Tại kỳ họp lần thứ 36 vừa kết thúc cách đây ít ngày, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương (UBKT TW) xem xét, thi hành kỷ luật ông Huỳnh Quang Hải, Ủy viên ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tài chính bằng hình thức cảnh cáo.
Ông Huỳnh Quang Hải được xác định chấp hành không nghiêm nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng; vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống và các quy định của Đảng về những điều đảng viên không được làm, về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và Bộ Tài chính.
Trước đó, ngày 14/5, Ban Bí thư họp xem xét, thi hành kỷ luật ông Nguyễn Bá Cảnh, Thành ủy viên, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng bằng hình thức cách tất cả các chức vụ trong Đảng.
Ông Nguyễn Bá Cảnh bị phát hiện sống chung với người khác như vợ chồng và có con riêng khi đang có vợ trong thời gian hôn nhân hợp pháp. Ban Bí thư kết luận hành vi của ông Cảnh là vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống; vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình, vi phạm Quy định Đảng về những việc đảng viên không được làm và về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải (trái) và Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Cảnh bị kỷ luật về vi phạm đạo đức, lối sống, về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Đánh giá về những quyết định kỷ luật này, ông Nguyễn Túc - Nguyên Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, những quyết định vừa rồi của UBKT TW là rất nghiêm túc, thực hiện đúng quy định về những điều Đảng viên không được làm.
Tuy nhiên ông Túc nhấn mạnh: “Ở thời này, với khuyết điểm đó, UBKT TW thi hành kỷ luật như thế là đúng, là vừa phải, nhưng đối với thế hệ chúng tôi thì chắc chắn sẽ còn gay go hơn nhiều.
Vì thế hệ của chúng tôi mà vi phạm những điều đó, sẽ là một trong những điều được coi là chỉ nhẹ hơn phản quốc, chứ không phải như hôm nay. Tôi thấy rằng, đây cũng là một cách để cảnh báo những đồng chí có chức có quyền hiện nay lại ở tuổi chưa phải là già, cần phải nghiêm túc hơn nữa với bản thân mình”.
“Sau vụ Nguyễn Bá Cảnh ở Đà Nẵng, đến đồng chí Huỳnh Quang Hải cho chúng ta thấy rằng các đồng chí hiện nay coi nhẹ phẩm chất đạo đức của người cán bộ. Tuy rằng Trung ương đã có Nghị quyết về nêu gương nhưng với một loạt những hiện tượng vừa rồi, tôi cho rằng Nghị quyết đó chưa thâm nhập, chưa đi vào cuộc sống với những đồng chí có chức có quyền hiện nay.
Từ những chuyện dùng xe công để đi lễ hội, dùng xe công để đón người thân, rồi đến chuyện dùng xe công đi ăn tiệc, đi cưới… Tôi thấy qua những sự việc này, các cấp ủy Đảng cần phải kiểm tra những đảng viên của mình, nhất là những đảng viên chịu trách nhiệm chủ chốt một cách sát sao hơn nữa.
Tính chiến đấu trong từng cơ sở Đảng, trong từng chi bộ, tự phê bình và phê bình, cần phải thực hiện một cách nghiêm túc hơn nữa.
Tránh tình trạng “đấu tranh - tránh đâu”, “dĩ hòa vi quý” mà hiện nay tôi thấy nó diễn ra ở không ít chi bộ hay cấp ủy ở trong các cơ quan Nhà nước”, ông Túc nói.
Ông Nguyễn Túc - Nguyên Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Theo ông Túc, việc xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm quy định về đạo đức, lối sống về trách nhiệm nêu gương không nên chỉ đẩy mạnh với các cán bộ lãnh đạo chủ chốt mà còn là ở tất các các cấp ủy Đảng, với tất cả các cán bộ, đảng viên.
“Tôi thấy rằng UBKT làm như vậy là rất đúng chức năng nhiệm vụ của mình, nhưng mong rằng UBKT không chỉ ở TW mà ở các cấp cũng phải khởi động mạnh mẽ hơn nữa và với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
UBKT của các cấp ủy Đảng cần phải làm một cách công tâm và quyết liệt hơn, để Nghị quyết của TW về nêu gương được đi vào cuộc sống hơn nữa”, ông Túc nói.
Nguyên Uỷ viên Thường trực UB TW MTTQ Việt Nam cũng cho rằng, việc nêu gương với mỗi cán bộ, đảng viên cần phải được đẩy mạnh và đi vào thực chất hơn nữa, không chỉ với các cán bộ lãnh đạo có vị trí chủ chốt mà là với bất cứ cán bộ, đảng viên nào. Nêu gương phải thấm vào máu của cán bộ, đảng viên chứ không phải chỉ được thực hiện thông qua Nghị quyết.
Nêu gương phải thấm vào máu từng cán bộ, đảng viên chứ không phải cứ đợi người ta kiểm tra, người ta giám sát mình rồi mới nêu gương.
Ông Nguyễn Túc
“Tình hình hiện nay, nhiều đồng chí cán bộ chủ chốt không thấy rằng mình phải giữ mình, phải nêu gương như là những thế hệ đi trước thực hiện.
Tôi lấy ví dụ, vừa qua chúng ta tổ chức hội thảo kỷ niệm 130 năm ngày sinh của cụ Nguyễn Văn Tố. Qua những báo cáo và tham luận tại hội thảo cho thấy một điều rằng, không phải có Nghị quyết gì cả mà chính bản thân những đồng chí đi trước đó, thấy rằng mình có trách nhiệm làm gương cho những người xung quanh và thế hệ mai sau.
Nêu gương đã thấm vào máu của từng đồng chí ở những thế hệ đi trước, từ tinh thần, tự bản thân một cách tự nhiên, chứ không phải vì Nghị quyết của TW mà mới nêu gương. Phẩm chất của người lãnh đạo là như vậy chứ không phải cứ đợi người ta kiểm tra, người ta giám sát mình rồi mình mới nêu gương”, ông Túc nói.
Đồng quan điểm với ông Nguyễn Túc, ông Lê Quang Thưởng – Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, những hình thức kỷ luật với những cán bộ vi phạm đạo đức, lối sống, trách nhiệm nêu gương là rất nghiêm túc và tích cực.
Theo ông Thưởng, những người có chức có quyền thì phải làm đúng chức trách của mình, không nên làm quá, phải giữ cho mình trong sạch, không dính đến những chuyện “tiền tài, gái gú” làm ảnh hưởng đến uy tín của người cán bộ, đảng viên, làm cho nhân dân phiền lòng.
“Tất cả những Đảng viên bình thường cũng phải gương mẫu chứ đừng nói đến những người có chức vụ, những người lãnh đạo”, ông Thưởng nói thêm.