Ngày 24/9, Báo Tiền Phong tổ chức Hội thảo “Giải pháp nhà ở cho công nhân lao động Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” với sự tham gia của các cơ quan quản lý Nhà nước Trung ương và địa phương, các viện nghiên cứu, chuyên gia và các doanh nghiệp.
Đáp ứng 28% nhu cầu nhà ở
Theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (gồm TP.HCM, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang) đến năm 2020, định hướng năm 2030 sẽ là vùng kinh tế phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững.
Trong khi đó, điều kiện đảm bảo cuộc sống và làm việc cho công nhân lao động tại các khu vực này còn rất nhiều hạn chế. Theo khảo sát của Tổng Liên Đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, phần lớn công nhân lao động trong các KCX, KCN là người ngoại tỉnh.
Tuy nhiên, nhà ở cho công nhân tại khu vực này hiện mới chỉ đáp ứng khoảng 28% nhu cầu thuê, mua. Còn lại, phần lớn công nhân đang phải ở trọ tại các nhà dân với điều kiện sống rất thấp, ảnh hưởng sức khỏe, tác động xấu đến năng suất lao động.
Đây cũng là bức tranh chung của công nhân lao động Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Hội thảo “Giải pháp nhà ở cho công nhân lao động Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam” do báo Tiền Phong tổ chức.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết: “Người có thu nhập cao, người có thu nhập khá và người nước ngoài có khả năng tự giải quyết nhu cầu nhà ở của mình. Nhưng vấn đề lớn nhất và khó khăn nhất của TP.HCM là giải quyết nhu cầu nhà ở cho đông đảo người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị,… để đảm bảo an sinh xã hội và phát triển bền vững”.
Theo ông Châu, hiện nay, có khoảng 476.000 hộ ở TP.HCM chưa có nhà ở hoặc đang sống chung với người thân. Hầu hết các đối tượng này đều có nhu cầu mua nhà ở thương mại vừa túi tiền hoặc thuê, mua nhà ở xã hội trả góp 15 năm, hoặc thuê nhà giá rẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trọng Ninh - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản – Bộ Xây dựng cho biết, tại 3 tỉnh gồm TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương có 40 dự án với gần 9.300 căn hộ đã hoàn thành, 22 dự án với khoảng 28.000 căn hộ đang triển khai. Đồng thời, tại Đồng Nai có 13 dự án với diện tích 64,35ha đang thực hiện thủ tục để chuẩn bị đầu tư.
Tuy nhiên, vấn đề khó khăn lớn nhất hiện nay trong các dự án xây dựng nhà ở xã hội và xây dựng nhà cho công nhân đó là gói tín dụng cho vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng đã kết thúc, nhưng ngân sách Nhà nước chưa bố trí được nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại để cho vay nhà ở xã hội theo quy định.
Hiện nay, ngân sách Nhà nước mới chỉ bố trí được gần 1.200/9.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội.
"Theo đề xuất của Ngân hàng Nhà nước thì giai đoạn 2016 - 2020 cần bố trí khoảng 10.000 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn cho 4 ngân hàng thương mại để thực hiện cho vay ưu đãi theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định 100/2015/NĐ-CP.
Hiện nay, số lượng nhà ở xã hội chỉ đáp ứng được khoảng 28% nhu cầu của người lao động.
Hiện có tới 226 dự án nhà ở xã hội đang triển khai, quy mô xây dựng khoảng 182.200 căn, hầu hết đang bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công. Thậm chí có nhiều chủ đầu tư dự án đang xin chuyển đổi sang làm nhà ở thương mại, số lượng nhà ở xã hội cung ứng ra thị trường thời gian gần đây rất hạn chế.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức đến phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời, hầu hết doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chưa quan tâm, tích cực tham gia đầu tư nhà ở xã hội do vướng mắc về thủ tục; lợi nhuận bị khống chế cũng là nguyên nhân khiến các dự án xây dựng nhà ở cho công nhân gặp nhiều khó khăn", ông Ninh chia sẻ.
Hướng đi cho nhà ở xã hội
Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết, Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam có hệ thống kết cấu hạ tầng khá đồng bộ, tập trung nhiều cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học, trung tâm y tế, nguồn nhân lực dồi dào và có kỹ năng. Do đó, đây là địa bàn có môi trường đầu tư hấp dẫn nổi trội.
Video: Tăng lương, vì sao người lao động vẫn chưa đủ sống?
Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, GDP của vùng chiếm trên 45% GDP cả nước; chiếm 42% tổng thu ngân sách và trên 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong khi đó, dân số chỉ chiếm 21%, diện tích tự nhiên chiếm 9,2% so với cả nước .
Với những đặc điểm đó, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang là nơi thu hút lực lượng lao động đông đảo, làm gia tăng nhanh chóng dân số cơ học của toàn vùng. Từ đó, mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội của vùng cũng đồng thời đặt ra những thách thức lớn đối với vấn đề sở hữu nhà ở cho công nhân và người lao động.
Để hỗ trợ công nhân lao động sở hữu nhà ở trong điều kiện hiện nay tại Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, ông Minh cho rằng, các tỉnh phía Nam cần xây dựng và định hướng chiến lược phát triển nhà ở dài hạn.
Điển hình như TP.HCM ban hành Chương trình phát triển nhà ở với mục tiêu đến năm 2020 hoàn thành 35.000 chỗ ở tập trung cho công nhân do các doanh nghiệp đầu tư xây dựng, ưu tiên bố trí quỹ đất sạch, quy hoạch vị trí phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.
UBND TP.HCM hiện có khoảng 476.000 hộ ở TP.HCM chưa có nhà ở hoặc đang sống chung với người thân.
“Các địa phương cũng cần phát triển đồng bộ quy hoạch nhà ở và các tiện ích công như trường học, bệnh viện, giao thông, siêu thị, giải trí… tạo dựng môi trường thích hợp cho công nhân lao động an cư, nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động, đảm bảo an sinh xã hội”, ông Minh cho biết.
Theo ông Quách Cường – Phó bí thư Đảng ủy Liên hiệp HTX thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), việc xây dựng chính sách hỗ trợ nhà ở cho công nhân lao động, cán bộ nhân viên cần phù hợp với nhu cầu của người lao động và đúng quy định của pháp luật, cũng như tình hình các đơn vị.
Các tiêu chí, điều kiện của việc thực hiện chính sách phải được minh bạch, rõ ràng. Việc tìm kiếm một quỹ đất cho một khu chung cư tập trung khó thực hiện nên việc linh động chuyển qua chính sách hỗ trợ tiền thuê cũng góp phần giải quyết nhu cầu khó khăn của người lao động.
“Nhà nước có chính sách ưu đãi để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư nhà ở cho người lao động…. Cụ thể thuế ưu đãi khuyến khích cho doanh nghiệp, lãi suất ngân hàng, ưu đãi doanh nghiệp vay đầu tư nhà ở”, ông Cường khẳng định.