Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Kỹ sư Hồ Quang Cua: 'Cả ST24 và ST25 đều được xướng tên gạo ngon nhất thế giới'

(VTC News) -

Ông Cua khẳng định, giống lúa ST24 được xướng tên đoạt giải ngon nhất thế giới lúc 14h ngày 12/11, sau đó 4 tiếng ban tổ chức công bố lại giải thưởng trên thuộc về ST25.

Sau hơn một tháng trở về từ cuộc thi World's Best Rice (Gạo ngon nhất thế giới), tại Hội nghị quốc tế lần thứ 11 về thương mại gạo tổ chức tại Manila (Philippines), ông Hồ Quang Cua, "cha đẻ" của loại gạo ST25 đạt giải nhất cuộc thi đã có những chia sẻ về hành trình tạo nên giống lúa trên.

Ông Cua khẳng định, cả ST24 và ST25 đều được xướng tên gạo ngon nhất thế giới

"Lúc 2h chiều ngày 12/11, ban tổ chức công bố giống ST24 đoạt giải gạo ngon nhất. Nhưng sau đó đến 6h chiều cùng ngày, họ công bố lại là giống ST25. Tôi thực sự bất ngờ khi mình đem 2 giống đi thi thì họ nêu luôn cả hai giống đoạt giải.

Đến giờ, tôi vẫn không nghĩ được rằng sự kiện đó có sức ảnh hưởng lớn đến truyền thông và người tiêu dùng cũng như nông dân cả nước đến vậy. Tôi nghĩ, từ trước đến nay, người Việt hay tìm gạo Thái để ăn là do ở Việt Nam chưa có gạo nào được công nhận có một đẳng cấp trên thế giới. Thái Lan và Campuchia thì từ lâu đã được thế giới vinh danh rồi. Sau khi gạo Việt Nam 3 lần đạt top 3 thế giới và đạt top 1 trong năm 2019 thì nguời tiêu dùng đã quay trở lại với gạo nội.

Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến hệ lụy là gạo chưa xuất hiện mà trên thị trường đã tràn lan gạo giả thương hiệu ST25. Thậm chí tại Mỹ cũng đã xuất hiện những bao gạo ST25", ông Cua nói.

Theo ông Cua, giống gạo ST đã được nhóm của ông nghiên cứu trong vòng 20 năm, hàng chục năm trước đã có một vị trí trong giá trị gạo xuất khẩu. Tuy nhiên, do chưa có giải nên dư luận chưa quan tâm.

Trong 11 lần thi trước, Tổ chức thương mại lúa gạo thế giới chỉ công nhận giống đoạt giải nhất là những giống gạo cổ truyền, tuy rằng ngon nhưng năng suất thấp, mỗi năm chỉ trồng được một vụ lúa. Khi công nhận gạo ST24 và ST25 thì các loại gạo này có thể trồng 2 vụ/năm, năng suất cao. Như vậy trên cùng một đơn vị diện tích trong một năm thì gạo ST24, 25 có thể cung cấp số lượng gạo gấp 5 lần.

Ông ví von loại gạo này giống như người phụ nữ đẹp cả nết lẫn người: "Với một quá trình nghiên cứu miệt mài như vậy thì nó chẳng những ngon về chất, tốt về ngoại hình mà còn có tính kháng bệnh cao, có tính thích nghi ngoại cảnh cao. Do vậy cho sản lượng cao, ít xài thuốc, trừ sâu bệnh".

Ông Hồ Quang Cua vẫn cảm thấy bất ngờ vì cả hai giống lúa đem đi thi đều đạt giải. (Ảnh: Ngọc Khánh)

Chia sẻ về quá trình hơn 20 năm nghiên cứu và tạo ra giống gạo này, ông Cua nói: "Tôi khởi động chương trình nghiên cứu này từ năm 1991, lúc đầu làm ít và dần dần qua các đợt khác nhau, giống lúa dần được hoàn thiện. Việc lai giống rất công phu và phải lai nhiều lần mới thành công".

"Những năm sau thời kỳ bao cấp, chúng ta phải lo tìm những giải pháp để tăng sản lượng lương thực nên đã bỏ quên và làm mất đi những giống tốt. Từ đó tôi nhem nhóm ý tưởng, suy nghĩ về một tương lai tốt hơn cho gạo mình. Đến năm 1997 thì nhận được tin Thái Lan đã lai tạo giống lúa thơm mà họ gọi là hạt vàng, lúc đó tôi mới đặt vấn đề tại sao họ làm được còn mình không? Tôi suy nghĩ về một nhóm nghiên cứu gồm nhiều người, mọi người bắt đầu học tập, nâng cao trình độ, tìm vật liệu di truyền. Từ năm 2002 bắt đầu lai giống".

Khoảng 6 năm sau, bắt đầu có những thành quả đầu tiên và cải tiến dần dần. Và phải đến năm 2014 nhóm nghiên cứu của ông Hồ Quang Cua mới đưa ra được những giống đang nổi tiếng như hiện nay. Năm 2017, lần đầu tiên ông Cua mang giống gạo ST24 đi thi và đạt giải 3 tại MaCao, 2018 cũng đạt top 3.

Theo vị này, trong quá trình để tạo ra giống gạo ST25, ngoài việc chuyên tâm, kiên trì thì cũng không thể thiếu yếu tố may mắn.

"ST25 đạt được chứng nhận là giống gạo ngon nhất thế giới mới chỉ là bước đầu, muốn phát triển cần phải có thể chế, chính sách phù hợp. Ngoài ra cần có những giải pháp khoa học để duy trì phẩm chất ban đầu để cây lúa không thoái hóa", ông Cua nói và hy vọng sẽ nhận được nhiều sự góp sức từ các Bộ, ngành, các doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng sự ủng hộ của người tiêu dùng.

Ông Cua thông tin thêm, giống gạo ST25 đã được Bộ NN&PTNT công nhận đặc cách, Bộ Khoa học Công nghệ cũng hỗ trợ đăng ký tác quyền trên thế giới.

Ngọc Khánh

Tin mới