Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cần cho học viên lái xe tận thấy nỗi đau thân nhân người chết vì TNGT

(VTC News) -

Việc tận mắt thấy nỗi đau của thân nhân người chết vì TNGT có tác dụng hơn mọi lời giảng đạo đức trong lớp đào tạo tài xế, khiến họ buộc mình cẩn trọng khi cầm lái.

“Đoạn đường này không có công an đâu”, tôi trấn an vợ như vậy khi cô ấy nhắc không được lấn làn trên cao tốc trong hành trình về quê thăm bố mẹ. Lưu lượng giao thông lúc đó vừa phải và tôi hoàn toàn tự tin ở tay lái của mình, nếu có lo thì cũng chỉ lo bị phạt.

Đó là tôi cách đây 5 năm, trước khi người bạn thân qua đời sau cú lấn làn của một tài xế xe tải trên quốc lộ. Vợ bạn tôi mất trước đó hơn một năm vì ung thư.

Nhìn vành khăn tang trắng và ánh mắt ngơ ngác của hai đứa trẻ đã hoàn toàn mồ côi, nghe xung quanh thì thầm những lời xót thương, rồi lời phẫn nộ dành cho kẻ gây tai nạn, tim tôi lạnh buốt. Chính tôi cũng có thể trở thành kẻ lấy mạng người bằng những cú lấn làn mà mình từng thực hiện.

Và còn những vi phạm mà tôi từng cho là nhỏ khác: Vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ, đi ngược chiều, đã “biêng biêng” vì rượu vẫn cầm vô lăng, chở ba khi chạy xe máy… Nếu nạn nhân không phải người thân thiết, tôi đã không thấy rõ đến thế tấn thảm kịch giáng xuống gia đình nhỏ ấy, sẽ không thực sự thấm thía thế nào là “sai một ly đi một dặm” khi lái xe.

Nỗi sợ chính mình là kẻ tội đồ khiến tôi từ đó không bao giờ cố ý bỏ qua quy định nào khi cầm lái nữa. Nhưng vô số tài xế khác vẫn tiếp tục vi phạm và tin tai nạn giao thông xuất hiện mỗi ngày trên các phương tiện truyền thông.

Theo số liệu của Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia, trong năm 2023, toàn quốc xảy ra 22.067 vụ tai nạn giao thông, làm chết 11.628 người, bị thương 15.292 người. Nghĩa là mỗi ngày có gần 32 sinh mạng bị cướp đi trên đường.

Không phải tôi tốt đẹp, đạo đức hơn những tài xế vi phạm đó. Tôi chỉ hơn họ ở bài học mình nhận được, đó là bài học từ cuộc sống, không phải những khuyến cáo hay bài giảng mang đậm tính lý thuyết, nghe xong rất dễ bỏ ngoài tai.

Chiếc ô tô 4 chỗ bẹp dúm trong vụ tai nạn làm 4 người thương vong trên cao tốc Nha Trang - Cam Lâm ngày 24/6/2023. (Ảnh: TX)

Làm sao để mọi tài xế đều nhận được bài học thấm thía như vậy? Điều đó phải bắt đầu từ việc đào tạo trước khi cấp bằng lái. Mặc dù chương trình đào tạo tài xế hiện nay có môn đạo đức và văn hóa giao thông nhưng hầu như chỉ là lý thuyết. Người ta học để trả bài thi nhằm lấy bằng chứ không thực sự để tâm.

Các cơ quan chức năng nên xem xét đưa vào chương trình đào tạo tài xế một hoạt động ngoại khóa bắt buộc, đó là tổ chức cho học viên đến thăm hỏi, giúp đỡ thân nhân những người mất vì tai nạn giao thông. Đây là hoạt động thiện nguyện, cũng là cách để học viên nhận thức rõ nhất những hậu quả không thể vãn hồi nào có thể xảy ra từ những sai lầm của tài xế.

Tận mắt chứng kiến nỗi đau của gia đình nạn nhân, thấy hoàn cảnh sống của họ sau biến cố khủng khiếp, những tài xế tương lai sẽ thấm thía rằng mỗi cú lấn làn vượt ẩu, mỗi pha chạy quá tốc độ của mình có thể cướp đi mạng sống một số người và làm thay đổi vĩnh viễn nhiều cuộc đời khác. Đó là bài học trực quan, hiệu quả hơn mọi lời thuyết giảng trên lớp.

Nhân chi sơ tính bản thiện. Đại đa số tài xế đều thiện lương, không có tâm hại người, nhưng thương vong do vi phạm luật giao thông vẫn luôn xảy ra và vấn đề đạo đức tài xế luôn được nêu lên như một thực trạng nhức nhối. Tuy nhiên, thông điệp đạo đức phải đi từ trái tim đến trái tim, phải tạo ra sự đồng cảm.

Vì vậy, môn đạo đức trong chương trình đào tạo tài xế nên có các hoạt động thực tế, và sau mỗi chuyến đi là buổi thảo luận, trao đổi giữa các học viên về cảm nhận, thay đổi trong nhận thức của mình.

Hoàn cảnh thực của những người có thân nhân mất vì tai nạn giao thông sẽ là lời cảnh tỉnh sắc bén nhất, lời nhắc nhở sâu sắc nhất về trách nhiệm của người cầm lái đối với sinh mệnh đồng loại. Họ chắc chắn sẽ buộc mình phải cẩn trọng tối đa mỗi lần lái xe.

Bạn có đồng tình với ý kiến trên? Hãy chia sẻ ý kiến ở box bình luận bên dưới.

Trần Hùng

Tin mới