Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Ngăn ngừa cơn hen suyễn bằng cách nào?

(VTC News) -

Hen suyễn thường xảy ra theo các cơn hen cấp tính, có thể gây ra nhiều biến chứng nếu không được xử trí kịp thời.

Bác sĩ Vũ Thanh Tuấn, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho hay, hen suyễn là tình trạng bệnh nhân bị viêm đường hô hấp do phản ứng quá mức của niêm mạc đường thở với các tác nhân gây dị ứng. Bệnh tiến triển mạn tính và cho đến nay vẫn chưa có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn.

Những người mắc bệnh hen suyễn thường gặp khó khăn trong việc hô hấp. Tình trạng viêm mạn tính đường thở sẽ làm tăng độ nhạy của phế quản, cơ trơn phế quản sẽ thường xuyên bị co thắt liên tục, từ đó gia tăng sự tiết dịch nhầy gây bít tắc đường thở. 

Bệnh nhân bị hen suyễn thường gặp khó khăn trong vấn đề hô hấp. (Ảnh minh họa)

Hen suyễn được phân loại thành 2 nhóm như sau:

  • Hen nội sinh: Cơn hen xuất hiện khi đường hô hấp bị nhiễm khuẩn, do bệnh nhân tự bộc phát bệnh hen và không liên quan đến yếu tố di truyền hoặc bệnh lý nền nào khác.
  • Hen ngoại sinh: Là cơn hen xảy ra do bệnh nhân tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng, gặp nhiều ở trẻ em, người trẻ tuổi, trong nhà có người thân cũng bị hen suyễn hoặc bản thân có tiền sử mắc bệnh dị ứng.

Bác sĩ Vũ Thanh Tuấn cho biết thêm, bệnh nhân hen suyễn phải duy trì dùng thuốc để kiểm soát bệnh và phòng ngừa nguy cơ bệnh tiến triển nặng hoặc gặp phải các biến chứng nghiêm trọng. 

Ở trẻ em mắc bệnh hen suyễn, khả năng đáp ứng thuốc và tiên lượng bệnh thường sẽ tốt hơn nhưng bất cứ khi nào cũng có thể tái phát nếu hệ miễn dịch suy giảm và tiếp xúc với các dị nguyên.

Nguy hiểm nhất là khi trẻ tiếp xúc với các tác nhân gây kích thích sẽ làm xuất hiện những cơn hen cấp tính. Khi đó niêm mạc đường thở bị kích thích quá mức, gây sưng viêm, co thắt ống phế quản và tiết ra quá nhiều dịch nhầy làm thu hẹp đường thở.

Từ đó bệnh nhân sẽ gặp phải triệu chứng thở gấp, thở khó, kèm theo các cơn đau tức ngực và bị gián đoạn quá trình cung cấp oxy cho cơ thể.

Nặng hơn bệnh nhân còn có thể bị lịm đi, hôn mê bất tỉnh. Nếu không được can thiệp y tế thông đường thở, nguy cơ bệnh nhân tử vong là rất cao.

Để phòng tránh các cơn hen suyễn, bác sĩ Tuấn khuyên người bệnh nên tránh xa các chất dễ gây kích thích như:

- Bụi bẩn, nấm mốc, khói thuốc, phấn hoa hay lông động vật...

- Không ăn uống những loại thức ăn đã từng khiến bạn dị ứng.

- Nghỉ ngơi hợp lý, nhất là khi cơ thể của bạn mệt mỏi, không nên làm việc gắng sức.

- Tránh những cảm xúc xúc động, hồi hộp quá mức.

- Chú ý che chắn cẩn thận để bảo vệ đường thở mỗi khi ra ngoài hoặc phải ở trong môi trường khói bụi, nhiều hóa chất. Lúc này khẩu trang nhiều lớp sẽ có tác dụng ngăn cản sự xâm nhập của bụi bẩn và vi khuẩn, tránh việc những tác nhân này gây nhiễm trùng  đường thở. Bên cạnh đó bệnh nhân nên hạn chế đi đến những nơi đông người, có hóa chất, khói thuốc độc hại.

- Giữ ấm đường thở khi mùa lạnh tới: Cơ địa của bệnh nhân bị hen suyễn vốn rất nhạy cảm hơn so với người bình thường.  Do đó nếu tiếp xúc phải gió, không khí lạnh sẽ làm gia tăng kích ứng lên niêm mạc đường thờ, gây cảm lạnh, và kích thích các đợt hen suyễn cấp tính. Do đó trước khi đi ra ngoài, đặc biệt là trong mùa gió lạnh hãy luôn chuẩn bị khăn mũ, áo khoác ấm, hoặc không ngồi dưới điều hòa quá lạnh hay những nơi có quạt phả thẳng trực tiếp vào người.

- Bổ sung nước đầy đủ cho cơ thể.

- Không uống rượu bia và đồ có cồn: Cồn chứa trong bia rượu sẽ sinh nhiệt và dễ gây ảnh hưởng đến niêm mạc đường hô hấp, càng khiến tình trạng hen suyễn trở nên nghiêm trọng hơn.

- Luôn đem theo thuốc trị hen suyễn và sẵn sàng xử lý nếu xảy ra những cơn hen suyễn cấp tính, bất chợt. Cụ thể là nếu bắt đầu xuất hiện tình trạng khó thở, đau ngực, người bệnh nên ngừng làm việc, hãy ngồi xuống nghỉ ngơi. Không được nằm vì tư thế này sẽ càng khiến chất dịch tích tụ lại che lấp đường thở. Thuốc bơm hoặc thuốc uống hạ cơn hen luôn phải được mang theo bên người để kịp thời đưa ra sử dụng khi cần thiết.

Bác sĩ Tuấn cũng lưu ý, khi cơn hen suyễn ập đến, bệnh nhân cần được dùng thuốc đúng cách và nếu tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn thì phải được can thiệp y tế kịp thời, làm giãn đường thở, vì nếu chậm trễ thì nguy cơ biến chứng và tử vong càng lớn.

Thanh Hải

Tin mới