Trả lời PV Báo điện tử VTC News về câu hỏi này, các chuyên gia cho rằng cả giá vàng thế giới và trong nước sẽ tiếp tục tăng trong giai đoạn từ nay đến cuối năm. Tại Việt Nam, giá vàng miếng và vàng nhẫn đều có xu hướng tăng theo giá thế giới nhưng hiện tại vàng miếng ít biến động hơn, trong khi vàng nhẫn liên tiếp xô đổ kỷ lục để lập đỉnh cao mới và đang đắt nhất lịch sử khi vượt 81 triệu đồng/lượng, tiến gần giá vàng miếng đang ở mức 81,35 triệu đồng/lượng.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu phân tích: Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể tiếp tục giảm lãi suất từ nay đến cuối năm, thậm chí giảm tiếp vào đầu năm 2025. Đây sẽ là nguyên nhân tác động làm tăng giá vàng thế giới. Ngoài ra, giá vàng thế giới cũng rất nhạy bén với những biến động địa chính trị, trong khi hiện nay căng thẳng địa chính trị trên thế giới vẫn khốc liệt.
Thêm vào đó, cuộc bầu cử Tổng thống tại Mỹ cũng sẽ tác động đến giá vàng. Sắp tới, bất cứ phe nào nắm quyền cũng có thể khiến vàng tăng giá.
Ngoài ra, sức cầu đến từ các nước như Trung Quốc, Ấn Độ dự báo sắp tăng mạnh, khi lễ Giáng sinh và mùa cưới tại châu Á đến gần.
Trong những bối cảnh này, giá vàng thế giới sẽ tiếp tục được đẩy lên cao và giá vàng trong nước cũng tăng theo.
“Hai phân khúc vàng miếng và vàng nhẫn hiện như quả bóng, bóp đầu này thì phình to đầu kia. Vàng miếng đang được Nhà nước kiểm soát còn vàng miếng thì theo quy luật cung - cầu. Do đó, giá vàng miếng có lẽ sẽ ít có thay đổi trong khi giá vàng nhẫn tăng mạnh. Đó là những điều nhà đầu tư cần chú ý”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.
Giá vàng nhẫn liên tiếp lập đỉnh lịch sử thời gian gần đây. (Ảnh minh họa: Kinh tế Chứng khoán)
Đồng quan điểm, chuyên gia vàng Trần Duy Phương cũng cho rằng, giá vàng thế giới đang chịu tác động mạnh bởi 3 yếu tố:
Đầu tiên là việc các ngân hàng trung ương trên thế giới giảm lãi suất. Khi lãi suất giảm, dòng tiền thay vì chảy vào các kênh tiền tệ, trái phiếu thì sẽ quay vào vàng hoặc chứng khoán. Nguồn cầu tăng khiến giá vàng chịu bị tác động tăng lên.
Thứ hai là những căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông làm cho vàng trở thành kênh trú ẩn an toàn.
Thêm nữa, hầu như các năm có bầu cử Tổng thống Mỹ thì giá vàng đều có xu hướng tăng.
Từ đầu năm đến nay, giá vàng đã tăng khoảng 600 USD/ounce và theo chuyên gia Trần Duy Phương, vẫn còn một nhịp tăng nữa từ nay đến cuối năm, với mức tăng thêm khoảng 100 USD/ounce. Tuy nhiên, trong khoảng 1 tuần tới, giá vàng có thể bước vào kỳ điều chỉnh do hoạt động chốt lời của giới đầu tư. Theo đó, giá giảm về vùng 2.500 USD/ounce, sau đó sẽ tích lũy và tăng mạnh trở lại vào quý IV.
“Giá vàng thường tăng giảm theo đồ thị hình sin. Ở thời điểm hiện tại, giá có thể đang ở đỉnh của một chu kỳ. Nhà đầu tư nên cân nhắc khi quyết định gom mua. Mặc dù mua vàng ở thời điểm này vẫn có thể sinh lời nhưng vì đang ở vùng đỉnh nên tỷ suất sinh lời sẽ không cao. Thay vào đó, nên xem xét mua vào khi giá vàng thế giới điều chỉnh trong thời gian tới”, chuyên gia Trần Duy Phương tư vấn.
