Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Nam sinh tát cô giáo: Bảo vệ học sinh bị bạo lực, còn giáo viên thì sao?

(VTC News) -

Chúng ta đang có cơ chế rất tốt để bảo vệ học sinh khỏi bị bạo lực học đường nhưng đội ngũ giáo viên lại không được bảo vệ, một chuyên gia nhận định.

Về vụ việc nam sinh lên thẳng bục giảng tát giáo viên xảy ra ở Hà Nội, chị Tô Thụy Diễm Quyên, chuyên gia giáo dục toàn cầu của Microsoft cho rằng, phải xử lý nghiêm học sinh để răn đe. Và vấn đề đặt ra là với những giáo viên trong trường học gặp trường hợp như vậy, thì cơ chế nào để bảo vệ họ.

Chúng ta đang có cơ chế rất tốt để bảo vệ học sinh khỏi bị bạo lực học đường nhưng đội ngũ giáo viên lại không được bảo vệ. Thời gian qua, báo chí phản ánh nhiều trường hợp giáo viên bị bạo hành ngay trên lớp. Có giáo viên bị phụ huynh đánh, mắng chửi. Có người thậm chí bị bắt quỳ xin lỗi. Nay lại đến chuyện học sinh tát giáo viên trước lớp.

Trong quan niệm của người Á Đông, người thầy có vị trí vô cùng quan trọng được ví như cha, mẹ thứ hai của học sinh. Phải nhìn nhận vấn đề mang tính xã hội hiện nay đó là vị thế của người giáo viên đang bị hạ thấp. Cậu học sinh kia dù có nóng giận thế nào thì cùng lắm chỉ lên giằng lấy điện thoại, nhưng lại tát cả giáo viên. Điều này chỉ ra rằng bản thân cậu ta không sợ và không coi giáo viên ra gì, thậm chí là coi như người có thể bắt nạt được.

Nam sinh tát thẳng mặt giáo viên (Ảnh cắt từ clip)

Cũng theo chị Quyên, xã hội đang có suy nghĩ lệch lạc rằng nghề giáo chỉ là nghề bình thường, giáo viên chỉ là người bán chữ. Suy nghĩ đó hết sức sai lầm vì đâu phải người giáo viên nào cũng đi làm vì đồng lương. Nhiều thầy cô sau khi nghỉ hưu mở lớp dạy tình thương miễn phí cho học sinh. Họ đi dạy vì trách nhiệm xã hội, vì tình thương. 

“Phải xử lý nghiêm nam sinh này để răn đe các em khác, nhưng quan trọng chúng ta phải bàn đến câu chuyện làm thế nào để bảo vệ giáo viên khi bị bạo hành. Câu chuyện này tương tự việc bác sĩ bị người nhà bệnh nhân tấn công. Nếu chúng ta không bảo vệ được giáo viên xã hội sẽ không xem trọng nghề này. Vậy danh xưng nghề cao quý có còn đúng hay không?”, cô Tô Thụy Diễm Quyên nói.

Xem clip nam sinh tát giáo viên, cô giáo Nguyễn Thị Hoài (Hà Nội) sững sờ bởi công tác trong ngành giáo dục hơn 20 năm, đây là lần đầu tiên cô chứng kiến cảnh tượng như vậy. “Nam sinh này phải bị kỷ luật thích đáng. Tôi rất đau lòng khi xem đoạn clip này và cảm thấy như chính mình đang bị tát. Tôi thương đồng nghiệp chỉ biết đứng nhìn bất lực. Cái tát đó là cái tát vào truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt Nam”, cô Hoài bày tỏ.

Bà giáo Hồ Hương Nam (91 tuổi, Hà Nội) nói chưa bao giờ thấy chuyện học sinh tát giáo viên trước lớp như vậy. Bà giật mình trước hành vi của cậu thiếu niên khi người cháu đưa cho bà xem đoạn clip. Dù không phải là người trong cuộc nhưng trái tim bà nhói đau như chính bản thân mình bị tát vậy. 

“Cuộc đời đi dạy gần 45 năm trong đó 23 năm dạy tiểu học, 20 năm mở lớp tình thương nhưng chưa bao giờ tôi chứng kiến cảnh học sinh tát giáo viên. Đây là chuyện chưa từng có và không cho phép xảy ra. Dưới góc độ là giáo viên tôi chắc chắn nhiều đồng nghiệp cũng cảm thấy tổn thương khi xem clip này”, bà nói.

Hành vi của nam sinh đang bị lên án dữ dội. (Ảnh cắt từ clip)

Clip ghi lại hình ảnh nam sinh xông lên bục giảng tát giáo viên được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội những ngày qua. Trong clip, nam sinh không ngại văng tục, sau đó lên bục giảng tát giáo viên và lấy lại điện thoại.

Sự việc diễn ra trong giờ học môn Toán, ngày 25/5/2020. Nam sinh là Đ.N.N.K, học sinh lớp 8A, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận Ba Đình, Hà Nội.

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Nội, giờ học hôm đó, học sinh T.M.S mượn tai nghe của bạn Đ.N.N.K và sử dụng trong giờ học. Cô giáo P.T.T nhắc nhở nhiều lần, tuy nhiên, học sinh T.M.S vẫn tiếp tục sử dụng. Cô giáo thu tai nghe của học sinh và nói rằng, cuối giờ sẽ trả lại. Lúc này, học sinh Đ.N.N.K đi từ cuối lớp lên bục giảng, văng tục với cô, tự ý lấy lại tai nghe trên bàn giáo viên rồi quay lại tát cô giáo.

Ngày 26/5/2020 Hội đồng kỷ luật của nhà trường ra quyết định kỷ luật đuổi học một năm với học sinh này. Đồng thời, nhà trường yêu cầu học sinh quay clip đưa lên mạng xóa clip. Gia đình học sinh vi phạm xin cho em này nghỉ học. Đến đầu năm học 2020-2021, phụ huynh học sinh Đ.N.N.K có đơn xin cho học lại lớp 8. Ban Giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên quận chấp nhận và tiếp nhận học sinh vào học tại lớp 8A.

VŨ NINH

Tin mới