Theo thông báo trên fanpage, cửa hàng Starbucks Reserve Hàn Thuyên, điểm bán cà phê đặc sản duy nhất tại TP.HCM của thương hiệu này, đóng cửa từ hôm qua 26/8, sau 7 năm hoạt động. Tối 25/8, rất nhiều khách quen, khách chưa quen của điểm bán này cùng kéo đến uống ly cà phê chia tay...
Starbucks Việt Nam đóng cửa hàng cao cấp thuê nhiều tỷ đồng mỗi năm ở TP.HCM.
Mặt bằng Starbucks Hàn Thuyên giá bao nhiêu?
Starbucks Hàn Thuyên hoạt động từ năm 2017. Đây là không chỉ là mô hình duy nhất phục vụ tại bàn những món cà phê đặc sản cao cấp, mang đến trải nghiệm khác biệt tại TP.HCM, mà còn là nơi sở hữu vị trí đắc địa ngay trung tâm Quận 1, với view hướng ra công viên 30/4, sát bên vách Nhà thờ Đức Bà, Dinh Thống Nhất, đường sách.
Mặt bằng 11-13 Hàn Thuyên mà Starbucks gắn bó 7 năm và buộc phải chia tay có giá bán khoảng 600 tỷ đồng, giá cho thuê vừa được điều chỉnh lên 3.000 USD/tháng. (Ảnh: TL)
Ngoài khách gọi món được phục vụ tại bàn, ở cửa hàng Reserve Hàn Thuyên, nhân viên đa số mang tạp dề màu đen được gọi là “Coffee Master" - chuyên gia cà phê theo chương trình đào tạo nội bộ. Tại các cửa hàng khác, đa số nhân viên đeo tạp dề màu xanh lá - những Barista tiêu chuẩn.
Việc ông lớn cà phê đến từ Mỹ này quyết định đóng Starbucks Hàn Thuyên khiến nhiều người bất ngờ, nhiều khách hàng gắn bó 7 năm qua với điểm bán này tỏ ra tiếc nuối. Trong thông báo đóng cửa, Starbucks nói rằng sau khi cân nhắc kỹ lưỡng nhiều yếu tố, cửa hàng Starbucks Reserve Hàn Thuyên rất tiếc phải dừng hoạt động từ ngày 26/8, nhưng hứa hẹn mô hình này sẽ sớm trở lại ở một vị trí khác.
Vĩnh Thông - khách ruột của quán này, cho biết mấy năm qua tại Sài Gòn, trừ lúc hội họp, anh dành thời gian nhiều nhất tại nhà, cơ quan và Reserve Hàn Thuyên. Cửa hàng đóng, anh Thông khá tiếc nuối.
“Không nhớ cơ duyên với quán chính xác khi nào, nhưng quán có những thứ mình cần là vị trí trung tâm, gần công ty, không gian phù hợp để làm việc lẫn tiếp khách, chứ không phải chọn vì cho rằng nó cao cấp”, anh Thông chia sẻ.
Ngay sau khi thông báo này phát ra, trên các diễn đàn, các hội nhóm môi giới bất động sản bàn luận sôi nổi thông tin Starbucks không thống nhất được mức giá thuê mặt bằng với chủ sở hữu.
Mặt bằng 11-13 Hàn Thuyên này có tổng diện tích diện tích 212,5m2, gồm 1 trệt 2 lầu, với mặt tiền dài 8,5m ngay lập tức được rao cho thuê với giá 757 triệu đồng/tháng, tương đương gần 9 tỷ đồng/năm.
Khách thuê sẽ được miễn phí 1 tháng tiền thuê nhà để sửa chữa, và có thể nhận mặt bằng từ tháng 9 tới. Khách thuê đặt cọc 3 hoặc 6 tháng tùy vào thời gian ký hợp đồng thuê 5 hay 10 năm.
Khác biệt tại cửa hàng Reserve Hàn Thuyên là khách gọi món và được phục vụ tại bàn, nhân viên đa số mang tạp dề màu đen, được gọi là “Coffee Master". (Ảnh: Starbucks)
Các thông tin cũng chia sẻ cửa hàng Reserve Hàn Thuyên được Starbucks Việt Nam thuê với giá ban đầu 21.000 USD/tháng (tương đương hơn 520 triệu đồng/tháng). Khi tái ký hợp đồng mới nhất, chủ nhà muốn tăng giá thuê lên 30.000 USD/tháng. Khi hai bên không thương lượng được mức giá mới, chuỗi quyết định rời đi.
Không chỉ việc tăng giá thuê mặt bằng, mà nhiều thông tin từ nhân viên Starbucks chia sẻ tòa nhà cổ này cần phải nâng cấp nếu chi nhánh muốn phục vụ lâu dài. Việc sửa chữa, nâng cấp tòa nhà chi phí bỏ ra cũng không hề nhỏ.
Nhiều cửa hàng Starbucks ở Quận 1 đã đóng cửa
Thực tế, Reserve Hàn Thuyên không phải là cửa hàng đầu tiên Starbucks đóng trong hành trình 11 năm có mặt tại TP.HCM. Khá nhiều điểm bán đắc địa tại trung tâm Quận 1 được chuỗi mở ngay khi vào Việt Nam hiện đã không còn tồn tại.
