Hàng tỷ người dùng không thể truy cập Facebook, Instagram và WhatsApp trong nhiều giờ, trong khi gã khổng lồ truyền thông xã hội cố gắng khôi phục các dịch vụ và xin lỗi khách hàng. Facebook đã đưa ra một tuyên bố vào 5/10 xác nhận rằng nguyên nhân của sự cố các nền tảng ngừng hoạt động là do sự thay đổi cấu hình đối với các bộ định tuyến - có vai trò điều phối lưu lượng dữ liệu giữa các trung tâm dữ liệu của công ty.
Điều này khiến không chỉ mạng xã hội Facebook biến mất mà mọi thứ Facebook điều hành cũng biến mất.
(Ảnh minh họa)
Ngoài tuyên bố chính thức từ Facebook, những người khác trong ngành cũng cung cấp thêm thông tin chi tiết về lý do tại sao Facebook bỗng dưng "bốc hơi". Cloudflare - công ty cũng từng gặp sự cố gần đây - cho biết sự việc xảy ra với Facebook liên quan đến hai yếu tố chính của internet - đó là Hệ thống tên miền (DNS) và giao thức định tuyến liên miền BGP (Border Gateway Protocol).
Internet là nơi kết nối rất rất nhiều mạng lưới thông tin. Vì vậy, để giữ trật tự mọi thứ, bạn sẽ cần BGP như một tấm bản đồ chỉ đường để bạn biết cần phải đi đâu. Trong khi đó, DNS về cơ bản là hệ thống địa chỉ cho "vị trí" của mỗi trang web - địa chỉ IP của nó.
Cloudflare cho biết khi sự cố xảy ra, Facebook, thông qua một loạt thao tác cập nhật, về cơ bản đã nói với BGP rằng những đường dẫn đến địa chỉ của mình không tồn tại. Điều tương tự xảy ra với các nền tảng khác do Facebook điều hành.
Các chuyên gia nhận định lỗi nội bộ của nhân viên trong quá trình cập nhật cho máy chủ có thể đã khiến mạng xã hội này gần như "bị xóa khỏi internet" trong 6 giờ. Bản cập nhật dường như cũng làm tê liệt hệ thống nội bộ của Facebook, chạy trên mạng riêng của công ty. Nghĩa là các nhân viên không thể liên lạc với nhau và không dùng được thẻ khóa tại văn phòng trụ sở chính ở California.
Theo Daily Mail, nhân viên Facebook phải chạy đến trung tâm dữ liệu để cài lại (reset) các bộ phận của hệ thống theo cách thủ công. Một nguồn tin còn cho biết công ty gặp khó khăn khi xử lý sự cố vì thiếu kỹ thuật viên trong hoàn cảnh dịch bệnh.
Sự cố ngừng hoạt động của Facebook, cùng với sự cố ngừng hoạt động của Cloudflare vào năm 2020 và sự cố với Fastly vào tháng 6, cho thấy vấn đề ở các hệ thống mà chỉ cần một điểm lỗi cũng ảnh hưởng đến một loạt các dịch vụ trực tuyến mọi người sử dụng.
Mọi người trên thế giới dùng Facebook không chỉ để kết nối với bạn bè và gia đình, mà các doanh nghiệp cũng sử dụng mạng xã hội này để đăng nhập vào các dịch vụ khác, bao gồm các trang web bán hàng trực tuyến. Ở một số quốc gia, việc liên lạc thông qua các dịch vụ như WhatsApp có vai trò lớn. Việc hàng loạt dịch vụ của Facebook ngừng hoạt động có thể có tác động sâu sắc đến hàng tỷ người trong vài giờ như thế nào khiến sẽ khiến nhiều người phải suy nghĩ.
Facebook cũng đang ở trong tình hình không mấy tích cực. Tuần trước, công ty mạng xã hội này đã phải tạm dừng kế hoạch ra mắt Instagram dành cho trẻ em, sau khi nghiên cứu nội bộ rò rỉ cho thấy công ty nhận thức được việc ứng dụng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của các bé gái như thế nào.
Sau đó, cựu quản lý phụ trách về sản phẩm của Facebook, Frances Haugen, đã cáo buộc rằng Facebook ưu tiên tăng trưởng và lợi nhuận hơn sự an toàn của công chúng. “Phiên bản Facebook tồn tại ngày nay đang chia rẽ xã hội của chúng ta và gây ra bạo lực sắc tộc trên toàn thế giới", cô nói với chương trình 60 Minutes.