Trong kho tàng các loại bánh cổ truyền của Việt Nam, có một loại bánh mướt như thạch là đặc sản của người Tày nhưng dần được ưa chuộng rộng rãi trên cả nước. Đó là món bánh gio (hay còn gọi là bánh tro, bánh ú tro, bánh nẳng, pẻng tấu).
Tên gọi của bánh gio xuất phát từ phụ liệu cốt yếu làm nên món bánh này: nước tro. (Ảnh minh họa)
Người làm bánh gio sẽ đốt các loại thảo mộc, dược liệu thành tro, vò mịn rồi đem lọc lấy nước cốt màu vàng nâu, đem đi ngâm gạo và luộc bánh. Gạo để làm bánh gio phải là gạo nếp ngon mới đạt được độ dẻo nhất định.
Sau khi luộc chín, thành phẩm là một khối bột trong, núng nính, có hình dạng tuỳ thuộc vào tay người gói (ở các địa phương khác nhau). Bánh ban đầu rất lạt, có màu hổ phách ánh lên, trong suốt như một khối ngọc. Khi nguội, bánh thanh mướt như thạch, thơm vị xoan vừng.
Bánh gio chấm với mật mía hoặc đường cát, trở thành một thức quà vặt già trẻ đều thích. (Ảnh minh họa)
Mùa hè đến là thời điểm bánh gio được tiêu thụ nhiều nhất. Ngoài ra, món bánh “thuần Việt” này vẫn được người người, nhà nhà ưa thích quanh năm, nhất là các bố mẹ, ông bà thì chuộng ăn hơn cả vì bánh vừa thơm mát, dễ ăn, lại vừa dễ mua, giá thành cũng rẻ.
Bánh gio là món ăn được các bà, các mẹ ưa chuộng và ăn quanh năm. (Ảnh minh họa)
Thế nhưng trong thời buổi xã hội phát triển hiện đại, nhiều người, đặc biệt là người trẻ đã “quên lãng” thức quà tuổi thơ này, hoặc có ăn thì cũng chỉ đến dịp mới ăn. Dù vậy, với những ai từng nếm qua bánh gio, chắc hẳn khó lòng quên đi cái vị thơm dẻo của bột nếp, hòa quyện cùng mật mía ngọt ngào.
Chỉ có thế hệ đi trước mới nhớ đến món bánh này. (Ảnh minh họa)