Video: Cầu Tam Tiến thi công 'rùa bò', dân liều mình đánh cược mạng sống qua cầu 'tử thần'
"Ngốn" số vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng, song sau nhiều năm triển khai, hàng loạt công trình dân sinh ở Quảng Nam thi công kiểu cầm chừng, thậm chí có dự án "giậm chân tại chỗ" khiến người dân không khỏi bức xúc.
Cầu mới dang dở, dân liều mình qua cầu "tử thần"
Từ nhiều năm nay, cầu Máng bắc qua sông Trường Giang, nối liền 2 xã Tam Tiến và Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, "gieo" mối hiểm nguy thường trực khiến người dân địa phương khiếp đảm.
Cầu Máng bộc lộ dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng và có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.
Theo đó, cầu Máng có tổng chiều dài 300m, rộng chưa đầy 1m, được xây dựng từ cách đây gần 40 năm với mục đích tạo đường dẫn nước phục vụ cho nông nghiệp. Về sau, để rút ngắn quãng đường sang trung tâm huyện, người dân xã Tam Tiến thường xuyên di chuyển qua cầu này, nhất là học sinh cấp 2 và cấp 3 trên địa bàn xã. Từ đó, chính quyền địa phương quyết định đầu tư dây cáp, giăng 2 bên thành cầu để đảm bảo an toàn cho việc đi lại của bà con.
Thế nhưng, khoảng 15 năm trở lại đây, cầu Máng bộc lộ dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng và bị đặt trong tình trạng "báo động" bởi nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.
Hiện tại, mặt cầu bong tróc, xuất hiện dày đặc các vết nứt; những cây trụ bằng bê tông cốt thép với nhiệm vụ kết nối các sợi dây cáp làm lan can cũng bị bật móng, nằm ngả nghiêng. Trải qua nhiều năm bị bào mòn, không ít trụ bị bong tróc gần hết bê tông và chỉ còn trơ lõi sắt. Chính sự rệu rã của cây cầu đã "gieo" nên hàng loạt cái chết thảm thương và trở thành nỗi ám ảnh đeo đẳng người dân trong vùng.
Năm 2019, tiếp nhận thông tin dự án cầu Tam Tiến và đường dẫn được UBND tỉnh Quảng Nam quyết định phê duyệt đầu tư xây dựng, người dân trong vùng khấp khởi mừng vui.
Cầu Tam Tiến thi công kiểu "rùa bò".
Theo tìm hiểu của PV VTC News, công trình cầu Tam Tiến và đường dẫn có tổng chiều dài 4,18km, tổng mức đầu tư 220 tỷ đồng, do UBND huyện Núi Thành làm chủ đầu tư. Nhà thầu phụ trách thi công là Công ty TNHH Thanh Tùng.
Dự án đặt mục tiêu bàn giao vào tháng 11/2022. Thế nhưng, tới thời điểm hiện tại, cây cầu mơ ước của biết bao thế hệ người dân trong vùng vẫn còn chìm trong sự dang dở bởi dự án chậm tiến độ do hàng loạt nguyên nhân, mà nổi cộm là công tác giải phóng mặt bằng.
Đại diện nhà thầu thừa nhận việc chậm thi công cầu Tam Tiến là do chủ đầu tư chưa bàn giao mặt bằng cho công ty và vật liệu như đất để đắp nền không đủ đáp ứng thi công.
Cầu xây xong "đắp chiếu" vì chờ đường dẫn
Ngoài dự án cầu Tam Tiến, Công ty TNHH Thanh Tùng còn "bắt tay" với Công ty TNHH Xây dựng Thái Dương và Công ty TNHH Xây dựng - dịch vụ Minh Khang thi công dự án đường tránh lũ kết hợp phát triển đô thị Nam Phước, huyện Duy Xuyên.
Dự án đường tránh lũ kết hợp phát triển đô thị Nam Phước vẫn chìm trong dang dở.
Dự án được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt với kinh phí gần 250 tỷ đồng, do UBND huyện Duy Xuyên làm chủ đầu tư; khởi công từ tháng 4/2020 và dự kiến tháng 4/2023 đưa vào sử dụng. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, dự án này vẫn chìm trong dang dở và UBND huyện Duy Xuyên đã phải gia hạn cho đơn vị thi công đến ngày 31/12/2023 để hoàn thành công trình.
Đáng chú ý, hiện tại, 2 cây cầu Tây An 1 và Tây An 2 thuộc dự án trên dù đã hoàn thiện cơ bản các hạng mục nhưng vẫn "đắp chiếu" vì chưa có đường dẫn với lý do thiếu đất đắp nền.
