Theo tờ Berlingske, Mỹ đang có ý định mở rộng hiện diện quân sự ở Bắc Cực và xây dựng lại căn cứ Thule ở phía bắc Greenland, Washington dự kiến sẽ dành hành tỷ USD cho kế hoạch này.
Cũng theo Berlingske, Thule là một trong nhiều căn cứ quân sự được Mỹ thiết lập ở Greenland trong Thế chiến thứ 2 và tiếp tục được mở rộng trong Chiến tranh Lạnh, đây cũng là “nút thắt” khiến quan hệ Mỹ và Đan Mạch lẫn chính quyền sở tại Greenland trục trặc trong nhiều thập kỷ qua.
Trong những năm gần đây, chính quyền Greenland đã liên tục thúc giục Mỹ dọn dẹp hàng chục các cở sở quân sự thuộc Thule với những lo ngại rò rỉ phóng xạ và hóa chất độc hại, nhưng Washington vẫn giữ thái độ im lặng.
Vị trí căn cứ Thule ở phía bắc Greenland. (Ảnh: Daily Mail)
Thông tin của Berlingske cũng được phía không quân Mỹ xác nhận khi họ là lực lượng đảm nhiệm việc vận hành căn cứ Thule.
Tuy nhiên có một vấn đề là chính quyền Greenland lẫn Đan Mạch đều không biết về kế hoạch mở rộng căn cứ Thule của Mỹ, điều vốn phải được sự cho phép của Copenhagen trước khi được thực hiện.
Theo bà Pipaluk Lynge Rasmussen - Chủ tịch Ủy ban Chính sách Đối ngoại và An ninh quốc hội Greenland, đồng thời là thành viên của đảng cầm quyền IA cho biết bà chưa từng nghe nói về kế hoạch này hay biết về nó trước đây.
“Rõ ràng chúng tôi cần phải biết điều gì đang diễn ra và tham gia vào quá trình này, vì căn cứ Thule nằm trên lãnh thổ Greenland”, bà Rasmussen nhấn mạnh.
Được biết kế hoạch nâng cấp căn cứ Thule mà Mỹ đang theo đuổi cũng không nằm trong chương trình nghị sự của Quốc hội Greenland hoặc Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội Đan Mạch.
Nghị sĩ IA Aaja Chemnitz Larsen, người đại diện cho Greenland trong Quốc hội Đan Mạch cho biết, chính quyền Greenland cần phải được thông báo về bất cứ sự thay đổi nào đối với căn cứ Thule. Theo các thỏa thuận hiện có giữa Mỹ, Greenland và Đan Mạch, Washington phải tham khảo ý kiến và thông báo cho chính phủ Đan Mạch và Greenland về bất kỳ thay đổi đáng kể nào trong các hoạt động quân sự của Mỹ ở Greenland.
Nằm cách 1.210 km về phía Bắc của Vòng Bắc Cực và 1.524 km từ Bắc Cực, căn cứ không quân Thule là tổ hợp quân sự xa nhất về cực bắc của không quân Mỹ. Đây cũng là nơi Lầu Năm Góc đặt các hệ thống thuộc mạng lưới cảm biến cảnh báo sớm tên lửa và giám sát không gian toàn cầu.
Một trong số hệ thống radar cảnh báo sớm của Mỹ tại căn cứ Thule. (Ảnh: Không quân Mỹ)
Hiện tại Greenland vẫn là một phần của vương quốc Đan Mạch, nhưng hòn đảo này có chính quyền tự trị riêng. Ngoài ra Greenland phụ thuộc hoàn toàn vào Đan Mạch về kinh tế. Chính quyền của xứ tự trị này chỉ lo các vấn đề đối nội, trong khi đối ngoại và an ninh quốc phòng thuộc trách nhiệm của Copenhagen.
Một hiệp ước ba bên năm 1951 cho phép Mỹ kiểm soát đáng kể hòn đảo lớn nhất thế giới. Nhìn chung, kể từ năm 1867, Mỹ đã xem xét hoặc thậm chí đưa ra một số đề nghị mua lại hòn đảo này từ Đan Mạch, đề xuất gần đây là dưới thời cựu Tổng thống Trump, dĩ nhiên Copenhagen từ chối.
Việc Mỹ quá quan tâm tới Greenland cũng làm xấu đi mối quan hệ giữa Washington và Copenhagen trong thời gian gần đây, nhất là sau khi xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng Greenland nên tách khỏi Đan Mạch.
Ngoài mối quan hệ không mấy nồng ấm với Đan Mạch, Mỹ cũng không được lòng giới chính trị gia Greenland, hầu hết vấn đề đều đến từ việc căn cứ Mỹ xả thải gây ô nhiễm hòn đảo này.