Theo khoản 1 Điều 64 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bởi khoản 32 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định cảnh sát giao thông sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm giao thông.
Tại Danh mục I ban hành kèm theo Nghị định 135/2021/NĐ-CP, phương tiện đo nồng độ cồn trong hơi thở (hay còn được gọi là máy đo nồng độ cồn) là một trong những phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Đồng thời, theo điểm a khoản 2 Điều 16 Nghị định 135/2021/NĐ-CP thì người dân vẫn có thể cung cấp dữ liệu từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do mình thu được cho cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền xử phạt.
Lực lượng Cảnh sát Giao thông Công an TP Đà Nẵng đo nồng độ còn người điều khiển phương tiện.
Do đó, người điều khiển phương tiện vẫn có thể tự mua máy đo nồng độ cồn để đối chiếu kết quả với cảnh sát giao thông.
Tuy nhiên, dữ liệu phải đáp ứng được các yêu cầu theo quy định tại Điều 17 Nghị định 135/2021/NĐ-CP thì mới được sử dụng làm căn cứ xác minh, phát hiện vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính, cụ thể:
- Sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống ma túy, phòng, chống tác hại của rượu, bia và lĩnh vực khác do Chính phủ quy định;
- Không xâm phạm quyền tự do, danh dự, nhân phẩm, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân và tổ chức theo quy định của pháp luật;
- Phản ánh khách quan, chính xác, trung thực về hành vi vi phạm, thời gian, địa điểm xảy ra vi phạm;
- Còn trong thời hạn sử dụng (tính từ thời điểm phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ ghi nhận được kết quả cho đến hết ngày cuối cùng của thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính).
Như vậy, người điều khiển phương tiện vẫn có thể tự mua máy đo nồng độ cồn để đối chiếu với kết quả của cảnh sát giao thông nhưng lưu ý là dữ liệu người dân cung cấp phải đáp ứng được các yêu cầu đã được nêu trên.