Bên trong đường hầm sân Estadio do Sport Lisboa, Cristiano Ronaldo hồi hộp chờ đợi. Mái tóc được chải chuốt gọn gàng, Ronaldo không chỉ chuẩn bị thi đấu, mà còn chờ thời khắc lịch sử. Anh muốn có phong độ hoàn hảo trong trận đấu, cùng một vẻ ngoài hoàn hảo trước truyền thông và người hâm mộ khi nâng cúp vô địch.
Đó là Ronaldo của năm 19 tuổi, người đang chờ đợi trận chung kết EURO 2004. Để rồi, Bồ Đào Nha gục ngã trước "phép màu thần thoại" của Hy Lạp, còn bức ảnh Ronaldo bật khóc nức nở bên cạnh HLV Luiz Felipe Scolari trở thành ký ức khó quên.
Sau 18 năm, Ronaldo đã chinh phục những danh hiệu cao quý nhất cuộc đời cầu thủ. Tiền đạo 37 tuổi chuẩn bị bước vào chiến địa cuối cùng, cũng với mái tóc được vuốt gọn gàng, nhưng không phải với sự háo hức, mà bằng trĩu nặng lo âu khi "chạy đà" cho World Cup 2022 bằng phong độ yếu kém tại Man Utd.
Ronaldo chạy đà trước World Cup bằng phong độ tồi tệ.
5% là con số được báo giới nhắc đi nhắc lại khi nói đến Ronaldo trong những ngày qua. Đó là tỷ lệ chuyển hóa cơ hội thành bàn thắng của tiền đạo người Bồ Đào Nha ở mùa giải này, xếp thứ 53 ở Ngoại hạng Anh. Trung bình dứt điểm tới 22 lần, Ronaldo mới ghi được 1 bàn thắng.
Với cầu thủ trọng số liệu và luôn tự hào về những kỷ lục xuyên suốt sự nghiệp, 5% là con số của nỗi tủi hổ. Không một tiền đạo đẳng cấp nào trên thế giới có tỷ lệ chuyển hóa thành bàn vỏn vẹn 5%. Mùa trước, Ronaldo là một trong những tiền đạo "lười" pressing nhất Ngoại hạng Anh, nhưng anh ghi 24 bàn trên mọi đấu trường.
"Tôi không hiểu tại sao người ta cứ nhìn vào mỗi khía cạnh pressing. Một tiền đạo cần biết cách đưa bóng vào lưới đối phương và Ronaldo rất giỏi làm việc này", Roy Keane chia sẻ sau khi Ronaldo không được vào sân ở trận derby Manchester.
Roy Keane không sai. Ở khâu ghi bàn, không ai giỏi hơn Ronaldo, với kỷ lục 700 bàn ở CLB. Nhưng đó là chuyện của quá khứ.
Ronaldo trượt dốc ở Man Utd.
Mùa này, Ronaldo mới ghi 1 bàn thắng ở Ngoại hạng Anh, cùng 2 bàn ở Europa League. Số bàn thắng quá ít ỏi, nếu đặt cạnh những cơ hội Ronaldo đã bỏ lỡ. Theo báo giới Anh, tiền đạo 37 tuổi đang hứng chịu hậu quả khi vắng mặt ở Man Utd suốt quá trình chuẩn bị mùa giải mới.
Tuy nhiên, đây không phải lý do chủ đạo. 18 năm sau trận chung kết EURO 2004, Ronaldo đã thi đấu dưới quyền của 11 HLV trưởng, trong màu áo 3 CLB ở 3 giải đấu. Mỗi HLV có một màu sắc triết lý riêng, nhưng Ronaldo luôn sắm vai tiền đạo chủ lực. Khả năng thích nghi, do đó, không phải vấn đề của Ronaldo.
Sự xuống dốc của Ronaldo đến từ nguyên nhân tất yếu mà mọi cầu thủ chuyên nghiệp phải đối mặt, đó là tuổi tác. Ở bên kia triền đồi sự nghiệp, Ronaldo chậm hơn, bớt dẻo dai hơn, mau xuống sức hơn và cần nhiều năng lượng hơn để tiếp cận khung thành đối phương.
Lúc Ronaldo đi xuống, cũng là giai đoạn cực thịnh của bóng đá pressing. Các tiền đạo giờ đây không chỉ "đưa bóng vào lưới" như thời của Ronaldo là xong nhiệm vụ. Họ phải di chuyển, hỗ trợ phòng ngự, tắc bóng, kèm người. Thậm chí, có những tiền đạo không cần ghi quá nhiều bàn thắng để được đánh giá cao như Roberto Firmino (Liverpool) hay Gabriel Jesus (Arsenal).
Đòi hỏi một Ronaldo ở tuổi 37 phải chơi với cường độ như những cầu thủ trẻ hơn anh tới 10 tuổi là chuyện phi lý. HLV Erik ten Hag hiểu điều đó, Ronaldo cũng hiểu điều đó. Theo truyền thông Anh, tiền đạo người Bồ Đào Nha muốn lối chơi với hàm lượng kiểm soát bóng và tấn công nhiều hơn. Điều này có lợi cho Ronaldo, người vốn cần nhiều cú sút hơn để ghi 1 bàn thắng so với thời đỉnh cao.
Tuy nhiên, Erik ten Hag không thỏa hiệp. Ông không xây dựng đội bóng vận hành quanh cá nhân nào. Đặt cược tương lai CLB vào một cầu thủ 37 tuổi đang sa sút cũng là canh bạc chẳng riêng Erik ten Hag, mà hầu hết HLV sẽ không dám thử.
Ronaldo luôn khao khát thể hiện mình.
"Dù mới 30 tuổi, tôi tin rằng bản thân đã trải nghiệm đủ và có sự hiểu biết nhất định về bóng đá. Nhưng nỗi ám ảnh chiến thắng của HLV trưởng vẫn là thứ khiến tôi cảm thấy bất ngờ. Khi huấn luyện chúng tôi, ông ấy luôn đòi hỏi mọi thứ phải hoàn hảo đến từng chút", Casemiro chia sẻ về Erik ten Hag.
Mâu thuẫn cứ thế âm ỉ giữa Erik ten Hag và Ronaldo, rồi bùng nổ khi cầu thủ người Bồ Đào Nha từ chối vào sân. Ronaldo bất mãn khi bị Erik ten Hag bỏ rơi, nhưng có lẽ, tiền đạo 37 tuổi cũng bất lực với chính mình. Dòng chảy bóng đá đã thay đổi quá nhanh.
Thay vì chơi ở giải đấu có sức cạnh tranh thấp hơn, bản tính hiếu thắng buộc Ronaldo tự ném mình vào sân chơi khốc liệt và khó khăn nhất, để rồi bị thời cuộc cuốn trôi.
Để nói về tầm ảnh hưởng của Ronaldo, hãy nhớ đến một thống kê nữa: Trận gặp West Ham cuối tuần qua mới là lần đầu ở Ngoại hạng Anh mùa này, Man Utd ghi bàn và chiến thắng khi tiền đạo số 7 đá chính.
Có lẽ, chưa kỳ World Cup nào trong sự nghiệp, Cristiano Ronaldo lại chuẩn bị bằng nền tảng phong độ tồi tệ như năm nay. Tiền đạo 37 tuổi gần như mất tất cả chỉ trong 4 tháng: phong độ, đẳng cấp, bàn thắng lẫn vị thế ở Man Utd.
Câu chuyện ở ĐTQG có thể rất khác, khác ngay từ chính bản chất của Erik ten Hag và Fernando Santos - HLV của đội tuyển Bồ Đào Nha.
