Căn nhà cấp bốn đơn sơ, lợp tôn của ông Nguyễn Văn Lực (60 tuổi, tên thường gọi là Năm Lực) nằm lặng lẽ gần bờ biển thôn Tuyết Diêm, xã Xuân Bình, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.
Thấy có người gọi tên, ông Lực vịn tay vào tường, lê từng bước khập khiễng ra hiên nhà.
Ông Lực gầy yếu, từ mặt đến chân chi chít khối u to nhỏ, đôi bàn chân chai sạm khiến chúng tôi hiểu phần nào câu cảm thán “tội nghiệp lắm” của những người dân nơi đây.
Căn nhà cấp bốn của vợ chồng ông Lực và con gái đang ở được dựng nhờ trên đất người quen.
Lấy ghế ngồi trước nhà, ông Lực vẻ mặt đượm buồn kể, 4 tháng tuổi, toàn thân bắt đầu xuất hiện những vết thâm trên da rồi nhanh chóng nổi thành từng cục mụn thịt.
Theo thời gian, những khối u cứ to dần và lan rộng, dày đặc đua nhau trồi lên trên lớp da mỏng, chi chít từ khuôn mặt, bụng, lưng đến các ngón chân, ngón tay. Có cục u to như chiếc bát úp vào người, có cục thì bằng quả ổi, quả trứng, nhỏ hơn nữa thì bằng đầu đũa.
Mang hình hài kỳ dị nên ai gặp ông cũng né tránh vì sợ lây bệnh. Trẻ con gặp đều sợ phát khóc. Suốt những năm tháng tuổi trẻ, ông Lực sống trong tự ti, buồn tủi.
Năm 26 tuổi, qua mai mối, ông được bà Trần Thị Kim Phượng (người cùng xóm) đồng cảm với hoàn cảnh nên đồng ý làm vợ. Gia đình chỉ làm vài mâm cơm báo hỉ, rồi hai người về sống chung với nhau, ở nhờ trên mảnh đất của người quen từ đó đến nay.
Bà Phượng mong có tiền để chữa trị cho chồng và con gái.
Ngày ngày, ông Lực đi làm thuê ở ruộng muối kiếm thu nhập trang trải cuộc sống. Nhờ hai vợ chồng chịu thương chịu khó nên cũng đủ sống qua ngày. Thế nhưng cũng chỉ sau vài năm, những khối u trên cơ thể cứ lớn dần khiến sức khỏe ông Lực ngày càng yếu, không thể tiếp tục đi làm. Từ đó, ông chỉ lủi thủi trong nhà, gánh nặng mưu sinh dồn hết vào người vợ.
“Tôi đi khám bệnh nhiều nơi, bác sĩ nói bị u thần kinh, phải đi mổ mới hết được, nhưng gia đình không có tiền. Đã 40 năm, tôi chưa có được giấc ngủ ngon vì cơn đau luôn hành hạ cơ thể”, ông nói.
Sinh được 2 người con gái, nhưng số phận nghiệt ngã chẳng để yên cho gia đình nhỏ, chị Nguyễn Thị Lan - con gái đầu của ông bà khi vừa lên lớp 6 toàn thân bắt đầu nổi đầy mụn thịt. Ông bà vay mượn đưa con chạy chữa khắp nơi, từ bệnh viện huyện, đến bệnh tỉnh. Tốn bao nhiêu tiền thuốc thang nhưng đến nay, con gái ông đã 34 tuổi mà căn bệnh vẫn chưa buông tha.
Từ nhỏ đến lớn, chị Lan đều mặc quần áo dài, ít khi ra đường vì mặc cảm. Nhìn mẹ vất vả, cha vật vã với những cơn đau, chị Lan mạnh dạn xin vào làm công nhân xưởng gỗ và nhận mức lương 3 triệu/tháng.
Chịu đau đớn vì bệnh tật, hai bố con thường xuyên động viên nhau sống vui vẻ.
Phần ông Lực, những khối u cứ to dần như không có điểm dừng, kèm theo những cơn đau chết đi sống lại. Bác sĩ cảnh báo, nếu không phẫu thuật sẽ nguy hiểm tính mạng. Chi phí để mổ một cục u từ 5-10 triệu đồng, cả gia đình lại lâm cảnh nợ nần chất chồng.
"Mổ cục này thì cục khác lại lớn lên, đau đớn vô cùng, không biết tôi gắng gượng được đến khi nào. Chỉ mong có tiền chữa bệnh cho con gái, để con có được cuộc sống bình thường", ông Lực nói.
Ngồi bên cạnh chồng, bà Phượng chia sẻ, trước đây dành dụm được ít tiền, gia đình đưa con gái và chồng đi bệnh viện tỉnh khám nhưng không xác định được nguyên nhân, bệnh viện đề nghị chuyển tuyến vào TP.HCM. Do không đủ tiền, bà Phượng đành đưa chồng và con gái trở về nhà.
“Lúc quyết định làm vợ ông, tôi bị gia đình phản đối, xóm giềng gièm pha, nhưng đến giờ chưa giây phút nào hối hận với quyết định của mình. Giờ đây, tôi chỉ ước có tiền chữa bệnh cho chồng và con, nhưng xa vời quá”, bà Phượng nghẹn ngào.
Anh Nguyễn Tấn Cường, Trưởng thôn Tuyết Diên cho biết, hộ gia đình ông Nguyễn Văn Lực thuộc hộ nghèo, không có chỗ ở, phải ở nhờ trên đất người khác. Bệnh của ông Lực và con gái ngày càng nặng, các khối u khiến ông đau nhức.
"Trước kia người vợ còn đi làm thì có thu nhập, nhưng hiện nay sức khỏe giảm, không có công ty nào nhận nên cuộc sống rất khó khăn. Mong các nhà hảo tâm giúp đỡ cho gia đình để ông và con gái chữa bệnh" - anh Cường nói.