
Tối 29/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thứ nhất Ban chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cho biết, Quốc hội đã thông qua 3 dự án quan trọng về đường sắt. Đó là dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; và thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù, đặc biệt đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội và TP.HCM.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thứ nhất Ban chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt.
Đối với dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đến nay, các cơ quan chuẩn bị dự án và tư vấn đã xây dựng tiến độ, dự kiến khởi công vào năm 2027. Bộ trưởng Trần Hồng Minh cho biết, quá trình làm việc với tư vấn quốc tế, đánh giá thời gian lập báo cáo nghiên cứu khả thi cần từ 30 đến 48 tháng.
Do đó, việc rút ngắn tiến độ để khởi công dự án vào tháng 12/2026 gặp rất nhiều khó khăn và tiềm ẩn rủi ro khó thực hiện theo kế hoạch.
"Kiến nghị Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung cơ chế về chỉ định thầu, kể cả tư vấn cho đến sau này các nội dung thi công, mua sắm. Thủ tướng cho phép khởi công xây dựng vào cuối năm 2027, theo như dự thảo Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ.
Trường hợp phải khởi công 12/2026, Bộ Xây dựng sẽ cố gắng triển khai các thủ tục để khởi công, tạo đà một số đoạn như Hà Nội - Vinh... làm cơ sở để cuối năm 2027 khởi công trên toàn tuyến".
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, hệ thống đường sắt là huyết mạch giao thông, có vai trò then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội, kết nối vùng miền và thúc đẩy hội nhập quốc tế, do đó quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, khởi công dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Thủ tướng đề nghị tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ, tập trung công tác giải phóng mặt bằng.
"Chúng ta cùng đồng thời làm, phải tổng tiến công mới thắng lợi được; phải làm rất khẩn trương. Các công trình trước đây làm mười mấy năm mới ra được tuyến đường sắt thì không phát triển được. Yêu cầu phát triển đột phá, quyết tâm khởi công đường sắt dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam vào 12/2026", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Đối với dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Thủ tướng cho rằng đây là tuyến đường sắt cao tốc đường dài đầu tiên kết nối với Trung Quốc, do đó cần phải phối hợp với Trung Quốc đảm bảo lợi ích hài hòa giữa 2 nước.
Dự kiến khởi công tuyến đường sắt này vào 12/2025. Thủ tướng đề nghị tính toán rõ việc vay vốn ưu đãi, phát hành trái phiếu... để thực hiện tuyến đường sắt, tạo không gian phát triển.
Đối với tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn và Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái, Thủ tướng đề nghị tập trung ưu tiên 2 đoạn kết nối từ Lạng Sơn - Hà Nội và Móng Cái - Hải Phòng để khai thác tiềm năng, phát triển du lịch.
Thủ tướng đề nghị tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ, tập trung công tác giải phóng mặt bằng, theo đó, các địa phương cần ưu tiên bố trí nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng, chủ đầu tư để hoàn thành theo đúng kế hoạch, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân.
Huy động vốn đầu tư: Rà soát cơ chế tài chính, đa dạng hóa nguồn vốn (ngân sách, ODA, PPP), đồng thời quản lý chặt chẽ để tránh thất thoát, lãng phí.
Thủ tướng đặc biệt lưu ý lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Các dự án phải hướng tới mục tiêu phục vụ nhân dân, nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm ùn tắc, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Cần lắng nghe ý kiến cộng đồng, doanh nghiệp để điều chỉnh phương án phù hợp.
Với các dự án đường sắt đô thị Hà Nội và TP.HCM, Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội, TP.HCM báo cáo tình hình triển khai các Dự án đường sắt đô thị tại địa phương cho Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo để cập nhật báo cáo chung.
Bộ Tài chính hoàn thiện thủ tục, báo cáo Thủ tướng xem xét, phê duyệt đề xuất của dự án Tuyến số 3, đoạn ga Hà Nội - Yên Sở (Hoàng Mai). Bộ Tài chính sớm có ý kiến về việc dừng sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài đối với dự án và điều chỉnh nguồn vốn cho dự án đường sắt đô thị TP.HCM, tuyến số 2 đoạn Bến Thành - Tham Lương.