức tạp bậc nhất Hà Nội trong tương lai, khi tại vị trí xung yếu này còn có đường sắt đô thị đi qua.