Cầu Rạch Đỉa (nối quận 7 và huyện Nhà Bè) được xây dựng từ trước năm 1975, tuy đã xuống cấp nhưng vẫn thường xuyên phải chịu mật độ phương tiện cao.
Cầu có kết cấu dạng Bailey, Eiffel, khổ cầu rộng khoảng 3m, lưu thông hai chiều và không có lề bộ hành.
Hiện các thanh sắt đỡ tiếp giáp với đất cũng như tại các mối hàn cây cầu đã có dấu hiệu gỉ sét, xuống cấp.
Nhiều mối liên kết giữa các bộ phận cầu thậm chí không còn ốc vít, hay chỉ được gia cố tạm thời bằng cách buộc dây thép.
Tải trọng khai thác tối đa 3,5 tấn. Trong khi đó, độ tĩnh không của cầu cũng không bảo đảm nên luôn đối mặt nguy cơ bị tàu thuyền, sà lan tông.
Phương tiện giao thông liên tục qua lại trên chiếc cầu sắt đã xuống cấp.
Ông Nguyễn Quang Thành - người dân sống gần cầu Rạch Đỉa 1 cho hay, cầu sắt này hẹp nên kẹt xe xảy ra như cơm bữa. Nhiều hôm ô tô, taxi chạy lên giữa cầu thì đụng độ với dòng xe máy chạy ngược chiều. Lúc này, chạy cũng không được, lùi cũng không xong. Nếu không may xảy ra sự cố sẽ gây tác động dây chuyền vô cùng nguy hiểm.
“Qua cầu sắt mà không vững tay lái là ngã ngay, nhất là những ngày trời mưa, mặt cầu trơn”, ông Thành nói.
Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Ban Giao thông) TP.HCM, dự án cầu Rạch Đỉa mới được UBND TP.HCM phê duyệt từ năm 2001 và được duyệt điều chỉnh từ tháng 9/2017, để thay thế cho cầu sắt hiện hữu đã xuống cấp, mặt cầu nhỏ.
Cầu mới dài gần 318m, rộng hơn 10m, tổng mức đầu tư hơn 512 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, cầu Rạch Đỉa sẽ giúp giảm tải cho cầu Rạch Đỉa 2 trên đường Nguyễn Hữu Thọ.
Tiến độ giải phóng mặt bằng, quận 7 hiện tại còn vướng 9/50 trường hợp chưa đồng ý bàn giao mặt bằng. Huyện Nhà Bè còn vướng 17/45 trường hợp, trong đó có 2 hộ dân lấn chiếm chưa đạt được thỏa thuận. Các trường hợp còn lại có thể cưỡng chế thu hồi đất bắt buộc.
Ông Lương Minh Phúc cũng cho biết thêm, Ban đã chuyển 100% chi phí bồi thường cho hai quận, huyện.
Và đề nghị UBND quận 7 và huyện Nhà Bè nhanh chóng bàn giao mặt bằng để khởi công, chậm nhất vào ngày 30/6 năm nay, kịp hoàn thành công trình vào cuối năm 2024.
Đối với Sở KH-ĐT, ông kiến nghị tham mưu UBND TP điều chuyển 93 tỷ đồng vốn bồi thường, hỗ trợ tái định cư dư đã ghi cho dự án này sang dự án khác để tăng hiệu quả sử dụng vốn và tỷ lệ giải ngân.
Song song, Sở GTVT ưu tiên thỏa thuận vị trí hướng tuyến tái bố trí đường ống cấp nước để Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV triển khai tiếp thủ tục di dời đường ống cấp nước trong tháng 8, phục vụ công tác bàn giao mặt bằng thi công cầu.