Giá vàng nhẫn liên tiếp lập kỷ lục, có bất thường?
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, giá vàng nhẫn trong nước đang rất cao và sát với giá thế giới. Hiện giá vàng thế giới đã vượt 2.600 USD/ounce và sẽ còn tiếp tục tăng trong tương lai. Do đó, giá vàng nhẫn khó tránh khỏi xu hướng tăng.
“Vàng nhẫn có được đặt vào diện kiểm soát giống vàng miếng không thì chưa ai biết. Nhưng tại thời điểm hiện tại, giá vàng nhẫn vẫn chưa tăng đến mức có thể tạo ra sự bất ổn trên thị trường, do đó việc kiểm soát này có thể chưa diễn ra trong thời gian sắp tới”.
Mặc dù vậy, ông Hiếu vẫn cho rằng, việc giá vàng nhẫn leo cao lên mức chỉ còn cách giá vàng miếng khoảng 1,5 triệu đồng/lượng là khá bất thường: “Mặc dù chúng ta không thể so sánh vàng miếng với vàng nhẫn, bởi một loại được kiểm soát, một loại thì chưa. Tuy nhiên, vàng miếng vốn có tính thanh khoản cao hơn, lại có thương hiệu vàng quốc gia SJC, tính ưu việt rất nổi trội. Còn vàng nhẫn thì các thương hiệu đồng đều và cạnh tranh nhau. Do đó, việc giá vàng nhẫn tiến rất gần giá vàng miếng là khá bất thường”.
Ông Hiếu cũng nhắc đến sự bất thường trên thị trường vàng miếng. Hiện loại vàng này đang được kiểm soát theo chương trình bình ổn giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Giá vàng miếng đã giảm rất sâu, từ hơn 92 triệu đồng/lượng xuống khoảng 78 triệu đồng/lượng và bây giờ là 83,5 triệu đồng/lượng. Đây là một thành công của chương trình này.
Tuy nhiên, trên thực tế, người có nhu cầu rất khó mua được vàng miếng với giá này, vàng miếng hiện không được vận hành theo quy luật cung cầu. “Cầu thì rất cao nhưng cung thì không có, thị trường vàng miếng vì thế rất trầm lắng. Nói thị trường vàng miếng ổn định, có lẽ chỉ ổn định một nửa đó là về giá, nhưng về cung - cầu thì không được vận hành”.
Trong khi đó, chuyên gia vàng Trần Duy Phương lại cho rằng giá vàng nhẫn tăng cao như hiện tại là bình thường vì giá vàng nhẫn trong nước đang được dẫn dắt bởi giá thế giới.
“Giá vàng thế giới tăng kéo theo giá vàng nguyên liệu quy đổi đầu vào tăng. Hiện giá vàng thế giới đang ở mức khoảng 2.630 USD/ounce, sau khi quy đổi, cộng các loại thuế phí, vận chuyển về đến Việt Nam thì giá cũng khoảng hơn 80 triệu đồng/lượng. Cộng thêm chi phí sản xuất, vận hành thì giá vàng nhẫn bán ra vẫn đang nằm trong khoảng giá hợp lý. Nếu như giá vàng nhẫn tăng hoặc giảm ngược chiều với giá vàng thế giới thì lúc đó mới bất thường.
Giá vàng nhẫn tăng mạnh trong thời gian qua là do giá vàng thế giới tăng quá mạnh. Còn việc giá vàng nhẫn tiệm cận với giá vàng miếng là do vàng miếng SJC đang được quản lý giá bởi NHNN nên không thể tự tăng, giảm theo thị trường. Do đó, giá vàng miếng SJC tăng/giảm có độ trễ hơn so với giá vàng nhẫn", ông Phương lý giải.