Bài viết “Cần cho học viên lái xe tận thấy nỗi đau thân nhân người chết vì tai nạn giao thông” đăng trên VTC News mới đây khơi lên một vấn đề nhức nhối bao lâu nay và là một phần nguyên nhân gây ra hàng chục nghìn ca thương vong vì tai nạn giao thông mỗi năm, đó là vấn đề đạo đức tài xế. Tài xế ở đây bao gồm cả những người mưu sinh bằng nghề lái và những người điều khiển phương tiện giao thông phục vụ mục đích cá nhân.
Cái chết nào cũng đau thương, nhưng cái chết do tai nạn giao thông khiến người nhà nạn nhân cảm thấy thống khổ và khó chấp nhận nhất vì quá oan uổng. Những con người đang khỏe mạnh, trẻ trung phơi phới, tương lai đang đầy hứa hẹn hoặc đang ở giai đoạn cống hiến nhiều nhất cho xã hội bỗng nhiên không còn trên đời chỉ sau một tích tắc chỉ vì tài xế không đủ phẩm chất đạo đức của người cầm lái.
Có những sai lầm gây chết người chỉ diễn ra trong khoảnh khắc, như một cú tăng tốc để vượt xe khác một cách ngang ngược, một pha lấn làn, hay một thao tác thiếu chính xác lúc không đủ tỉnh táo… Nhưng với tình huống những cuộn thép khổng lồ, trụ bê tông siêu nặng... rơi từ trên thùng xe xuống đường - loại sự cố xảy ra dồn dập thời gian gần đây khiến người dân bạt vía kinh hồn, tài xế luôn biết rõ tai nạn có thể xảy ra ngay từ khi chưa nổ máy.
Cuộn thép rơi từ xe đầu kéo xuống Quốc lộ 1K, thuộc phường Đông Hòa, TP Dĩ An, Bình Dương ngày 11/5/2023. (Ảnh: Báo Bình Dương)
Những loại hàng hóa đặc biệt đó có tiêu chuẩn riêng rất nghiêm ngặt về việc bốc xếp. Nếu được chằng buộc, cố định một cách qua loa đại khái, bất cứ lúc nào chúng cũng có thể bung ra và giáng thẳng xuống đường, đè vào người xe qua lại, gây thương vong. Là người vận chuyển, tài xế đương nhiên biết rõ mức độ nguy hiểm của chuyến hàng nhưng vẫn nhận, đó là hành vi cố ý gây họa.
Tất nhiên, khi xảy ra chuyện cuộn thép, cuộn bê tông rơi từ thùng xe xuống, trách nhiệm thuộc về nhiều phía, bao gồm người thuê chở, doanh nghiệp vận tải, người xếp hàng hóa…, nhưng không thể hạ thấp trách nhiệm của tài xế bởi nếu xe không di chuyển trên đường, tai họa không xảy ra. Tài xế có trách nhiệm rất lớn trong việc bảo đảm an toàn cho chuyến đi, và họ phải lựa chọn làm hay không làm cái việc đe dọa tính mạng người khác.
Biết chuyến hàng có nguy cơ lấy đi mạng người mà vẫn nhận chở, đó rõ ràng là vô đạo đức! Thật đau lòng khi hành vi vô đạo đức đó vẫn diễn ra thường xuyên, thể hiện qua hàng loạt ô tô, xe máy bị đập nát, bị đè bẹp dưới những khối bê tông, cuộn thép nặng hàng tấn, và những người ngồi trên xe thoát chết hoàn toàn do may mắn.
Tôi hoàn toàn ủng hộ việc tăng cường chất lượng việc dạy đạo đức trong chương trình đào tạo tài xế bằng các hoạt động ngoại khóa như thăm gia đình nạn nhân. Mỗi tài xế phải nhận thức được một vi phạm nhỏ cũng có thể là tội ác, chứ không đơn thuần là lỗi khiến họ bị phạt tiền hay tước bằng. Tài xế có đạo đức phải nghĩ đến sinh mạng của người khác chứ không phải phiền toái của bản thân khi nhắc nhở mình tuân thủ luật giao thông.
Hiện nay khi phần lớn các gia đình Việt Nam đều sở hữu phương tiện cá nhân, mỗi công dân đều có thể là tài xế. Trong mấy chục triệu tài xế đó, chỉ một tỷ lệ nhỏ không đếm xỉa đến đạo đức giao thông là có thêm bao nhiêu người chết oan ức hay tàn phế, góa bụa hay mồ côi.
Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ý kiến ở box bình luận bên dưới.