Theo tin từ Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán (từ ngày 8 đến 14/2, tức 29 tháng Chạp đến mùng 5 Tết), 1.628 người đến viện tham gia hiến máu và tiểu cầu. Trong đó, 1.269 người tham gia hiến máu và 359 người hiến tiểu cầu. Kết quả này cao hơn so với các năm trước.
Trung bình mỗi ngày, hơn 230 người đến viện hiến máu, hiến tiểu cầu. Cao nhất ngày mùng 5 Tết, đơn vị đón tiếp 312 người đến hiến máu và 100 người hiến tiểu cầu. Ngày 29 tháng Chạp, viện cũng tiếp nhận 298 đơn vị máu và 55 đơn vị tiểu cầu.
Nhiều người đặt lịch hiếm máu sớm từ trước Tết. (Ảnh: BVCC)
Lãnh đạo viện cho hay, trước đây, nhiều người nghĩ cho máu ngày đầu năm sẽ mất đi may mắn, nay họ xem hiến máu là nét đẹp văn hóa mỗi dịp Tết đến, xuân về.
Có người còn đặt lịch sớm từ trước Tết, canh thời gian để đủ điều kiện hiến máu vào mùng một Tết hoặc “tranh nhau” đến viện xông đất. Điều này góp phần giải quyết tình trạng khan hiếm máu đầu năm.
Trước Tết, TS Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết, trung bình mỗi tháng trung tâm cần tiếp nhận khoảng 40.000 - 42.000 đơn vị máu và 5.000 đơn vị tiểu cầu.
Như vậy, riêng 2 tháng đầu năm 2024, trung tâm cần tối thiểu 80.000 đơn vị máu để cung cấp cho hơn 180 cơ sở y tế tại 31 tỉnh, thành phố, trong đó nhóm O cần khoảng 40.000 đơn vị. Mặc dù có sự chuẩn bị, lên kế hoạch tiếp nhận máu từ trước nhưng kết quả hiện tại đều đạt thấp hơn so với nhu cầu.
“Càng đến gần Tết, nhu cầu sử dụng máu cao hơn vì người bệnh nhập viện điều trị và được truyền máu để có đủ sức khỏe về ăn Tết với gia đình, nhu cầu ngay sau Tết cũng vậy. Để đáp ứng nhu cầu này trước Tết và dự trữ trong Tết, hiện chúng tôi vẫn còn thiếu khoảng 10.000 đơn vị máu”, TS Quế nói.
Ngày 18/2 tới, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương và Hội Thanh niên vận động hiến máu thành phố Hà Nội sẽ phối hợp tổ chức lễ hội Xuân hồng lần thứ 17. Đây là sự kiện hiến máu lớn nhất vào mỗi dịp đầu xuân nhằm khắc phục tình trạng khan hiếm máu sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán.