Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Học viên lái xe cần đến thăm nhà tù để thấy ánh mắt ân hận sau song sắt

(VTC News) -

Không chỉ thăm gia đình người chết vì TNGT, học viên lái xe cần được đến thăm các tù nhân từng gây thảm kịch giao thông để hiểu cái giá mình phải trả nếu gây họa.

Tôi rất tâm đắc với đề xuất đưa hoạt động thăm gia đình những người qua đời do tai nạn giao thông (TNGT) vào chương trình bắt buộc của các lớp đào tạo để cấp bằng lái xe, được nêu trong bài viết của bạn Trần Hùng trên VTC News.

Những bài học đạo đức nếu chỉ là lý thuyết suông sẽ nhanh chóng trượt ra khỏi đầu, chỉ những thứ đập mạnh vào cảm xúc, tình cảm mới có thể khắc sâu vào cả trái tim và tâm trí, từ đó mới có tác dụng điều chỉnh, kiểm soát hành động của con người. Việc các lớp đào tạo tài xế đưa học viên đến thăm và giúp đỡ những người có thân nhân tử nạn do va chạm giao thông cũng vậy.

Tận mắt thấy nhiều cuộc đời tan nát thế nào chỉ sau một sơ suất, một vi phạm của tài xế, mọi người sẽ phải tự nhắc mình cẩn trọng và tuân thủ pháp luật khi cầm lái. Đó là khi lương tâm của họ được đánh động để không dám ngủ quên. Bản tính của đại đa số con người là lương thiện, chúng ta sợ trở thành ác nhân làm hại người khác.

 Năm 2023, cả nước có 11.628 người chết, 15.292 người bị thương vì tai nạn giao thông. (Ảnh: SGGP)

Nhưng nếu chỉ nhắc nhở tài xế đừng gây họa cho đồng loại thôi thì không đủ, vì bên cạnh bản tính lương thiện, hầu hết con người cũng có một tính xấu, đó là thói ích kỷ. Chúng ta luôn đặt lợi ích của bản thân lên đầu tiên, coi sự thoải mái, hạnh phúc và lợi ích của mình cao hơn người khác, nhất là người dưng nước lã.

Vì vậy, những người đang học để thi lấy bằng lái xe cũng phải được nhìn tận mắt những hậu quả ghê gớm mà họ sẽ phải nhận lấy nếu làm chết người dưới bánh xe của mình. Các lớp đào tạo lái xe cần đưa học viên đến nhà tù, gặp gỡ, trò chuyện với những người phải ngồi sau song sắt vì gây tai nạn chết người. Các cơ sở dạy lái xe cũng có thể phối hợp với các nhà tù để tổ chức những buổi trao đổi, chia sẻ giữa họ.

Nghe câu chuyện của những người đánh mất tự do sau song sắt, thấy họ đau khổ thế nào, hối hận đến cùng cực ra sao khi từ một người đang được kính trọng bỗng mất quyền công dân, khiến vợ con tủi hổ…, các học viên chắc chắn sẽ liên tưởng đến bản thân và thấy sợ hãi khi nghĩ rằng chính mình cũng có thể lâm vào cảnh đó.

Có lẽ nhiều học viên sẽ rùng mình khi thấm thía ý nghĩa câu “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại” thể hiện qua vẻ ngoài, thần thái, ánh mắt, cách nói chuyện của các tù nhân từng gây thảm họa giao thông. Cái rùng mình đó sẽ giữ cho họ không trở thành hung thần xa lộ, không thành kẻ gieo rắc cái chết khi cầm lái sau này.

Nỗi sợ chính mình phải trả giá, phải chịu khổ đau nhục nhã chính là chiếc vòng kim cô giữ cho họ luôn hành động chuẩn mực. Từ đó, trên đường phố sẽ bớt đi những kẻ phóng nhanh vượt ẩu, những kẻ hung hãn cướp làn đường, lao vào làn ngược chiều, những kẻ nghênh ngang chở hàng chục khối bê tông, sắt thép nặng cả tấn trên thùng xe mà không cố định cẩn thận, sẽ bớt đi những bộ mặt đỏ gay vì rượu ngồi sau tay lái…

Nghĩa là, sẽ bớt đi nhiều cái chết oan ức, tức tưởi sau những cú tông xe oan nghiệt, hay sau cú rơi của những cuộn thép khổng lồ từ thùng xe…

Vẫn biết rằng chương trình đào tạo để cấp bằng lái xe hiện nay có các bài học về đạo đức, nhưng nếu chỉ giảng dạy trên lớp thì không đủ.

Trong các giải pháp lớn cần làm ngay để giảm thiểu tai nạn giao thông, nhất định phải có giải pháp tăng cường hiệu quả dạy đạo đức tài xế bằng các bài học trực quan, thực hành. Mục đích là sau khóa học, cùng với kỹ năng điều khiển phương tiện, mỗi học viên đều khắc sâu vào bản năng của mình nỗi sợ hãi đáng kính: Nỗi sợ làm tổn thương và phương hại đến sinh mạng con người.

Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.

Phạm Lê Hưng

Tin mới