Những ngày gần đây, bóng đá Việt Nam xôn xao khi Rafaelson Fernandes đang làm đơn xin nhập tịch Việt Nam. HLV Kim Sang-sik sẵn sàng đón chào cầu thủ mới lên đội tuyển Việt Nam dù bản thân vẫn rất tự tin với những cái tên bản địa. Nhưng trước khi lên đội tuyển, chính Rafaelson cần nhìn vào bài học trong quá khứ của các đồng nghiệp.
Hát quốc ca
“Dĩ nhiên là các cầu thủ nhập tịch đều rất muốn thi đấu cho đội tuyển Việt Nam. Việc một cầu thủ nhập tịch cần học và hát được quốc ca Việt Nam là điều hiển nhiên. Với tôi khi xưa thì khá dễ dàng, tôi có một chút kiến thức về âm nhạc và biết tiếng Việt. Thời của tôi, một vài người hơi có chút tự ti khi hát chứ không riêng gì hát quốc ca”, Đinh Hoàng La - thủ môn nhập tịch từng chơi cho đội tuyển Việt Nam trả lời Báo điện tử VTC News.
Đinh Hoàng La - người có tên khai sinh là Lytovka Mykola vốn rất nổi bật trong màu áo Thanh Hóa khi xưa được nhập tịch Việt Nam hơn 15 năm trước. Mykola đến từ Ukraine và là sự bổ sung lý tưởng cho khung gỗ của đội tuyển Việt Nam. Anh vinh dự được trao cơ hội thi đấu trong màu áo đỏ trong các trận đấu gặp Olympiacos (Hy Lạp) và đội tuyển Kuwait.
Đinh Hoàng La từng được lên đội tuyển Việt Nam.
Mykola có lẽ chẳng khó khăn gì với việc hát quốc ca, nhưng không phải đồng nghiệp nào của anh cũng vậy. Phan Văn Santos khiến người hâm mộ “ngao ngán” với thái độ của anh khi thi đấu cho đội tuyển Việt Nam. Anh thoải mái hát quốc ca Brazil khi đội tuyển Việt Nam giao hữu với đội tuyển quê nhà. Cùng với lần bỏ đội tuyển về Brazil, cánh cửa khép lại hoàn toàn với Phan Văn Santos và còn ảnh hưởng tới nhiều càu thủ nhập tịch khác sau này.
Ngược lại, Huỳnh Kesley Alves vẫn được ghi nhận như một cầu thủ nhập tịch thẩm thấu được văn hóa Việt Nam. Cũng bởi việc lập gia đình với phụ nữ bản xứ, Kesley coi tiếng Việt như một phần cuộc sống. Anh có thể giao tiếp với lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Việt Nam bằng tiếng Việt. Nguyên Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ từng rất vui khi Kesley nói tiếng Việt, yêu cầu con mình chào ông Hỷ rõ ràng bằng tiếng Việt.
Nhắc lại quá khứ, Đinh Hoàng La nói: “Quả thật, việc mang lên mình chiếc áo của một đội tuyển quốc gia không hề dễ. Tôi đồng ý với bạn rằng việc một cầu thủ nhập tịch hiểu được tiếng Việt, nói tiếng Việt quan trọng không kém việc đá bóng”.
Phan Văn Santos để lại nhiều điều tiếng.
Sự tận hiến
Thực tế, bóng đá thế giới chứng kiến nhiều trường hợp nhập tịch nhưng tận hiến cho đội tuyển quốc gia mới chẳng khác nào người bản địa. Deco, Pepe đến từ Brazil nhưng cách họ hy sinh cho Bồ Đào Nha đã được thừa nhận. Ngay ở Đông Nam Á, cách Aleksandar Duric hay Agu Casmir thi đấu đủ để người Singapore hài lòng.
Đội tuyển quốc gia rất khác môi trường câu lạc bộ. Sự tận hiến dưới lá cờ Tổ quốc đòi hỏi ở một mức độ cao hơn sự chuyên nghiệp khi tập luyện thi đấu. Rất khó để “ép” một cầu thủ có dòng máu Nam Mỹ, Brazil lại có thể đá với tinh thần như đồng nghiệp Việt Nam. Nhưng vẫn có những cách để khơi dậy cảm hứng chơi bóng.
Kesley là cầu thủ nhập tịch thấm nhuần văn hóa Việt Nam.
Đinh Hoàng La - từng vướng lùm xùm với tin đồn nhận nhiều tiền để nhập tịch. Anh thẳng thắn: “Tôi hay bất kì ai thời đó thực sự đều muốn chơi bóng, cống hiến cho đội tuyển Việt Nam nếu có quốc tịch. Mọi người đều muốn làm hết khả năng, hãy tin tôi điều này. Với tôi, nhập tịch sẽ giúp tôi kéo dài sự nghiệp tại Việt Nam. Nhưng điều quan trọng nhất là tôi luôn rất yêu mến con người nơi đây".
Có thể nói, các cầu thủ nhập tịch luôn hiểu được vị trí và vai trò của mình. Có quốc tịch Việt Nam là lợi thế rất lớn khi thi đấu V.League. Nhưng cầu thủ nhập tịch nếu để lại “tì vết” ở đội tuyển quốc gia, cái giá phải trả cũng rất đắt.
Trước khi đưa một cầu thủ nước ngoài lên đội tuyển Việt Nam, VFF, câu lạc bộ chủ quản và những người liên quan cần dùng nhiều cách để họ “ngấm” được văn hóa Việt Nam theo cách tự nhiên nhất.