Báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực của iPos.vn cho thấy đến tháng 7/2024, cả nước có khoảng 304.700 cửa hàng kinh doanh ngành hàng ăn uống, giảm gần 4% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 30.000 cửa hàng đã đóng cửa trong nửa năm. Số cửa hàng F&B chia tay thị trường phần lớn ở TP.HCM.
Theo ông Vũ Thanh Hùng, CEO iPos.vn, nửa đầu năm 2024, doanh nghiệp kinh doanh ngành hàng ẩm thực khu vực TP.HCM chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Số lượng cửa hàng đóng cửa chiếm gần 6% tổng số cửa hàng toàn thành phố. Ngược lại, khu vực Hà Nội, số cửa hàng F&B lại tăng nhẹ khoảng 0,1%.
30.000 cửa hàng F&B đã đóng cửa trong nửa đầu năm nay tập trung nhiều ở TP.HCM. (Ảnh: H. Linh)
"Thời điểm này được coi là cuộc đại thanh lọc. Số lượng cửa hàng chỉ tồn tại dưới 3 tháng hoạt động đang diễn ra nhiều hơn tại các thành phố lớn", ông Hùng cho biết.
Doanh thu của các doanh nghiệp ngành này cũng có sự biến động mạnh. Hầu hết doanh nghiệp báo cáo giảm doanh thu, đặc biệt giảm mạnh trong quý 2. Tính tới tháng 7, đã có tới hơn 44,1% chủ doanh nghiệp thừa nhận mức doanh thu giảm. Nhiều đơn vị chia sẻ, đã không đạt được mức thu nhập kỳ vọng trong nửa năm vừa qua, và vẫn chìm trong xu hướng giảm doanh thu trong các tháng kế tiếp.
Cùng với doanh thu giảm, hầu hết doanh nghiệp cho biết không có ý định hoặc dè dặt mở rộng kinh doanh trong 6 tháng cuối năm. Theo khảo sát, có 61,2% doanh nghiệp cho biết chỉ cố gắng duy trì quy mô kinh doanh như hiện tại, chỉ có 34,4% dự kiến mở rộng thêm cơ sở mới. Trong khi đó, con số doanh nghiệp mong muốn mở rộng kinh doanh trong nửa năm 2023 lên đến 51,7%.
Tương ứng với doanh thu giảm và số cửa hàng dừng hoạt động lớn là mức chi cho việc uống cà phê của người tiêu dùng cũng giảm mạnh, đặc biệt với phân khúc cao cấp. Tỷ lệ người chi tiêu trên 100.000 đồng/ly cà phê đã giảm từ 6% năm trước xuống chỉ còn 1,7%. Người tiêu dùng phổ biến chi cho cà phê chủ yếu từ 41.000 -71.000 đồng/ly.
Mức chi tiêu lớn cho một lần đi cà phê đang giảm xuống, trong đó chi cho ly cà phê từ 100.000 đồng giảm mạnh. (Ảnh: TL)
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là doanh thu lại khá khả quan. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, tổng giá trị doanh thu toàn ngành gây bất ngờ với mốc 403,9 nghìn tỷ đồng, đạt 68,46% doanh thu của cả năm 2023.
Trong khó khăn các doanh nghiệp F&B Việt Nam rất linh hoạt xoay sở, điều chỉnh hoạt động, tối ưu hóa dòng tiền khi kinh doanh gặp khó. Cùng với đó là sáng tạo không ngừng trong việc phát triển các sản phẩm ẩm thực mới lạ, triển khai nhiều chương trình khuyến mãi thu hút khách hàng.
Cũng theo báo cáo này, Việt Nam đang có khoảng 2,89 triệu lao động trong ngành F&B, với 81,3% nhân sự làm việc bán thời gian. Mặc dù đóng góp nhiều cơ hội cho thị trường lao động, ngành kinh doanh ẩm thực vẫn chưa quá thu hút nhân sự định hướng làm việc lâu dài.