Năm 2021, các tín đồ của thương hiệu cà phê sang chảnh này từng bùi ngùi chia tay cửa hàng Starbucks nằm trong khách sạn Rex. Đây là cửa hàng thứ 3 thương chuỗi này mở khi vào Việt Nam, và là cửa hàng rất đắc địa khi nằm trong khách sạn 5 sao hơn 100 tuổi nổi tiếng bậc nhất TP.HCM, ở góc đường Lê Thánh Tôn và Pasteur, Quận 1.
Khá nhiều điểm bán ở vị trí "vàng" trung tâm TP.HCM thời kỳ đầu của chuỗi cà phê Mỹ đã dừng hoạt động như Rex, Đông Du... (Ảnh: TL)
Đại diện Starbucks khi đó tiết lộ nguyên nhân phải đóng cửa là do chi nhánh không mang lại hiệu quả rõ rệt, trong đó có nguyên nhân do COVID-19.
“Trong kinh doanh chuỗi F&B, đóng hay mở cửa hàng nào đó là điều hết sức bình thường và không có gì to tát", CEO Patricia Marques của Starbucks Việt Nam khi đó nói với truyền thông.
Trước đó, cửa hàng Starbucks tại tòa nhà President Place (góc Nguyễn Du - Nam Kỳ Khởi Nghĩa), Quận 1 cũng lặng lẽ dừng hoạt động. Đây là cửa hàng thứ 2 Starbucks mở sau cửa hàng đầu tiên tại New World, Quận 1. Thời điểm cửa hàng này mở bán năm 2013, hàng dài khách xếp hàng đợi mua ly nước có giá rẻ nhất cũng trên 50.000 đồng. Và Trung Nguyên Legend sau đó đã nhanh chóng thay thế tại vị trí này.
Một điểm bán khác cũng từng gây tiếc nuối khi tuyên bố đóng cửa tháng 11/2023 là Starbucks tại số 38 Đông Du, Quận 1. Cửa hàng này khai trương tháng 3/2014, và là cơ sở thứ 4 của Starbucks được mở sau khoảng 1 năm thương hiệu đặt chân vào TP.HCM. Trước đó, Starbucks Đề Thám, Quận 1 cũng từng lặng lẽ đóng cửa khiến nhiều người bất ngờ.
Sau thời gian "đốt tiền" làm thương hiệu ở vị trí đắc địa, các điểm bán của chuỗi cà phê Mỹ vẫn đẩy mạnh trải nghiệm cho khách hàng nhưng tập trung vào khách nội địa, bằng sự hiện diện tại các tòa nhà chung cư, trung tâm mua sắm. (Ảnh: TL)
Chuỗi cà phê Mỹ mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam tháng 2/2013, là cửa hàng tại New World nhìn ra vị trí "vàng" Ngã 6 Phù Đổng. Chiến lược ban đầu của Starbucks Việt Nam là mở quán tại những nơi có vị trí đắc địa, chú trọng đem lại không gian trải nghiệm cho khách hàng.
Nhưng có lẽ sau những năm đầu “đốt tiền" làm thương hiệu tại các vị trí đắc địa, chuỗi đã có chỗ đứng trong lòng khách nội địa và tập trung phân khúc này.
Dễ nhận thấy danh sách cửa hàng Starbucks tại TP.HCM hiện nay đa phần đặt tại các trung tâm thương mại, các tòa nhà văn phòng, chung cư hạng sang để phục vụ khách hàng tại chỗ chứ không hướng đến đối tượng khách du lịch như ban đầu. Số điểm bán nhiều nhất đang tập trung tại Quận 1, Quận 7, TP Thủ Đức... nơi có sự hiện diện của các điểm mua sắm lớn như Vincom Đồng Khởi, Landmark 81, Emart, Panorama, Lotte Nam Sài Gòn…
Nếu tính cả Starbucks Reserve Hàn Thuyên, thương hiệu cà phê Mỹ đang có 115 cửa hàng tại Việt Nam sau 11 năm gia nhập thị trường. Là điểm đến đầu tiên, số cửa hàng Starbucks tại TP.HCM cũng nhiều nhất, hiện chiếm khoảng hơn 30% tổng số điểm bán.
Hiện nay, không chỉ bán tại cửa hàng, Starbucks đang đẩy mạnh bán online trên nền tảng giao hàng trực tuyến như ShopeeFood, Grab.... Đáng chú ý, thương hiệu này còn mở gian hàng trực tuyến trên sàn thương mại điện tử, trên fanpage và bán mạnh các sản phẩm đi kèm như ly, bình đựng nước, túi vải; gần đây còn rất nhiều chương trình săn sale giảm giá sốc bình nước 50%, mua 1 tặng 1, mua ly nước tặng túi xách…
Năm 2023, Starbucks Việt Nam công bố CEO mới là ông Hồ Mai Hồ thay bà Patricia Marques - người đã gắn bó suốt 10 năm, từ những ngày đầu chuỗi cà phê này đến Việt Nam. Ông Hồ Mai Hồ cũng là CEO người Việt đầu tiên của Starbucks.