Erik ten Hag xây dựng đội bóng dựa trên triết lý huấn luyện, nơi ông làm việc với cầu thủ hàng ngày, đề ra văn hóa và tiêu chuẩn bóng đá riêng. Nói cách khác, Erik ten Hag gần như một nhà quản lý chuyên môn toàn diện, với quyền lực được ban lãnh đạo Man Utd hậu thuẫn tối đa.
Còn HLV Santos chỉ đơn thuần huấn luyện. Đặc thù công việc ở đội tuyển cũng khác, nơi các HLV thay vì xây dựng triết lý, sẽ sử dụng những cầu thủ tốt nhất, tận dụng những nguồn lực ổn định nhất để chiến thắng. Quãng thời gian huấn luyện ít ỏi, cùng danh tiếng HLV ở đội tuyển thường kém xa CLB khiến Santos không thể ngoảnh mặt với Ronaldo như cách Erik ten Hag đã làm.
Hình ảnh Ronaldo ném băng thủ quân ở trận Bồ Đào Nha thua Tây Ban Nha tại Nations League là nốt trầm với tiền đạo 37 tuổi. 6 năm qua, Ronaldo đã 5 lần ném băng đội trưởng, nhưng không có án phạt nào. Thử tưởng tượng nếu Ronaldo hành động như thế ở Man Utd trước mặt Erik ten Hag, điều gì sẽ xảy ra?
Ronaldo là chân sút số 1 trong màu áo ĐTQG.
HLV Fernando Santos vẫn cần Ronaldo. Uy quyền của tiền đạo số 7 ở Man Utd suy giảm, nhưng Bồ Đào Nha thì khác. Tiền đạo sinh năm 1985 là điểm tựa chuyên môn lẫn kinh nghiệm cho lớp đàn em như Andre Silva, Diogo Jota hay Bernardo Silva.
Bồ Đào Nha đã quen với hình ảnh Ronaldo đá tiền đạo trong gần 2 thập kỷ, mà nền bóng đá này dù sản sinh ra nhiều cầu thủ tấn công giỏi nhưng cũng chưa thay thế được. HLV Santos cũng không có thời gian xây dựng chiến thuật "không Ronaldo" để sẵn sàng thay thế học trò.
Ông phải thỏa hiệp, và dù Ronaldo sa sút thế nào, suất đá chính tại World Cup 2022 gần như được mặc định.
Vấn đề là, Ronaldo sẽ chơi thế nào tại World Cup 2022? Một năm trước, cựu tiền đạo Real Madrid đã sút tung lưới Đức, Pháp, Hungary tại EURO 2020, với cú bứt tốc từ phần sân nhà để đệm bóng tung lưới Manuel Neuer được xem như biểu tượng cho sự dẻo dai, bền bỉ. Đó không phải là Ronaldo lúc này, khi những sợi cơ đã lỏng dần theo từng tháng.
Nhưng, Ronaldo còn nguyên kinh nghiệm và bản lĩnh. Ở cấp độ đội tuyển, nơi được hậu thuẫn nhiều hơn, đối thủ cũng không nhanh, mạnh và gắn kết như Ngoại hạng Anh, cửa ghi bàn cho Ronaldo có thể rộng mở hơn.
Là mẫu cầu thủ luôn cần áp lực để vươn mình, Ronaldo bước tới World Cup 2022 bằng hành trang phong độ sơ sài, song chưa bao giờ tiền đạo 37 tuổi bị nghi ngờ khát vọng và trình độ. Sân khấu tại Qatar có thể mang đến thứ ánh đèn trung tâm mà CR7 luôn khao khát, đối lập với bóng tối lầm lũi nơi hàng ghế dự bị tại Old Trafford.
Ở kỳ World Cup có thể là cuối cùng, ngọn lửa của Ronaldo có thể bùng cháy một lần nữa sau bao thăng trầm và kìm nén, để tạo cú hích trong phần còn lại của một sự nghiệp vĩ đại đang trôi dần đến buổi hoàng hôn.