Theo báo cáo của UBND huyện Duy Xuyên, dự án đường tránh lũ kết hợp phát triển đô thị Nam Phước có tổng chiều dài hơn 4km. Trong đó, cầu Tây An 1 gồm 9 nhịp dầm bằng bê tông cốt thép dự ứng lực dài 33m, chiều dài toàn cầu 306,6m; cầu Tây An 2 gồm 2 nhịp dầm bằng bê tông cốt thép dự ứng lực dài 33m, chiều dài toàn cầu 77,75m.
3 năm sau sạt lở, dân vẫn "ngóng" đường mới
Sau đợt mưa lũ thảm khốc hồi năm 2020, nhiều tuyến giao thông liên xã trên địa bàn huyện Phước Sơn bị sạt lở nghiêm trọng, đặc biệt là tuyến Phước Kim - Phước Thành - Phước Lộc.
Đường sá ở vùng cao Phước Sơn vẫn ngổn ngang sau sạt lở hồi năm 2020.
Để đảm bảo giao thông thông suốt, ổn định cuộc sống người dân, UBND tỉnh Quảng Nam quyết định phê duyệt 2 dự án gồm: Dự án đầu tư xây dựng công trình khôi phục, tái thiết tuyến ĐH1.PS (đoạn xã Phước Kim - Phước Thành, tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng) và dự án đầu tư xây dựng công trình khôi phục, tái thiết tuyến ĐH2.PS (đoạn xã Phước Thành - Phước Lộc, tổng mức đầu tư 152 tỷ đồng). Cả 2 dự án này đều do UBND huyện Phước Sơn làm chủ đầu tư. Thời gian thực hiện dự án từ 2021 đến 2024.
Tuy nhiên, thời gian qua, tiến độ thi công 2 tuyến đường trên vẫn hết sức ì ạch. Đến nay, đơn vị thi công mới triển khai xây dựng, sửa chữa hệ thống cầu cống, các hạng mục còn lại bị hỏng chưa được khắc phục.
Theo lãnh đạo huyện Phước Sơn, dự án ĐH1.PS do liên danh nhà thầu Công ty TNHH dịch vụ xây dựng Minh Khang và Công ty TNHH Xây dựng Thái Dương đảm trách thi công, với hạng mục chính là khôi phục, sửa chữa nền, mặt đường với chiều dài 13,56km; xây dựng mới 2 cầu thay cho 2 cầu bản bị hư hỏng, cuốn trôi; xây dựng 54 cống hộp thay thế các cống bị vùi lấp, hư hỏng. Dự án được khởi công ngày 8/1/2022, dự kiến hoàn thành ngày 4/10/2024.
Còn dự án ĐH2.PS do liên danh nhà thầu Công ty TNHH Thành Trí - Công ty TNHH MTV Nguyên Khang - Công ty TNHH tư vấn đầu tư xây dựng Trung Trung Bộ - Công ty CP phát triển Quảng Nam đảm trách thực hiện, với các hạng mục khôi phục, sửa chữa nền, mặt đường có chiều dài 8,37km và gia cố lề đoạn đường tận dụng mặt đường có chiều dài 0,18km; xây dựng mới 4 cây cầu; xây dựng 37 cống để thay thế các cống cũ bị hư hỏng, vùi lấp và thiết kế cống mới, 1 cống nối thượng lưu, tận dụng 3 cống cũ hiện trạng còn tốt… Dự án được khởi công ngày 6/5/2022, dự kiến hoàn thành vào ngày 31/3/2025.
Việc các nhà thầu đảm trách 2 dự án với tổng số vốn hơn 300 tỷ đồng thi công một cách ì ạch khiến người dân vùng cao Phước Sơn không khỏi ngán ngẩm.
Theo BQL dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện Phước Sơn, tính đến tháng 7/2023, giá trị khối lượng đạt được của 2 nhà thầu trên tuyến ĐH1.PS chỉ đạt 30,22% giá trị hợp đồng; giá trị khối lượng đạt được của 4 nhà thầu trên tuyến ĐH2.PS chỉ đạt 14,435% giá trị hợp đồng.
So với hợp đồng thi công đã ký kết, nhà thầu thi công tuyến ĐH1.PS không đảm bảo. Từ ngày 1/6/2023, nhà thầu đã tạm dừng thi công để chờ ý kiến chỉ đạo và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về giá cả vật tư tăng cao. Còn đối với dự án ĐH2.PS, các nhà thầu tham gia dự án thực hiện không đảm bảo theo hồ sơ dự thầu, thậm chí có nhà thầu không triển khai thi công.
Việc 6 nhà thầu đảm trách 2 dự án với tổng số vốn hơn 300 tỷ đồng, thi công một cách ì ạch trong những năm qua khiến người dân vùng cao Phước Sơn không khỏi ngán ngẩm. Đặc biệt, vào mùa mưa bão, các tuyến đường vốn bị tàn phá cách đây 3 năm lại lâm vào tình trạng hư hỏng nặng thêm khiến bà con hết sức bất an.