Một phụ huynh ở Ôn Châu, Trung Quốc gần đây gây chú ý với câu chuyện "nhà ở hàng chục năm thiếu 0,96 m2, con không được học cấp 2". Theo phụ huynh, anh sở hữu căn nhà diện tích 19,04 m2 ở quận Lục Thành, thành phố Ôn Châu. Anh sống tại đây hàng chục năm và ngôi nhà là tài sản do bố anh để lại.
Con trai anh cũng ở đây từ khi sinh ra vào năm 2009. Năm nay, cậu bé lên cấp 2. Theo hộ khẩu, em sẽ theo học trường Trung học Thực nghiệm Đường Quảng trường.
Anh và em trai cũng từng theo học trường cấp 2 này, nên không hiểu sao tới đời con trai, do căn nhà có diện tích nhỏ hơn 20 m2 nên cậu bé không được nhà trường chấp nhận.
Vị phụ huynh bất bình khi con cái không thể nhập học vì nhà chưa đủ 20 m2. (Ảnh: Sohu)
Phòng Giáo dục quận Lục Thành cho biết quy định của địa phương nêu rõ rằng học sinh chỉ được nhập học khi nhà của các em có diện tích trên 20 m2 và sẽ không có bất cứ ngoại lệ nào.
Một số dân mạng bất bình về quy định này, cho rằng nó quá cứng nhắc và làm khó cho nhiều gia đình không có điều kiện.
Tuy nhiên, không ít ý kiến bảo vệ quyết định của Phòng Giáo dục quận Lục Thành.
Nhiều người thắc mắc vì sao quận Lục Thành lại đưa ra quy định này. Họ cho rằng nếu có ngoại lệ cho chênh lệch 0,96 m2, các gia đình thiếu 1m2, 2m2 sẽ khiếu nại.
Thực tế, trường Trung học Thực nghiệm Đường Quảng trường là một trong ba trường cấp 2 trọng điểm của cả thành phố Ôn Châu nên giá nhà xung quanh đây tăng vọt trong nhiều năm qua. Năm ngoái, bức ảnh về căn nhà được môi giới gần các trường trọng điểm ở Ôn Châu lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội Trung Quốc. Căn nhà có phần cũ nát chỉ vỏn vẹn 35 m2 nhưng giá 120.000 NDT (hơn 400 triệu đồng)/m2. Dân mạng Trung Quốc thậm chí còn gọi căn nhà này là "dinh thự".
Theo Sohu, quy định tuyển sinh của quận Lục Thành gắn với diện tích nhà ở là để giảm tình trạng đầu cơ bất động sản. Không ít trường hợp do muốn cho con theo học tại trường điểm mua lại các căn nhà với diện tích nhỏ. Sau khi con nhập học thành công thì bán đi. Dù vậy, vụ "thiếu 0,96 m2" vẫn gây ít tranh cãi.
"Không rõ cách làm này có kìm hãm sự bùng nổ bất động sản tại đây hay không. Nhưng một điều chắc chắn là các gia đình với kinh tế yếu khó có thể tranh giành nguồn giáo dục chất lượng cao cho con mình, kể cả khi họ là người bản địa", một người bình luận.