Pháp luật hiện nay không có quy định hạn chế người không biết chữ thi lấy giấy phép lái xe máy hạng A1. Người thi lấy giấy phép lái xe máy hạng A1 chỉ cần đáp ứng điều kiện được quy định tại Điều 7 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT ngày 15/4/2017 về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ bao gồm:
Là công dân Việt Nam, người nước ngoài được phép cư trú hoặc đang làm việc, học tập tại Việt Nam, đủ tuổi (tính đến ngày dự sát hạch lái xe), sức khỏe, trình độ văn hóa theo quy định là được thi lấy giấy phép lái xe máy hạng A1.
Tuy nhiên, để được cấp giấy phép lái xe, người dân phải tham gia đào tạo lái xe và vượt qua kỳ thi sát hạch. Nội dung sát hạch cấp giấy phép lái xe bao gồm cả lý thuyết và thực hành.
Sát hạch lý thuyết gồm trả lời các câu hỏi liên quan đến quy định của pháp luật giao thông đường bộ, kỹ thuật lái xe và nội dung liên quan đến cấu tạo và sửa chữa thông thường.
Đối với các trường hợp không phải đồng bào dân tộc thiểu số mà không biết chữ sẽ không được thi lấy bằng lái.
Như vậy, đối với những người không biết chữ thì rất khó có thể học lý thuyết để vượt qua cuộc thi sát hạch. Do đó, nếu không thể tham gia sát hạch để được cấp giấy phép lái xe, người không biết chữ nên sử dụng xe dưới 50 phân khối, là loại xe người lái không cần có giấy phép lái xe.
Hiện nay mới có quy định về việc cấp bằng lái xe cho người dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt được quy định tại Điều 43, 44 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT. Theo đó, việc đào tạo lái xe và sát hạch lái xe đối với người dân tộc thiểu số được quy định cụ thể như sau:
Đào tạo lái xe môtô hạng A1 đối với đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ văn hóa quá thấp: Sở Giao thông Vận tải xây dựng, trình UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành hình thức đào tạo phù hợp điều kiện thực tế của địa phương.
Sát hạch để cấp giấy phép lái xe mô tô hạng A1 cho người khuyết tật, đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ văn hóa quá thấp do Sở Giao thông Vận tải căn cứ nội dung và quy trình sát hạch đã được ban hành xây dựng nội dung và phương án tổ chức sát hạch phù hợp, trình UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định.
Như vậy, đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt vẫn có thể được thi bằng lái xe theo quy trình phù hợp do Sở giao thông vận tải trình Ủy ban nhân dân cấp quyết định.
Đối với các trường hợp không phải đồng bào dân tộc thiểu số mà không biết chữ sẽ không được thi lấy bằng lái.