Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng Việt Nam, một người sau tiêm mũi 3 lại mắc COVID-19 thì có thể cơ thể họ thêm miễn dịch tự nhiên, nhưng nghĩ rằng lượng miễn dịch này tương đương với việc họ được tiêm thêm một mũi vaccine là chưa chính xác.
“Tuy đều mang lại miễn dịch cho cơ thể, nhưng miễn dịch tự nhiên do mắc COVID-19 khác với do vaccine mang lại, đó là chưa kể tới việc một người phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ rủi ro về sức khỏe nếu như mắc COVID-19", ông Phu nói.
Ông cũng lưu ý miễn dịch tự nhiên hay do vaccine sẽ suy giảm sau một thời gian. Nghiên cứu trên thế giới cũng khẳng định điều này. Vì vậy, giới chuyên gia khuyến cáo người dân nên tiêm vaccine nhắc lại sau 4-6 tháng để có được miễn dịch tốt nhất và tăng khả năng phòng chống bệnh tật.
Chuyên gia cho rằng, miễn dịch có được sau khi tiêm vaccine hay mắc COVID-19 đều không bền vững theo thời gian. (Ảnh minh họa: Minh Quyết)
TS.BS Vũ Minh Điền, Phó Giám đốc Trung tâm phòng chống dịch, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, một người mắc COVID-19 tuy có được miễn dịch tự nhiên (hay còn gọi là miễn dịch thụ động) nhưng không bền vững.
"Do đó, không thể nói rằng tiêm 3 mũi vaccine sau đó mắc COVID1-9 sẽ có miễn dịch tương đương như được tiêm thêm mũi 4 được. Không ai đánh giá chính xác được điều này", BS Điền nói.
Tiêm vaccine mũi 3, 4 là cần thiết
Theo TS.BS Vũ Minh Điền, hiện nay các loại vaccine COVID-19 thế giới đang có như Pfizer, Moderna, Astrazeneca, Shinopharm... đều được sản xuất với thời gian ngắn và sử dụng trong trường hợp khẩn cấp để phòng, chống COVID-19. Qua theo dõi và nghiên cứu cho thấy, khả năng bảo vệ của các loại vaccine này đều rất cao, khoảng trên 80%, nhưng hiệu lực bảo vệ sau tiêm lại không bền vững.
Trong khi đó, đặc điểm của SARS-CoV-2 là ngày càng nhiều biến chủng hơn xuất hiện, xu hướng lây lan nhanh hơn chủng cũ. Vì vậy, việc tiêm nhắc lại vaccine COVID-19 như mũi 3 và 4 là rất cần thiết.
Người dân nên đi tiêm vaccine mũi 3 và 4 để có được miễn dịch tốt.
Chung quan điểm, PGS.TS Trần Đắc Phu khẳng định, SARS-CoV-2 là virus liên tục được tiến hóa và khó xác định được tính chất nguy hiểm. Trong khi Omicron hiện nay tuy là biến thể phổ biến nhất trên thế giới nhưng có thể vẫn chưa phải là biến thể cuối cùng, việc xuất hiện biến thể mới là hoàn toàn có khả năng. Miễn dịch có được sau mắc COVID-19 hay sau tiêm vaccine đều không bền vững, do đó việc tiêm nhắc lại vaccine COVID-19 sau từ 4 – 6 tháng là cần thiết.
Vaccine COVID-19 khác với một số vaccine đậu mùa, sởi, bại liệt hay viêm não Nhật Bản B... Nếu như những vaccine này có miễn dịch cao, bền vững, gần như suốt đời, thì vaccine COVID-19 lại khác. Người tiêm vaccine COVID-19 sau một thời gian từ 4-6 tháng, miễn dịch giảm dần, sức chống đỡ trước bệnh tật cũng giảm. Thậm chí người tiêm rồi vẫn có thể mắc COVID-19, đặc biệt là nhóm mắc bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, người già…
Theo các chuyên gia, người đã tiêm vaccine không may mắc COVID-19, bệnh sẽ nhẹ hơn, giảm thấp nhất ca nặng, hạn chế ca tử vong, từ đó giúp hệ thống y tế bị quá tải. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, vaccine COVID-19 vẫn có tác dụng phòng bệnh khi biến chủng Omicron vẫn chiếm ‘ưu thế’ trên thế giới.