Nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Lancet Planetary Health mới đây là đánh giá toàn cầu đầu tiên về tác động của khói xe với bệnh hen suyễn ở trẻ em. Theo đó, đa số các ca mắc bệnh mới xảy ra ở những nơi có mức độ ô nhiễm dưới giới hạn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho thấy không khí độc hại thậm chí còn độc hại hơn chúng ta tưởng.
Nghiên cứu cho thấy mỗi năm toàn cầu có 4 triệu ca mắc bệnh hen suyễn mới ở trẻ em, tương đương 11.000 ca mỗi ngày. Sức khỏe trẻ em bị ảnh hưởng không chỉ giới hạn ở Trung Quốc và Ấn Độ, nơi mức độ ô nhiễm cực kỳ cao.
Một em bé chữa bệnh hô hấp tại bệnh viện ở Bắc Kinh. (Ảnh: Reuters)
Tại các thành phố của Anh và Australia, các nhà nghiên cứu cho hay ô nhiễm giao thông là nguyên nhân của ¾ trong số các trường hợp mới mắc bệnh hen suyễn ở trẻ em.
Canada có tỷ lệ mắc hen suyễn vì ô nhiễm giao thông cao thứ ba trong số 194 quốc gia được phân tích, trong khi Los Angeles và New York thuộc tốp 10 thành phố có ảnh hưởng tồi tệ nhất trong số 125 thành phố được đánh giá. Trẻ em cực kỳ dễ bị tổn thương bởi không khí độc hại và phơi nhiễm cũng khiến phổi kém phát triển.
“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy hàng triệu ca mắc bệnh hen suyễn mới ở trẻ em có thể ngăn chặn bằng cách giảm ô nhiễm không khí”, Giáo sư Susan Anenberg, Đại học George Washington, Mỹ, cho hay. Hen suyễn có thể gây co giật chết người.
Chất gây ô nhiễm chính là nitơ dioxit sản sinh chủ yếu bởi các phương tiện chạy dầu diesel, mà nhiều phương tiện phát thải chất này nhiều hơn mức cho phép khi lưu thông trên đường.
“Cải thiện khả năng tiếp cận các phương thức giao thông sạch hơn, như xe điện công cộng, xe đạp và đi bộ, sẽ giảm hen suyễn, tăng cường thể lực và cắt giảm khí thải nhà kính”, Anenberg nói.
Giáo sư Chris Griffiths, Đại học Queen Marry, London là đồng giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng Astha UK, đánh giá nghiên cứu này mang tính bước ngoặt, cho thấy “gánh nặng hen suyễn toàn cầu ở trẻ em do ô nhiễm giao thông”.
“Hen suyễn chỉ là một trong nhiều tác động bất lợi của ô nhiễm lên sức khỏe trẻ em. Chính phủ các nước cần hành động lập tức để bảo vệ trẻ em”, Griffiths cảnh báo.