Thiết kế đồ hoạ là sử dụng các phần mềm thiết kế thông dụng kết hợp cùng một số yếu tố mỹ thuật và sự sáng tạo để tạo ra sản phẩm. Thông thường lĩnh vực này sẽ giúp các nhãn hàng, thương hiệu truyền tải thông điệp đến khách hàng.
Thiết kế đồ họa có cần vẽ đẹp không? (Ảnh minh họa)
Vậy học thiết kế đồ họa có cần vẽ đẹp không? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc về vấn đề này.
Học thiết kế đồ họa có cần vẽ đẹp không?
Không ít bạn trẻ nghĩ rằng, thiết kế đồ họa bắt buộc phải vẽ đẹp. Nhưng thực tế, vẽ đẹp là yếu tố đủ để giúp công việc thiết kế diễn ra dễ dàng hơn, chứ không phải yếu tố cần thiết. Hầu hết sản phẩm thiết kế đồ họa đều sử dụng ứng dụng đồ họa để thiết kế. Những sản phẩm này đòi hỏi sự sáng tạo và truyền tải thông điệp doanh nghiệp, nhãn hàng. Vì thế, học thiết kế đồ họa có cần vẽ đẹp không còn phụ thuộc vào công việc.
Nếu như bạn lựa chọn làm việc tại bộ phận Graphic Design (2D) sau khi ra trường bạn không nhất thiết phải biết vẽ đẹp. Bởi vì, sản phẩm này chỉ cần sử dụng thành thạo công nghệ (PS, AI) để thiết kế đồ họa. Nếu bạn có khiếu thẩm mỹ, nhanh nhạy về hình ảnh, màu sắc thì rất dễ tạo ra những sản phẩm ấn tượng.
Nhưng khi lựa chọn mảng Digital Art - thiết kế nghệ thuật kỹ thuật số chuyên vẽ minh họa, concept nhân vật,… thì việc vẽ đẹp là kỹ năng cần thiết để giúp bạn dễ dàng hơn khi tạo ra sản phẩm. Đây là những sản phẩm thiết kế đòi hỏi độ tinh vi, tạo hồn nhân vật.
Học Thiết kế đồ họa mà bạn vẽ tay đẹp thì sẽ có lợi thế hơn nhiều. Điều này giúp người hoạt động trong lĩnh vực này dễ dàng phác thảo bản vẽ trước thiết kế giúp tránh mất thời gian và có thể tạo ra những sản phẩm thiết kế đồ họa chất lượng.
Nếu bạn đã cố gắng nhưng không thể vẽ đẹp thì hãy cố gắng đầu tư học nắm vững nguyên tắc thiết kế. Đây chính là yếu tố giúp bạn thành công trong con đường làm Designer.
Một số trường đào tạo ngành Thiết kế đồ họa
Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội năm 2023 tuyển sinh ngành Thiết kế đồ họa thông qua 4 phương thức: Xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT; thi tuyển kết hợp với xét tuyển; xét học bạ bậc THPT; xét tuyển thẳng. Điểm chuẩn năm nay của ngành lấy 24 điếm với 2 tổ hợp môn thi H00 (Ngữ văn, Hình họa mỹ thuật, Bố cục trang trí màu) và H02 (Toán, Hình họa mỹ thuật, Bố cục trang trí màu).
Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Việt Nam chỉ áp dụng 1 phương thức tuyển sinh duy nhất là xét kết hợp kết quả học tập cấp THPT với điểm thi năng khiếu. Năm 2023, ngành Thiết kế đồ họa của trường có điểm chuẩn là 23,78 điểm, xét tuyển hai tổ hợp môn H00 (Văn, Bố cục màu, Hình họa) và H07 (Toán, Hình họa, Trang trí). Tổng chi phí đào tạo trung bình 1 sinh viên/năm của năm liền trước năm tuyển sinh là 17.200.000 đồng.
Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, học phí ngành Thiết kế đồ họa là 850.000 đồng/tín chỉ. Tổng số tín chỉ là 164 và đào tạo trong 5 năm. Năm 2023, trường tuyển sinh theo 2 hình thức: Xét kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với điểm thi năng khiếu và xét kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với điểm thi năng khiếu. Điểm chuẩn năm nay của ngành Thiết kế đồ họa là 23 điểm, với 6 tổ hợp môn xét tuyển V00; V01; V02; H00; 5K1; 121.
Trường Đại học Hoa Sen tuyển sinh ngành Thiết kế đồ họa theo 4 phương thức: Xét kết quả thi THPT quốc gia, xét học bạ bậc THPT, xét tuyển thẳng; xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP.HCM và Đại học Quốc gia Hà Nội. Năm 2023, ngành này có mức điểm chuẩn là 15 điểm, với 4 tổ hợp môn xét tuyển A01; D01; D09; D14. Quy định mức học phí đối với ngành Thiết kế đồ họa là 86 triệu đồng/năm học.
Trường Đại học Kinh tế Tài chính TP.HCM đào tạo ngành Thiết kế đồ họa với mức học phí bình quân là 18 - 20 triệu đồng/học kỳ, một năm chia thành 4 học kỳ. Trường tuyển sinh theo 3 phương thức: Xét kết quả thi THPT quốc gia; xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP.HCM; xét học bạ bậc THPT. Năm 2023, điểm chuẩn của ngành Thiết kế đồ họa lấy 19 điểm, xét tuyển tổ hợp môn A00; A01; D01; C01.